Cuộc sống của thầy Tư

(Baonghean.vn)- Hơn 70 năm trước, một cậu bé quê Hưng Nguyên lưu lạc lên phủ Tương (vùng Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn) và tham gia xóa mù, góp phần đuổi “giặc dốt” cho bản làng. Với ông, đó là những năm tháng đẹp nhất cuộc đời. Cho đến hôm nay, dân bản vẫn gọi ông là thầy Tư.
Từ cậu bé ở đợ...
Chúng tôi về Đôn Phục (Con Cuông) vào một ngày giữa tháng 11, khi những cơn gió lạnh đang “gõ cửa” bản làng vùng cao. Qua bản Phục, thấy ông Ngô Quang Tư ngồi trước hiên nhà sàn, đôi chân tật nguyền co rúm lại, tấm thân già nua còng rạp. “Đây không phải nhà tôi, thực ra tôi không có nhà cửa, không có gia đình riêng. Đây là nhà của một người bạn, người anh em, anh ấy mất rồi, tôi tiếp tục ở đây với các cháu”- ông tâm sự. 
Nét mặt ông Ngô Quang Tư chợt trầm ngâm khi kể về cuộc đời mình.
Nét mặt ông Ngô Quang Tư chợt trầm ngâm khi kể về cuộc đời lưu lạc của mình.
Ông Ngô Quang Tư (SN 1938) sinh ra ở xã Đô Yên, tổng Đô Yên, thuộc phủ Hưng Nguyên (nay là xã Hưng Mỹ, huyện Hưng Nguyên). Ông có cả thảy 8 anh chị em, bố mẹ làm nghề cày ruộng nên cuộc sống hết sức chật vật, cả nhà không mấy khi có được một bữa no. Cuộc sống càng khốn khó hơn khi bọn Nhật bắt dân ta phá lúa trồng đay (1944-1945), hạt lúa không còn, sắn- ngô- khoai cũng vơi dần rồi cạn kiệt. 
Cả làng, cả xã rơi vào cảnh túng bấn, đói quay đói quắt, trong làng bắt đầu có người chết vì đói. Bố mẹ ông cũng tất tả ngược xuôi, chạy vạy khắp nơi để kiếm cái ăn về cho các con. Nhưng trong cảnh tao loạn và đói kém ấy, đi đâu cũng thấy cảnh người đói quay đói quắt. Những người em, người chị, người anh của ông Tư lần lượt lả đi, rồi từ giã cuộc đời trước sự bất lực của bố mẹ. Cậu bé Tư cũng không tránh được sự hành hạ của những cơn đói, đói đến vàng cả mắt, đói đến rã rời tay chân, đói đến mức mê sảng... 
Sau này, khi lớn lên, ông Ngô Quang Tư mới biết đó là trận đói lịch sử, nó đã cướp đi của nước Việt Nam hơn 2 triệu người. Với riêng gia đình ông, các anh chị và em đều bị chết vì đói. Đúng lúc ấy, có người tìm đến nhà gặp bố mẹ để hỏi mua cậu bé Ngô Quang Tư, đứa con cuối cùng đang sót lại trong trận đói. 
Việc mua bán được tiến hành bằng một bản khế ước, vào một ngày đầu năm 1945, khi Ngô Quang Tư 7 tuổi. Cũng từ đó, cậu rời xa gia đình, quê hương để bắt đầu chuỗi năm tháng lưu lạc.
Ngô Quang Tư được đưa xuống thuyền rồi ngược theo dòng sông Lam. Hành trình ấy đã đưa cậu bé 7 tuổi lên phủ Tương, trở thành một kẻ ở đợ trong một gia đình giàu có và quyền thế trong vùng. Cậu được chữa trị thuốc thang, nhưng qua trận ốm, tay chân bị teo, co quắp dần, rồi thành dị tật.
Ở đợ trong nhà giàu, Ngô Quang Tư và những người cùng cảnh ngộ phải làm việc quần quật. Hết chăn trâu, cắt cỏ đến phát rẫy, làm nương, đêm về giã gạo. Đã 70 năm trôi qua nhưng ông Tư vẫn nhớ câu thơ  về kiếp ở đợ: “Ngồi bên cối gạo hàng ngày/ Dựa vào cây cột bóng nhầy mồ hôi”. 
