Những phong tục lạ trong đám tang của người Mông miền Tây Nghệ An

(Baonghean.vn) – Người Mông định cư ở miền Tây Nghệ An có nhiều nét văn hóa rất đặc sắc. Một trong những nét văn hóa ấy là ngôi mộ đắp bằng đá trong tang lễ.

Tới bản Liên Sơn (xã Nậm Càn – Kỳ Sơn) chúng tôi gặp ông Và Cháy Xa. Bố ông là cụ Và Pà Dênh đã mất cách đây được hơn 1 năm, hưởng thọ hơn 90 tuổi. Chúng tôi ngỏ ý muốn được đi thăm mộ cụ, ông Cháy Xa liền nhận lời.

Mộ cụ Và Pà Dênh được chôn cất ở một ngọn đồi cách nhà chừng một cây số. Dọc đường đi, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều ngôi mộ của người Mông đã được chôn ở đây, cái thì được đắp bằng đá, cái thì đã được xây cất đẹp đẽ. Ngôi mộ cụ Dênh được đắp đất ngang với mặt đất, phía trên đắp đá cao lên như bao nhiêu ngôi mộ khác. Phía trên cây cối đã mọc lên tươi tốt do lâu ngày không có người thăm nom. Ông Và Cháy Xa bảo rằng: “Người Mông khi mất đi, ai có tiền thì xây mộ bằng gạch mới, ai không có thì đắp đá lên rồi để vậy thôi. Mọi việc đều cúng ở nhà cả”.

Cụ Và Cháy Xa cho biết, ngày ấy, người Mông vì bị kẻ thù dùng gà trống để đổi hết lẫy nỏ nên thua trận bỏ chạy sang biên giới các nước Việt Nam và Lào. Khi người Mông bỏ chạy bị truy đuổi rất gắt gao, gặp người nào giết người đó. Những người Mông mặc quần áo còn nguyên vẹn bị giết và lột sạch quần áo, một số người may mắn hơn vì nhà nghèo mặc quần áo rách nên khi bị giết quần áo không bị lấy đi.

Vì vậy, hiện nay trong các đám tang của người Mông, khi đưa thi hài người chết vào quan tài người ta thường lấy dao kéo cắt hết quần áo để khi nào đến thế giới bên kia “Tủa sò” gặp kẻ thù thì nói rằng “tôi là người nghèo khổ, cơm không đủ ăn, quần áo rách rưới” thì mới không bị  quấy phá, linh hồn được yên ổn.

Ngôi mộ đá của người Mông ở Nghệ An.
Ngôi mộ đá của người Mông ở Nghệ An.

Đi khắp các bản làng người Mông ở huyện Kỳ Sơn chúng tôi đều thấy dân tộc này có 1 nét chung đó là khi chôn cất người chết, ngôi mộ của họ đều được đắp bằng đá. Lí giải về điều này, già làng Lầu Xái Phia (bản Nậm Khiên, Nậm Càn, Kỳ Sơn) cho chúng tôi biết, những ngôi mộ được đắp bằng đá của người Mông có nguyên nhân xuất phát từ cuộc đấu tranh sinh tồn của họ với dân tộc khác cách đây hàng thế kỷ.

Hầu hết những ngôi mộ đá của người Mông ít khi được thăm nom nên bị cây cối mọc lên bao trùm.
Hầu hết những ngôi mộ đá của người Mông đều bị cây cối bao trùm.

Cụ Lầu Xái Phia một già làng khác trong bản giải thích rằng: Trên đường di cư từ phương Bắc vào Việt Nam và Lào, người Mông chết nhiều vô số kể. Khi truy đuổi người Mông, kẻ thù gặp những ngôi mộ đắp bằng đất, biết đó là mộ của người Mông họ bèn đào lên đưa xác người ra phơi giữa mưa giữa nắng. Để tránh điều này, người Mông suy nghĩ cách làm mộ bằng đá giống mộ kẻ thù. Từ đó, kẻ thù không phân biệt được mộ của người Mông và mộ của dân tộc mình và mộ người Mông được yên ổn.

Từ phương Bắc về đến núi “Tủa la chùa gua”, khu vực biên giới Việt – Trung, gặp núi cao, khí hậu lạnh và có rất nhiều những con sâu gai. Những người Mông không có dép không thể nào vượt qua được dãy núi này. Họ bèn lấy vỏ cây lanh tước sợi đan thành dép để đi. Những đôi dép bằng sợi lanh đã giúp người Mông vào sâu trong khu vực Việt Nam, Lào.

Kể từ đó, người Mông khi chết đi, dù già hay trẻ, trai hay gái đều lấy vỏ sợi lanh đan dép để linh hồn qua được núi “Tủa la chùa gua” về với tổ tiên họ ở “Tủa sò”.

Đào Thọ

TIN LIÊN QUAN

Tin mới