Mùa trứng kiến

Khi vào mùa Thu, sáng ra trời bắt đầu đặc sương, núi non như chìm nghỉm trong hư ảo và mặt trời nhô lên khỏi chóp núi có màu sẫm đỏ, thường là kỳ tháng Tám âm lịch.

Hơn tháng nữa là người ta cắt lúa và sau cắt lúa hơn tháng nữa thì ăn Tết. Gọi cắt lúa vì người miền rừng quen trồng lúa trên mương, người ta chỉ cắt từng bông lúa chín bằng một công cụ có chấu, nhỏ gọn, cầm lọt thỏm trong tay mà họ gọi là "hép". Lúa thu hoạch về được cất vào cái "lắc". Nhà nhiều lúa hơn cất vào "lạu". Cái lắc như cái lán nhỏ, cái lạu bằng cái chòi, mái lợp tranh, che phên nứa để tránh mưa nắng. Trong khi chờ lúa trên nương chín, người ta đi đào củ rừng, đi bắt trứng kiến. Trứng kiến đen đem về nấu canh với rau chuối, tấm gạo. Mùa trứng kiến vào chớm Thu, mỗi bình minh và khi hoàng hôn mặt trời đỏ mọng nên mới có câu ca dao như vậy.

Người miền xuôi gọi những ngày rảnh rỗi sau mỗi mùa vụ là kỳ nông nhàn. Người miền núi cũng có những ngày rỗi việc. Đi tìm trứng kiến là một thú vui ngày rỗi việc của họ. Thay vì ngồi nhà chuyện phiếm, kẻ uống rượu, người bồng con, phụ nữ dân tộc thích kéo tốp đi vào rừng tìm đến những ổ kiến đen bám chắc vào thân cây mà bắt trứng. Dụng cụ mang theo chỉ có con dao đi rừng và một cái nia. Có vậy thôi. Khi tìm được những cành cây có tổ kiến rồi người ta chặt hạ xuống. Sau đó trứng kiến được gỡ ra những chiếc nia. Đàn kiến bị phá tổ sẽ hăng máu chống trả. Chúng thi nhau tản ra cắn vào bắp chân, bắp tay nhằm làm cho con người phải bỏ cuộc, số khác thì cùng nhau chuyển trứng đi. Lúc này những chiếc nia có tác dụng sẩy bỏ những con kiến đi, chỉ giữ lại trứng kiến.


Khi đã kiếm được một lượng kha khá đủ nấu cho cả nhà có bát canh vào bữa tối, các bà, các chị bàn nhau rút lui. Không ai muốn ở lại lâu hay giỡn đùa cùng những chiến binh kiến tuy nhỏ bé mà dũng cảm này. Kiến và o­ng có khi là những loài đáng nể nhất trong rừng, ai cũng nghĩ vậy.

Với họ thế là đủ.


Bao mùa thu đi qua, rừng cây vẫn xanh màu lá. Mùa trứng kiến cũng đi về theo mỗi mùa thu. Chiều nay, chợt nhìn về chân trời đằng Tây và nhận ra mặt trời đã sẫm đỏ. Lại nhớ câu ca của bà. Tạm gọi là câu ca dao mùa trứng kiến vậy.

Phạm Thị Nhung

Tin mới