Săn cá đêm trên dòng Nậm Nơn

(Baonghean) - Những ngày mưa, dòng Nậm Nơn nổi màu đỏ quạch. Nước rút trơ lại những gốc cây khô nằm ngổn ngang 2 bên bờ. Trên chiếc thuyền độc mộc, chúng tôi theo chân đồng bào Kỳ Sơn (Nghệ An), xuyên đêm đánh cá trên dòng Nậm Nơn...

Một chiều tháng Năm, chúng tôi ngỏ ý với Phó Chủ tịch xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn) Lương Văn Bảy muốn được xuôi Nậm Nơn để thăm thú cảnh vật. Anh Bảy cười bảo: “Thế thì ta làm 1 chuyến đánh cá đêm cho biết nhé”. Nói xong anh gọi thêm người cháu là Vi Văn Bình ở Hòa Lý cùng đi. Sau 30 phút chuẩn bị, nào nước uống, đèn pin, rượu… chúng tôi lên đường khi trời vừa xẩm tối.
Kiểm tra câu vương.

Kiểm tra câu vương.

Đang mùa nước rút nên những khúc sông qua bản Hòa Lý hay qua xã Mai Sơn (Tương Dương) khó khăn vô cùng. Hiểm nhất là lúc thuyền vượt thác, nước cuồn cuộn dâng lên trào xoáy như muốn cuốn tất cả vào lòng sóng. Chàng trai Vi Văn Bình 25 tuổi, cơ bắp săn chắc và cuồn cuộn đúng dáng điệu của một trai núi. Vừa điều khiển chiếc thuyền độc mộc, anh vừa hét lớn khi thuyền đến thác: “Mọi người ngồi thật vững nào”. Chúng tôi phải trải qua 1 phen hú vía, thuyền vượt thác, nước trào vào lòng từng đợt tưởng như chìm đến nơi. Bình vừa cười, vừa lấy gàu tát nước ra với vẻ mặt bình thản lạ thường. Anh cho biết, từ đây đến chỗ đánh cá phải mất gần 1 tiếng nữa, đây là thác lớn nhất còn mấy thác sau nữa không đáng ngại. Nghe nói thế, chúng tôi thấy vững dạ hơn nhiều.
Địa điểm chúng tôi dừng chân là 1 bè bằng tre nứa dùng làm nơi nghỉ chân của ngư dân bản Hòa Lý. Đây là khu vực giáp ranh giữa 2 xã Mai Sơn và Nhôn Mai (Tương Dương). Trên bè có 2 người anh em của Phó Chủ tịch Lương Văn Bảy là Vi Văn Tuân và Lương Văn Cường “cắm chốt” ở đây từ mấy năm nay. 2 anh đã trở thành những tay săn cá lão luyện trên dòng sông lắm thác, nhiều ghềnh này. Họ chọn dòng sông làm không gian sinh sống, trên bè nứa này, họ trở thành “những người tự do nhất quả đất” và niềm vui của họ là những đêm trên sông này với mẻ lưới trĩu nặng. Chỉ những khi hết gạo và thức ăn hoặc ngày lễ, Tết thì các anh mới lên bờ. 
Chúng tôi được anh Tuân, anh Cường chiêu đãi một “bữa tiệc cá” trên bè. Thôi thì đủ các món cá tươi roi rói vừa đánh bắt từ dưới sông lên: cá nướng, cá luộc, cá nấu canh chua… Khi chúng tôi bắt đầu ngồi vào mâm, từ các thuyền chài khác, mọi người cũng tấp lại chung vui. Tiếng cười nói vang vọng cả 1 khúc sông.
Trời càng về khuya, cái lạnh bắt đầu thấm. Tôi thầm “ganh tỵ” với 2 người đàn ông sống đời phóng khoáng trên bè nứa bởi khó có gì thú vị hơn ngồi nhâm nhi ly rượu cùng món cá sông tươi, trong cái rười rượi của gió. Dưới bè, lũ cá mương thấy ánh sáng đèn rủ nhau bơi đến lượn dày đặc xung quanh. Tôi hỏi: “Sao cá ở đây nhiều thế mà các anh không bắt?” Mọi người cười bảo rằng: “Dân ở đây có mấy người mà ăn loại cá này chứ, xương nhiều lắm. Có những lần quăng lưới 1 lúc đã được hàng yến cá nhưng đem về có biết làm gì đâu, bán thì được 2.000 đồng/kg nên không ai bắt”. Lấy chiếc rổ để sẵn bên người tôi thò tay xuống vớt nhanh, lũ cá mương tản ra chạy tứ phía, chỉ còn vài con nhảy tanh tách trong rổ. Loài cá này khôn ranh vô cùng, chỉ lừa chúng để vớt được 1 lần còn sau đó muốn vớt cũng chịu vì chúng sẽ không xuất hiện trở lại khu vực ấy.
Săn cá đêm  trên sông Nậm Nơn.
Săn cá đêm trên sông Nậm Nơn.