Những năm tháng tham gia "xóa mù"
Những năm tháng ở đợ đã đem đến cho Ngô Quang Tư cơ may được học chữ. Bởi, gia chủ thuê thầy về nhà dạy chữ quốc ngữ cho con, ông Tư đã được học “mót”. Trong nhà, thầy giảng từng chữ, từng câu, ở ngoài Ngô Quang Tư vừa làm việc, vừa để tâm theo dõi. Sẵn có sự thông minh, lại kiên trì học hỏi nên ông tiếp thu rất nhanh, chỉ một thời gian ngắn đã biết cách ghép vần, đặt câu. 
Không được tập viết lên bảng, không có sách vở, ông tập viết trên nền đất quanh chiếc cối giã gạo, viết rồi lại xóa, xóa rồi lại viết. Thầy giáo biết được, vô cùng kinh ngạc trước khả năng tự học của cậu bé tật nguyền và rồi âm thầm giúp đỡ luyện rèn cách đọc, viết. Chừng 2-3 năm học “mót”, Ngô Quang Tư đã đọc thông, viết thạo. 
Ông Tư có thói quen ngồi trước hiên nhà sàn, dõi ánh nhìn ra phía con đường về xuôi
Ông Tư có thói quen ngồi trước hiên nhà sàn, dõi ánh nhìn ra phía con đường về xuôi
Một thời gian sau, những người ở đỡ cho địa chủ và các gia đình giàu có được giải phóng, Ngô Quang Tư lúc ấy đã là một thanh niên. Những người bạn cùng cảnh ngộ với ông hầu hết đều có gia đình ở vùng phủ Tương (gồm các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn và Con Cuông ngày nay), ai cũng hồ hởi trong ngày trở về. 
Riêng ông Tư ngồi lặng lẽ, trầm ngâm. Hiểu được tâm tư, nỗi niềm của một con người đáng thương, ông Lang Vi Nhâm - một người bạn, người anh cùng cảnh ở đợ đã rủ Ngô Quang Tư về ở nhà mình. Hai người khăn gói về bản Phục (xã Đôn Phục- Con Cuông) sống cùng một nhà, xem nhau như anh em ruột thịt. Các con ông Nhâm đều lễ phép, cư xử đúng mực và gọi ông Tư là chú. 
Nhà nước đẩy mạnh phong trào xóa nạn mù chữ, vận động những người biết chữ mở lớp dạy học cho bà con xung quanh. Ở Đôn Phục lúc ấy rất ít người biết chữ, bởi bản làng lúc ấy còn heo hút, cheo leo, bị ngăn cách bởi núi đèo, sông suối. Với vốn chữ nghĩa học “mót” được thời ở đỡ cho nhà giàu, ông Ngô Quang Tư mạnh dạn xin mở lớp dạy chữ cho bà con dân bản. 
Lớp học được mở ngay dưới sàn nhà, bàn tay tật nguyền của thầy nắn nót từng con chữ, trò mải miết với từng nét chữ và cách phát âm. Cứ thế, năm này qua năm khác, thầy Tư không thể nhớ nổi mình đã tổ chức được bao nhiêu lớp xóa mù chữ, bao nhiêu học trò đã biết đọc, biết viết để tiếp nhận nguồn “ánh sáng văn minh”. Những đóng góp của ông Tư được bà con dân bản biết ơn và ghi nhận, được nhà nước trao tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhì. 
Ông Tư được vợ chồng ông Lang Thế Anh chăm sóc chu đáo, tận tình
Ông Tư được vợ chồng ông Lang Thế Anh chăm sóc chu đáo, tận tình
Khi công tác giáo dục ở Đôn Phục được chuẩn hóa, ông Tư không được tuyển dụng làm giáo viên, vì chưa qua trường lớp, chưa có bằng cấp. Một lần nữa, gia đình ông Lang Vi Nhâm lại chia sẻ khó khăn và cưu mang người bạn, người anh em của mình. Ông Nhâm đã mất, vợ chồng ông Lang Thế Anh (con trai ông Nhâm) tiếp tục nuôi dưỡng người chú kết nghĩa cho đến ngày nay.
Tạm dừng câu chuyên, đôi mắt ông Ngô Quang Tư đăm đăm dõi ra phía con đường. Ông tâm sự: “Ngày nào tôi cũng ngồi trước hiên nhà dõi về phía quê hương cho nguôi ngoai nỗi lòng. Và mỗi khi nhớ về những năm tháng mở lớp dạy học, tôi tìm thấy được nguồn vui...”.
Công Kiên
TIN LIÊN QUAN

Tin mới