Lễ hội giữa rừng thẳm

(Baonghean) - Cúng rẫy là nghi lễ không thể thiếu của người làm lúa rẫy ở vùng cao. Đối với cộng đồng Khơ mú ở Kỳ Sơn và Tương Dương, lễ cúng rẫy diễn ra trước khi mùa gặt bắt đầu. 

Tôi đã từng nghe các cụ già ở xã Bảo Thắng (Kỳ Sơn) kể về tục cúng rẫy. Đó là một nghi lễ kỳ lạ và đầy lý thú khi không khí lễ hội diễn ra ngay tại nương rẫy. Đây là ngày dành riêng cho những đấng thần linh để con người thể hiện lòng sùng kính và cầu cạnh sự phù hộ cùng nguyện ước khỏe mạnh và sung túc.
Chuẩn bị giàn cúng
Chuẩn bị giàn cúng
Những câu chuyện phong tục thôi thúc tôi tìm về bản vào mùa lúa chín. Đi qua bản Minh Thành, xã Lượng Minh (Tương Dương) gặp anh bạn tên gọi Lô Văn Na mách nước rằng ở khu rừng trên núi Pu Mật giáp ranh giữa xã Lượng Minh và 3 xã của huyện Kỳ Sơn là Bảo Thắng, Chiêu Lưu và Mường Lống ngày hôm sau sẽ có một lễ cúng rẫy. Người chủ lễ là thầy mo Cụt Văn Hường ở bản Chằm Puông xã Lượng Minh. Cụ ông 70 tuổi này sẽ cúng lễ cho những hộ dân gồm 5 gia đình làm rẫy ở Pu Mật. Họ ở 2 xã Lượng Minh và Bảo Thắng. Những địa bàn này ở hai huyện khác nhau nhưng lại chung một khu vực làm rẫy.
Để đến được nơi tổ chức lễ cúng rẫy, chúng tôi phải nhờ sự giúp đỡ của các cán bộ xã Bảo Thắng. Phó chủ tịch Moong Văn Lợi và anh Lô Văn Xoài, cán bộ văn hóa xã nhận lời một cách đầy nhiệt thành. 6h30 sáng, chúng tôi cùng nhau lên đường. 
Đến được những đám rẫy ở núi Pu Mật quả là một kỳ công gian nan. Những dốc núi tưởng chừng như muốn cao mãi lên. Con đường dẫn chúng tôi qua hàng chục con dốc, rừng nứa, rừng lau lách và cả những nương lúa… Sau gần 2 giờ đồng hồ leo dốc, xuôi đèo, tôi buộc phải nhờ đến sự hỗ trợ của chiếc gậy mới có thể tiếp tục cuộc hành trình. 
Vừa băng rừng, anh Moong Văn Lợi vừa giải thích cho tôi về tên gọi từng ngọn đồi, khoảng rừng. Vùng đồi đầy cỏ tranh mà chúng tôi dừng chân nghỉ có tên gọi Càu Tạ. Ngày xưa khi chiến tranh, dân bản tập trung làm cùng một mảnh nương nên rộng lớn lắm. Mảnh nương trỉa hết 9 tạ thóc giống nên có tên gọi Càu Tạ (9 tạ). Qua đồi Càu Tạ chúng tôi lại gặp một mảnh nương mới, lúa sắp sửa chín đang chờ ngày gặt hái.
Từ căn chòi canh nương vọng lại tiếng chó sủa. Tôi mừng thầm trong bụng vì nghĩ mình đã đến nơi và sắp được nghỉ chân. Thế nhưng, anh cán bộ văn hóa xã bảo rằng chúng tôi phải vượt qua một ngọn đồi nữa mới tới nơi. Bây giờ các khu rừng ở Bảo Thắng đã được quy hoạch có rừng đầu nguồn, rừng cấm để bảo vệ nguồn nước. Người dân chỉ được phát nương ở những khu vực nhất định. Chính vì thế bà con mới phải đi xa làm rẫy. Anh Lợi chia sẻ: Những nhà có rẫy xa gặt xong phải để lại trong những kho ở trong rừng, thậm chí có người còn không gùi về nhà. Rẫy ở xa quá nên thóc cũng chỉ để phục vụ nhu cầu chăn nuôi hay những khi phải ở lại trên rẫy dài ngày.
Khi đôi chân tưởng như sắp rời khỏi đầu gối thì chúng tôi đến được căn chòi có lễ cúng rẫy. Chủ nhà là anh Moong Văn Bình ở bản Cha Ca 1 xã Bảo Thắng. Lúc này đã gần 9 giờ sáng. Trong lúc chờ thầy mo đang trên đường lên rẫy, người ta chuẩn bị 2 chiếc giàn cúng lễ, một cái cao, một cái thấp hơn. Cả 2 đều bằng tre và nứa. Trên mỗi chiếc giàn người ta buộc 12 chiếc vòng đan bằng cật nứa và những bông lúa mẩy hạt nhất buông thõng xuống giá bày lễ vật. 4 con gà buộc dưới chân giàn. Vải vóc, quần áo, váy và khăn đội đầu được bày ra giàn. Một người trong nhóm giải thích lúc này chưa được phép mổ gà vì phải chờ sự cho phép của thần linh.
