4 đặc sản 'kinh dị' chỉ khách quý mới được ăn ở vùng cao Nghệ An

(Baonghean.vn) - Khám phá văn hoá của các dân tộc ở vùng cao Nghệ An bao giờ cũng đem đến cho bạn những bất ngờ thú vị. Nếu có gan thì hãy nếm thử những món ăn đặc sản nhưng cũng rất "kinh dị" sau đây. 

1. Nòng nọc suối

Tháng 2 (âm lịch) là thời điểm nòng nọc sinh sôi nảy nở. Con nào con nấy to bằng đầu ngón tay béo tròn. Muốn bắt được nòng nọc, người dân phải ra suối lúc chiều tối và lật từng hòn đá lên để xúc.

Nòng nọc đưa về được làm sạch ruột bằng 1 thanh nứa vót mỏng. Những con nòng nọc được trộn với sả, ớt, mạc khẻn (tiêu rừng), mắm muối và gạo tấm giã nhỏ. Khi các công đoạn xong xuôi, tất cả được cho ống nứa nút kín đem bỏ lên bếp than hồng để làm món lam.

1
Nòng nọc được làm sạch và ướp gia vị cầu kỳ để làm món lam. Ảnh: Đào Thọ.

Nòng nọc chín có mùi thơm bốc lên rất dễ chịu. Hương vị của sả, mạc khẻn hòa lẫn trong mùi thơm tấm nếp, mùi than của lửa hồng khiến người ăn muốn sà ngay vào mâm.

Vì nòng nọc sinh sôi và nảy nở theo 1 giai đoạn nhất định nên việc săn bắt để bán cũng rất khó khăn. Giá bán hiện tại ở các chợ vùng cao là 150 nghìn đồng/kg nhưng phải đặt trước.

2. Chuột rừng

Tháng 2 (âm lịch) là thời điểm giáp hạt, chuột chỉ ăn hoa quả rừng nên rất thơm ngon.

Đây cũng là thời điểm chuột rừng "được giá", có khi lên đến 100.000 đồng/con. Khác với chuột đồng, chuột rừng khá to, có con đạt tới trọng lượng 300 - 500 gram. Do ăn lá cây, quả rừng, ngô lúa nương,... nên chúng được bà con xem là thực phẩm sạch.

Chuột rừng thui.
Chuột rừng thui. Ảnh: Đào Thọ.

Chuột rừng săn về, người ta dùng rơm hay cỏ tranh khô thui vàng rồi mới mang đi mổ bụng lấy hết nội tạng, chặt bỏ đầu, đuôi, chân. Sau đó rửa sạch sẽ, để ráo nước rồi cho lên bếp phơi khô.

Trong các căn bếp của người Khơ Mú, người Thái hay người Mông ở Kỳ Sơn đều có vài ba con chuột rừng được “giàng” lên phòng khi có khách quý đến chơi. Quan niệm của người vùng cao là chỉ có khách quý mới được đem thịt chuột rừng ra để tiếp đãi.

Chuột rừng có thể làm được nhiều món như xào sả ớt, nướng, nấu…nhưng món ngon được người Khơ Mú và người Thái ưa chuộng vẫn là nậm nhoọc. Đây là món súp thịt chuột nấu với cà, lá rau rừng, các loại gia vị vùng cao, nấu nhừ cho tan nhuyễn ra. 

3. Tít nước

Tít nước sống trong khe suối có hình thù khá đáng sợ. Nhưng nếu đã được nếm qua món ăn này, bạn sẽ cảm thấy rất thú vị. Ở vùng cao Nghệ An người ta gọi là con "cần tớ". 

Tít nước cùng họ với rết nhưng nhỏ hơn, nếu bị chúng cắn phải sẽ có cảm giác đau tê tạm thời. 

Mùa này, tít nước đang được bán với giá 150.000 đồng/kg nhưng cũng rất hiếm. Cách chế biến rất đơn giản, chỉ cần rửa sạch và rang khô cùng măng chua. Tít nước có vị giòn, bùi và rất béo.

Tít nước.
Tít nước. Ảnh: Đào Thọ.


4. Ve sầu

Ve sầu thường xuất hiện vào thời điểm đầu tháng 3 (âm lịch). Thời điểm săn ve sầu thường diễn ra vào ban đêm, bởi đây là lúc dễ bắt nhất khi ve nằm im trên các rừng cây săng lẻ ở Tương Dương.

Người săn chỉ cần cầm 1 viên đá to đập mạnh vào các cây có ve đậu nhiều để ve rớt xuống. Đêm tối nên hàng trăm con ve sầu tìm chỗ có ánh sáng lao vào. Những chiếc đèn pin sáng quắc lúc này phát huy hết hiệu quả. 

Ve được chế biến bằng cách rang hoặc băm nhỏ làm nem. Ve sầu sau khi chế biến có mùi thơm lừng, ăn vào có cảm giác béo ngậy, giòn tan. 

1Ve sầu được chế biến thành nhiều món, trong đó món được ưa thích nhất vẫn là xào hoặc băm nhỏ làm nem. Khi ăn ve sầu vừa giòn tan vừa có vị thơm béo.
Ve sầu được chế biến thành nhiều món, trong đó được ưa thích nhất vẫn là món xào. Ảnh: Đào Thọ.

Đầu mùa, loại ve mới lột xác béo ngậy được ưa thích nhất. Loại này vừa ngon vừa bổ dưỡng lại vừa sạch nên giá bán có lúc cao ngất ngưởng lên đến 150.000 đồng/kg.

Đào Thọ

TIN LIÊN QUAN

Tin mới