Nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo đối với 6 huyện miền núi cao

(Baonghean) - LTS: Báo Nghệ An đăng tải ý kiến góp ý, đề xuất của độc giả nhằm xây dựng Nghệ An tỉnh quê hương Bác Hồ ngày càng phát triển. 

Hiện nay, 6 huyện miền núi cao của tỉnh Nghệ An là Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp đang là những huyện nghèo, nhiều khó khăn. Mặc dù đã có nghị quyết của Tỉnh ủy, có cơ chế, chính sách của Trung ương, có không ít chương trình, dự án…  của cả cấp Trung ương và tỉnh, nhưng bước đi lên của các huyện này vẫn rất còn chậm.

Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, cùng các ban, sở, ngành, làm việc tại huyện Kỳ Sơn.
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, cùng các ban, sở, ngành, làm việc tại huyện Kỳ Sơn.

Tại sao vậy? Có nhiều nguyên nhân, như: Điểm xuất phát thấp; cơ sở hạ tầng (cứng và mềm) còn yếu; đội ngũ cán bộ chủ chốt từ huyện đến cơ sở (xã, thị trấn) thiếu và yếu, nhất là về tri thức kinh tế; năng lực hiệu quả lãnh đạo, tổ chức và chỉ đạo kinh tế của tổ chức đảng, chính quyền… còn hạn chế.

Nói gọn lại: cả 6 huyện trên đều chưa đủ sức, đủ trí để tự vượt lên, để khai thác tiềm năng, thế mạnh, sử dụng hiệu quả các cơ chế và chính sách. Đây không phải là vấn đề riêng của các huyện miền núi cao của Nghệ An,  mà là chung của tất cả các huyện, tỉnh vùng miền núi cả nước.

Bên cạnh các nguyên nhân trên, còn có nguyên nhân về sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của tỉnh bao gồm cả các ngành cấp tỉnh cho huyện, và ở huyện cho xã không phù hợp, nên hiệu quả thấp.

Cụ thể là: Tỉnh (bao gồm cả các ngành) lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn các huyện này ở nhiều việc, nhiều vấn đề cũng na ná như đối với các huyện miền xuôi; cách lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn kiểu dàn đều, trải mỏng, dàn hàng ngang; phương thức lãnh đạo, chỉ đạo… chủ yếu bằng nghị quyết, chỉ thị, quyết định, cơ chế, chính sách qua các buổi làm việc của tỉnh với huyện.

Ở đây cũng có thể nói gọn lại: xã chưa đủ sức tự đứng dậy, nhưng huyện cũng chẳng đủ sức, chẳng đủ cách để kéo xã lên. Huyện chưa đủ sức tự đứng dậy, nhưng tỉnh cũng chưa có cách thật tốt để kéo huyện lên.

Ở cấp toàn quốc, thấy rõ những điều khác biệt của các tỉnh và huyện miền núi, Trung ương đã thành lập 3 ban chỉ đạo: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam. Ở tỉnh ta, từ sáng kiến của Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh, đến nay, UBND tỉnh đã có chủ trương giao mỗi ngành giúp 1 xã ở miền núi. Đó là những thay đổi cần thiết để tăng hiệu quả lãnh đạo của tỉnh đối với các huyện miền núi. Đề nghị lãnh đạo tỉnh nghiên cứu kinh nghiệm từ 2 việc trên để đổi mới sự lãnh đạo, chỉ đạo và hướng dẫn của tỉnh đối với 6 huyện miền núi nói trên, và của mỗi huyện miền núi đối với các xã của huyện. 

Đổi mới cách thức lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của tỉnh với huyện, huyện với xã đối với 6 huyện này nên chăng không dừng lại ở đó, mà cần phải: Thứ nhất, tỉnh chọn một huyện, mỗi huyện chọn một vài xã để giúp huyện, giúp xã một cách thiết thực, cụ thể: tức là không dàn đều trải mỏng, mà chỉ đạo tập trung 1 điểm. Thứ hai, cần phải “cầm tay chỉ việc” trong lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn.

Tỉnh “cầm tay chỉ việc” cho huyện. Huyện “cầm tay chỉ việc” cho xã. Thay đổi như vậy, tỉnh và huyện sẽ tìm ra cách “kéo” huyện, “kéo” xã đứng lên. Đó cũng là cách nâng năng lực của huyện, của xã lên để họ dần đủ sức, đủ trí đi lên huyện giàu, xã giàu.

Đối với tỉnh, xin đề nghị chọn 1 huyện để tập trung kéo huyện đó đi trước, đi nhanh, tạo đột phá để các huyện khác tiếp bước. Nên chọn huyện nào trong 6 huyện? Nếu chọn huyện khó khăn nhất - đó là Kỳ Sơn. Nếu chọn huyện ít khó khăn nhất - thì đó là Quế Phong.

Về cách làm, nên lập Tổ chỉ đạo 7 người gồm: 1 cán bộ Sở Kế hoạch và Đầu tư, 2 cán bộ Sở Công Thương, 4 cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tổ chỉ đạo lập phương án thâm canh cao vùng lúa nước tập trung (khoảng trên 2.000 ha).

Mở rộng diện tích và thâm canh vùng trồng chanh leo, mía, tổ chức liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp chế biến chanh leo, chế biến mía đường. Tổ chức lại nghề rừng, gắn bảo vệ rừng, trồng rừng nguyên liệu với trồng cây dược liệu dưới tán rừng, tổ chức liên kết chặt chẽ với Nhà máy chế biến gỗ Nghệ An và doanh nghiệp chế biến dược liệu. Tổ chức vùng chăn nuôi đại gia súc gắn với tổ chức thị trường thu mua trâu, bò.

Mỗi phương án đều có các nội dung: Quy hoạch chi tiết, các dịch vụ đầu vào, đầu ra, kỹ thuật, trách nhiệm của tổ chức Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội, phân công tổ chức thực hiện (từ huyện đến các xã), tập huấn dạy nghề, tạo nguồn vốn hỗ trợ từ các chính sách, hoặc vay vốn ngân hàng…

Tiến hành việc thẩm định từng phương án để huyện ra quyết định cuối cùng. Sau đó, Tổ chỉ đạo của tỉnh cùng Huyện ủy, UBND huyện và các tổ chức chính trị xã hội tổ chức chỉ đạo thực hiện. Mỗi phương án có Ban chỉ đạo của huyện. Ban chỉ đạo này lập kế hoạch chủ đạo và thực hiện kế hoạch đã được thông qua.

Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương thông qua các cán bộ được cử vào Tổ chỉ đạo của tỉnh để phối hợp với huyện trong suốt quá trình từ đầu đến cuối. Định kỳ 6 tháng/lần, các sở cùng huyện kiểm tra, đánh giá để uốn nắn, đôn đốc, đánh giá rút kinh nghiệm…

Trương Công Anh

TIN LIÊN QUAN

Tin mới