Hồi sinh một miền thổ cẩm

(Baonghean) - Cữ này, chị em phụ nữ bản Xiềng, xã Môn Sơn (Con Cuông) đang bước vào mùa dệt cửi, bởi mùa cưới, lễ tết, hội hè đang đến gần, nhu cầu mua sắm các mặt hàng thổ cẩm rất lớn. Khắp bản rộn ràng tiếng thoi đưa và tiếng nói cười, gợi nếp thanh bình của một vùng đất nơi biên cương…

Cánh đồng Mường Quạ đã qua vụ gặt, từng đàn trâu, bò thong dong gặm cỏ. Trong cái lạnh đầu Đông, những người đàn ông tranh thủ cày ải những thửa ruộng chờ mùa gieo cấy, phụ nữ cũng tất bật nghề phụ lúc nông nhàn để có thêm nguồn thu nhập, trang trải cuộc sống gia đình. Người thì tranh thủ lên rừng kiếm củi, hái măng về bán, người xuống suối xúc cá tôm, người đi làm thuê, chạy chợ...

Riêng chị em bản Xiềng, những lúc ngơi nghỉ việc nông thì không phải vất vả lên rừng, xuống suối hay chạy vạy khắp nơi tìm kế sinh nhai, bởi từ mấy năm nay, nghề dệt thổ cẩm truyền thống đã giúp giải quyết việc làm và tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. 

Sản phẩm dệt thổ cẩm của HTX Thủ công mỹ nghệ Môn Sơn (Con Cuông).
Sản phẩm dệt thổ cẩm của HTX Thủ công mỹ nghệ Môn Sơn (Con Cuông).

Người già bản Xiềng thường kể rằng, bản mình ngày xưa là trung tâm của vùng Mường Quạ, là nơi ở của các quan lang, phìa tạo. Vì địa thế của bản rất đẹp, lưng tựa vào dãy núi cao, mặt hướng ra cánh đồng bát ngát, bên cạnh là con sông Giăng hiền hòa. Các cô gái Thái bản Xiềng thường đẹp người, đẹp nết, cần cù và chăm chỉ, ai cũng biết dệt cửi, thêu thùa.

Ngày lên rẫy, ra đồng, đêm về miệt mài bên khung cửi, những công việc ấy đã giúp các cô gái có được thân hình uyển chuyển, trai mường luôn mong ước lấy được con gái bản Xiềng làm vợ. Ngoài muốn lấy được người vợ đẹp người, đẹp nết, chăm chỉ và siêng năng, các chàng trai còn thích thú với các món hồi môn là những chiếc chăn, gối và nệm xinh xắn được dệt nên bởi những đôi bàn tay khéo léo và tinh tế của con gái bản Xiềng. Cứ thế, cái nghề dệt cửi được truyền từ đời này qua đời khác, mẹ truyền cho con, bà truyền cho cháu, và bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Thái đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc.

Nhưng, cũng có lúc cứ ngỡ cái nghề của tổ tiên bao đời truyền lại sẽ mai một, vì lẽ bà con không còn ưa dùng các loại trang phục truyền thống, tình trạng này không chỉ diễn ra ở riêng bản Xiềng mà ở khắp các bản làng người Thái. Đó là khi các mặt hàng vải vóc công nghiệp tràn vào tận bản, mẫu mã và màu sắc phong phú, giá cả lại mềm, rất tiện lợi cho các bà, các chị.

Vì tính ra, để hoàn thành một chiếc váy thổ cẩm, nếu nguyên liệu sẵn có thì nhanh lắm phải mất một tuần, còn quần áo trên thị trường chỉ cần bỏ ra một khoản tiền vừa phải là có thể mua ngay bất cứ lúc nào. Rồi thời gian ngồi dệt váy có thể dành làm những việc khác có thu nhập cao hơn, mua được những mấy bộ quần áo. Vậy là, khung cửi trước hiên lâu ngày không dùng để nhện chăng tơ, nhiều nhà dỡ ra sắp dưới sàn, tiếng thoi cũng vắng dần từ đó.

Người già buồn lòng lắm, vì con cháu không còn thiết tha với khung cửi, cũng không mấy mặn mà với váy áo truyền thống. Và buồn vì những thứ ấy ngày một khan hiếm, đắt đỏ, muốn sắm bộ váy áo mới để làm đám cưới cho con, cho cháu phải chạy tất tả khắp nơi. Như thế là có lỗi với tổ tiên, ông bà lắm!

Gian hàng dệt thổ cẩm của HTX Thủ công mỹ nghệ Môn Sơn (Con Cuông) thu hút khách tại Lễ hội Môn Sơn.
Gian hàng dệt thổ cẩm của HTX Thủ công mỹ nghệ Môn Sơn (Con Cuông) thu hút khách tại Lễ hội Môn Sơn.

Phụ nữ bản Xiềng, từ người già đến người trẻ, nhiều người muốn khơi dậy sức sống cho nghề dệt thổ cẩm nhưng chưa biết phải bắt đầu từ đâu. Thật may, lúc ấy chị Hà Thị Hằng (SN 1966) là người có niềm đam mê và tâm huyết với nghề dệt thổ cẩm truyền thống đã đứng ra vận động chị em trong bản thành lập tổ dệt. Rồi từ tổ dệt được nâng cấp thành HTX Thủ công mỹ nghệ Môn Sơn, nòng cốt xã viên vẫn là chị em bản Xiềng. Ngoài sản phẩm dệt thổ cẩm, HTX còn kinh doanh những thứ đặc sản như cơm lam, cá mát, thịt lợn đen phục vụ khách du lịch và những ngày lễ hội. Tham gia HTX, hàng tháng mỗi xã viên có thêm gần 1 triệu đồng từ việc tranh thủ thời gian nhàn rỗi để dệt cửi, thêu váy, dịp lễ hội và du khách về đông số tiền ấy còn cao hơn… 

Mùa Đông đã về, tiếng thoi lách cách, tiếng cười giòn tan đã xua đi cái lạnh đang “gõ cửa” từng ngôi nhà ở bản làng vùng biên. Bản Xiềng hiện có gần 180 hộ, trong đó khoảng 50% gia đình có khung cửi. Nghề dệt thổ cẩm đã đem lại cho chị em nơi đây thêm nguồn thu nhập đáng kể, giúp trang trải cuộc sống gia đình, hướng tới sự ổn định và phát triển.

HTX Thủ công mỹ nghệ đã đầu tư xây dựng được một gian nhà gần đập Phà Lài để trưng bày sản phẩm. Những mặt hàng như khăn lụa tơ tằm, túi xách, ví, túi đựng điện thoại bằng chất liệu thổ cẩm được nhiều du khách lựa chọn. Với họ, đó là những sản phẩm đặc trưng của vùng đất Mường Quạ, là nét văn hóa của cộng đồng người Thái nơi Pù Mát - sông Giăng.

Trước khi chúng tôi rời bản Xiềng, chị Hà Thị Hằng thông báo thêm một tin vui: “Sắp tới, tỉnh sẽ lên thẩm định tiến tới công nhận Làng nghề dệt thổ cẩm bản Xiềng, hy vọng mọi việc sẽ suôn sẻ để động viên bà con giữ và phát triển được nghề truyền thống”. Hy vọng trở lại nơi đây trong ngày vui đón danh hiệu làng nghề, và được thấy nghề dệt hồi sinh trên “miền thổ cẩm”.

Công Khang

TIN LIÊN QUAN

Tin mới