Ngày hội kết nối tâm hồn

(Baonghean) - Trong một ngày bản mường mở hội đại đoàn kết, những vòng múa như đưa tôi vào một thế giới khác lạ, dẫu rằng suốt tuổi thơ, tôi đã sống với nó trong hội xuân, đám cưới, đám mừng nhà mới…

Đã là đợt lạnh thứ 2 trong năm. Cái lạnh gợi lên một niềm ao ước về một mái nhà với căn bếp có ngọn lửa ấm. Đó là cảm giác riêng tư của tôi khi chạy xe trên đường vào bản Cống xã Cam Lâm (Con Cuông). Tôi tìm về bản theo lời “mách nước” của ông Nguyễn Lê Lợi, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện rằng năm nay, bản Cống được chọn làm điểm đầu tiên tổ chức  ngày Đại đoàn kết toàn dân tộc. Mới đầu tháng 11 mà mùa hội đại đoàn kết ở Con Cuông đã bắt đầu.

Múa
Ngày hội đại đoàn kết thực sự là ngày hội của người dân bản Cống

Bàn Cống sát bờ sông Lam bên phía tả ngạn. Ngày trước cách trở đò giang. Hơn 10 năm nay, một cây cầu treo kiên cố bắc ngang giải quyết việc đi lại. Cây cầu nối giữa xã biên giới Châu Khê với xã Cam Lâm. Đi hết cây cầu sang phía tả ngạn là đất bản Cống rồi. Ngay đầu cầu là hai cây đa cổ thụ sum xuê cành lá, dễ chừng phải dăm trăm năm tuổi.

Đất Cam Lâm có lẽ là địa bàn còn lưu giữ được những nét nguyên sơ nhất của người Thái ở Con Cuông. Ngoài hai cây đa bên bờ sông Lam, trong xã còn lại một cây thị cổ thụ, một nét rất dễ nhận thấy ở các cộng đồng người Thái truyền thống. Mỗi bản có một cây cổ thụ riêng. Dưới mỗi gốc cổ thụ là một cái đền được dựng lên sơ sài mỗi khi bản có lễ cúng bản vào 20 tháng 8 âm lịch.

Múa
Múa xòe trong ngày hội đại đoàn kết 

Chính quyền xã chọn khoảng sân vận động cạnh trụ sở ủy ban làm nơi tổ chức ngày hội. Chỉ sau vài hồi gọi loa, người dân bản Cống đã lũ lượt kéo đến. Phụ nữ diện váy Thái, áo cài cúc hình cánh bướm, đầu đội khăn thêu. Nổi bật nhất là những phụ nữ trong đội văn nghệ. Ngoài những bộ váy, áo, khăn thêu, trên lưng họ còn mang những chiếc gùi nho nhỏ. Mấy năm gần đây những công cụ lao động như gùi đi rẫy, chày giã gạo, nia, sàng đã trở thành đạo cụ biểu diễn văn nghệ. Chúng được đan riêng và trang trí giấy màu nom thật bắt mắt.

Vậy là ngoài chiếc cối giã gạo trong trò khắc luống thì nhiều vật dụng nghề nông khác của người vùng cao đã tham gia vào “lĩnh vực” đạo cụ biểu diễn nghệ thuật. Nói ra nghe tưởng như to tát nhưng kỳ thực nghệ thuật nhiều khi nó xuất phát từ những thứ vốn thuần túy là cộng cụ lao động.

Ở bản Cống, cũng như những bản làng khác trong xã Cam Lâm, không khó tìm thấy các bộ cồng chiêng cổ. Thường ngày, dân bản vốn quen với việc nương rẫy, ruộng đồng. Thế mà khi vào hội, trong phút chốc họ bỗng trở thành những nghệ sỹ thực thụ. Chẳng ai bảo ai, tiếng chiêng trống ngân lên là người ta tự giác đi vào vòng múa. Hũ rượu cần để giữa vòng múa còn chưa mở mà lòng người đã ngây ngất say bởi những điệu múa uyển chuyển như được phù phép.

Trò chơi bắt rắn
Trò chơi bắt rắn

Tôi cũng hòa vào những điệu múa. Mọi khoảng cách như được xóa nhòa. Những người chưa từng quen mặt bỗng thành bạn hữu. Trong cuộc vui ấy tôi gặp lại được một người bạn xưa hồi còn là chú trẻ trâu lông nhông khắp các xó núi. Cô bạn ngày ấy nay đã là bà mẹ của hai chú nhóc đang học phổ thông. Bạn kể tôi nghe về cuộc sống ở ban với nghề làm rẫy, tuy có phần vất vả nhưng vì chăm chỉ nên cũng đủ ăn, đủ mặc.

Nhìn vẻ tự tin trong mắt bạn, tôi biết đó chỉ là một cách nói khiêm tốn của người ở bản. Trong bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Thái với chiếc khăn trùm che nửa khuôn mặt, nom cô bạn vẫn giữ được ít nhiều vẻ duyên dáng khi xưa.

Tôi rời khỏi vòng múa và một ý nghĩ chợt ùa đến. Từ khi rời mường trời xuống hạ dưới, Then đã cho người Thái mang theo những điệu múa xòe không chỉ để làm cho bản mường thêm vui. Những điệu múa, sợi dây vô hình và vô tình nhưng là một chất men, chất keo kỳ lạ kết dính những tâm hồn xa lạ gần lại với nhau.

Trong ngày hội của bản, chẳng thể ngờ, những vòng múa quen thuộc ấy bỗng chốc thành con suối nhỏ. Nó đã cuốn tôi đi nhưng mà trong một niềm vui khôn tả.

HỮU VI

TIN LIÊN QUAN

Tin mới