Thầy mo cúng mời thần linh ăn cơm.
Thầy mo cúng mời thần linh ăn cơm.
Thầy mo đã đến và lễ cúng bắt đầu. Ông mo Cụt Văn Hường cho biết tất cả các bài cúng của người Khơ mú trên địa bàn xã Lượng Minh, Bảo Thắng đều dùng tiếng Thái. Người thầy mo 70 tuổi cũng không hiểu lý do tại sao những bài cúng của cộng đồng người Khơ mú lại dùng tiếng Thái. 
Bài cúng của thầy mo gọi những ma cây đa, cây lớn cây nhỏ, ma gốc nứa, ma rẫy và linh hồn của những người đi rẫy, đi rừng đã chết tại rừng về để xem lễ vật của người sống dâng lên. Sau bài cúng gọi các linh hồn, thầy mo cầm con dao gõ lên 2 chiếc que nứa chuẩn bị sẵn. Với chiếc thẻ nứa này, thầy mo có thể hiểu được ý của thần linh bằng cách gõ cho nó tung lên và rơi xuống đất như cách tung đồng xu may mắn vậy. Thầy mo Hường khấn rằng: “Các thần linh đều đã về đông đủ thì cho cả 2 que nứa cùng sấp hoặc cùng ngửa nhé”. Dứt lời, ông gõ thẻ tre cho 2 chiếc thẻ nứa tung lên rồi rơi xuống. Phải đến lần thứ 5 gõ thẻ nứa mới được 2 lần các thẻ tre đều ngửa liên tiếp. Chỉ dấu này cho thấy các thần linh đều đã về dự lễ cúng rẫy. 
Thầy mo tiếp tục bài cúng kể về các lễ vật từ con gà, vò rượu đến chiếc váy, cái áo… và mời thần linh xem có vừa lòng hay chưa? Đàn ông xem rượu cần, rượu nấu, thuốc lá trồng trên rẫy, đàn bà về xem váy, áo, khăn thêu...  Gà béo được nuôi kỹ suốt một năm trời chỉ để giành riêng cho ngày cúng rẫy. Sau mỗi đoạn cúng nói về một lễ vật, thầy mo lại gõ thẻ nứa “hỏi” thần linh đã vừa ý cả chưa? Khi tất cả lễ vật được thần linh chấp nhận thì mới được phép mổ gà, đồ xôi. Người ta dùng thịt của 3 con vật là chuột, sóc và cua chế biến món “moọc”. Khi các món xong xuôi, tất cả lại được bày lên giàn cúng. Thầy mo cúng bài mời thần linh dùng cơm, hưởng thụ lần lượt từng món ngon như gà luộc, “moọc”.
Hai chiếc thẻ nứa lại được gõ cho tung lên rồi rơi nằm sấp, điều này xác nhận rằng thần linh đã ăn cơm xong, thầy mo cúng bài “mời uống rượu”. Sau đó, thần linh được mời nhận những lễ vật như váy, khăn, quần áo. Khi mọi lễ vật đã được nhận xong, thầy mo thực hiện nghi lễ cuối cùng là tiễn những linh hồn về vị trí của họ. “Ai đến từ đâu thì hãy trở về vị trí ấy để làm công việc giữ gìn đất đai, phù hộ cho mùa màng bội thu, người và vật nuôi mạnh khỏe”, bài khấn của ông Hường có đoạn như vậy. 
Khi thần linh đã về nơi chốn của họ, cuộc vui của người làm rẫy mới thực sự bắt đầu. Thức ăn cúng tế được bày ra trên lá chuối rừng. Ống nứa được dùng làm chén uống rượu. Điệu hát tơm từ chiếc điện thoại của anh cán bộ văn hóa chợt vang lên, âm lượng tăng hết cỡ. Sau bài tơm là những bản nhạc lăm vông. Khi đã chếnh choáng hơi men, không ai bảo ai, hết thảy đều đứng dậy múa quanh mâm tiệc. Chiếc chòi nhỏ bỗng chốc trở thành sân khấu và tất cả những người ở rẫy đều là diễn viên.
Thầy mo Cụt Văn Hường chia sẻ: Trong một mùa rẫy có 2 lễ chính là mừng cơm mới và cúng rẫy. Riêng lễ cúng rẫy nhằm tạ ơn những thần linh cai quản núi rừng. Còn với chúng tôi, những người may mắn gặp một dịp vui hiếm hoi lại có những cảm nhận thật đặc biệt. Có lẽ rất khó tìm được một không gian như vậy khi không khí lễ hội diễn ra ngay giữa rừng thẳm.
Bài, ảnh:  HỮU VI

Tin mới