Cuộc vui kết thúc lúc hơn 21 giờ để mọi người nghỉ ngơi chuẩn bị cho chuyến đánh cá vào rạng sáng. Trước lúc nằm, anh Vi Văn Tuân còn dặn chúng tôi hẹn đồng hồ lúc 3 giờ sáng. Đêm trên dòng Nậm Nơn yên tĩnh lạ thường. Tiếng sóng vỗ mạn thuyền, thỉnh thoảng 1 vài chú cá quẫy mạnh xua tan đi không khí vắng lặng giữa bốn bề sông nước.
Đúng 3 giờ sáng, mọi người tất tả dậy chuẩn bị đi thu lưới, xem câu. Trên sông nhiều hộ gia đình đã soi đèn sáng rực. Lưới nhà nào thả ở đâu thì tìm đến để thu, tuyệt đối không có chuyện người này đi xem lưới người kia. Chuyện ấy đã trở thành luật bất thành văn của bà con vạn chài vùng sông nước này. 
Anh Tuân, anh Cường đứng trên 1 chiếc bè nhỏ, chiếc thuyền còn lại giao cho chúng tôi để chèo đi theo. Mỗi người mang theo 1 đèn pin và 1 thùng xốp ngược dòng Nậm Nơn. Nơi thả lưới cách bè không xa, nên việc chèo thuyền cũng không đến nỗi vất vả đối với chúng tôi. Có khoảng chục lưới đánh cá được 2 anh thả từ bên này sang bên kia sông, mỗi lưới dài chừng 60 - 80 m. Đến những địa điểm lưới của mình, 2 người đứng 2 đầu kéo lưới lên. Những chú cá bị dính lưới còn giãy đành đạch cố vùng vẫy để thoát ra, nhưng càng vùng vẫy càng bị quấn vào lưới.
Lão ngư Vi Văn Việt (bản Hòa Lý) đang thu lưới gần đó chia sẻ: “Việc thu lưới cũng không khó bằng việc gỡ cá ra khỏi lưới. Sơ sẩy sẽ làm cá chết hoặc rớt xuống sông ngay. Mà cái nghề này cũng hay lắm, có ngày may mắn thì được cả yến cá, có ngày thì chỉ được vài ba cân. Cũng ở khúc sông này, năm ngoái tôi được 1 con cá lăng nặng gần 13 kg. Chỉ cần 1 con thế thôi cũng sướng rồi”. Anh Bình dừng tay gỡ lưới, chỉ về phía những cây khô còn nổi trên mặt hồ bảo rằng, năm ngoái cũng ở chỗ ấy, anh đánh được gần chục con cá lăng “khủng”. Con nặng nhất hơn 8 kg. Mà giá cá lăng đưa ra tận thị trấn Mường Xén hơn 400.000 đồng/kg. Những ngư dân trên dòng Nậm Nơn hầu như biết đến nghề đánh cá này từ khi có lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ, cuộc sống gia đình cũng chủ yếu dựa vào nguồn thu nhập từ cá. 
Một chú cá mắc lưới
Một chú cá mắc lưới
Khi đã thu hết lưới, mọi người lại tiếp tục kiểm tra câu vương. Đây là loại câu có hàng trăm lưỡi dài hàng chục mét được thả xuống nhằm câu các loại cá lớn. Anh Vi Văn Tuấn cho biết: “Loại câu này ít được cá hơn lưới, nhưng đã dính con nào thì toàn cá to và cá đặc sản như lệch, lăng, ghé. Cách đây mấy ngày ông Lô Vông Khăm ở bản Xằng Trên cũng bắt được con cá ghé 25 kg bằng câu này đấy”. Tuy nhiên, hôm nay hàng chục bộ câu của anh không gặp may, chỉ vài con cá bị dính câu nhưng không có cá “khủng”. “Nghề chài lưới là vậy, lúc được, lúc không” – anh Tuấn tâm sự.
Chuyến săn cá kết thúc lúc gần 7 giờ sáng. Lúc này trên sông, các thuyền của thương lái đến thu mua cá đã tấp nập hơn nhiều. Cá được phân ra thành nhiều loại để thương lái dễ lựa chọn. Cũng đã thành quy định, cá của bè này thuộc quyền thu mua của thương lái nào cứ việc đến lấy, không ai tranh giành của ai. Loại cá bọp, cá rô phi, cá rầm có giá 30.000 đồng/kg, lươn chạch và cá ghé, cá lăng nhỏ giá cao hơn, cá đặc sản loại to lại càng cao hơn nữa. Cứ thế, mỗi thương lái đi hết khúc sông thu mua chừng 20-30 kg rồi trở về.
Thương lái đến thu mua cá.
Thương lái đến thu mua cá.
Mặt trời đã lên cao, con thuyền độc mộc lại đưa chúng tôi về bến bản Hòa Lý. Mặt sông Nậm Nơn bắt đầu nóng lên, những ngư dân lại trở về nghỉ ngơi sau 1 đêm dầm mình trên con nước chờ 1 buổi đánh cá mới…
Đào Thọ - Hồ Phương

Tin mới