Người Đan Lai học dệt

(Baonghean) - Về xã Môn Sơn (Con Cuông) chúng tôi tình cờ gặp lại chị Hà Thị Hằng, Chủ nhiệm HTX Thủ công mỹ nghệ, người có công lớn trong việc khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm ở vùng đất này. Vẻ mặt phấn khởi, chị chia sẻ, hiện chị đang mở lớp dạy nghề dệt thổ cẩm cho chị em Đan Lai. Với chị em dân tộc Thái, dệt cửi là việc làm thường ngày. Nhưng với chị em Đan Lai, đây là cả một sự nỗ lực lớn, một bước tiến đáng ghi nhận...
Phụ nữ Đan Lai ở bản Cửa Rào (Môn Sơn - Con Cuông) học dệt thổ cẩm.
Phụ nữ Đan Lai ở bản Cửa Rào (Môn Sơn - Con Cuông) học dệt thổ cẩm.
Theo chân chị Hà Thị Hằng đến bản Cửa Rào, nơi đang diễn ra lớp dạy nghề dệt thổ cẩm, chúng tôi được chứng kiến không khí rộn ràng, vui vẻ. Trước sân nhà chị La Thị Thúy đặt 2 chiếc khung cửi, khoảng 7-8 chị em thay nhau ngồi vào dệt. Những ai chưa chưa dệt thì dành thời gian quay xa kéo sợi hay gỡ chỉ rối, tất cả cùng trò chuyện, nói cười sôi nổi. Theo lời giải thích của chị Hằng, do không có mặt bằng để tập trung lớp học tại một địa điểm, nên phải phân tán thành từng nhóm, mỗi nhóm được mượn 2-3 chiếc khung cửi. Vừa gỡ cuộn chỉ bị rối, chị Thúy vừa chuyện trò: “Cái tay ta làm chưa quen lắm, chỉ thường bị rối. Khi hay tin sẽ mở lớp dạy nghề thổ cẩm tại bản, lúc đầu ta định không đăng ký học. Vì người Đan Lai ta từ bao đời nay làm gì có chuyện dệt vải, mọi thứ đều phải đổi và mua thôi”. Còn chị La Thị Liệu, ngồi trước khung cửi, đôi bàn tay lần từng đường thoi. Nhìn cách chị làm, ai cũng biết được chị vừa mới học dệt, vì các thao tác chưa thật sự thuần thục. Thấy khách để ý đến công việc của mình, chị Liệu có vẻ hơi e ngại: “Ta cũng chưa bao giờ nghĩ là có lúc sẽ ngồi trước khung cửi dệt vải. Cái tay của ta chỉ quen cầm dao để chặt cây trên rừng, quen cầm cái nhủi để bắt con cá dưới suối chứ không quen đưa thoi, dệt cửi đâu. Mấy hôm trước, ta còn chưa biết cách đưa thoi...”. 
Phía xa, một bà cụ miệng nhai trầu bỏm bẻm, mắt luôn dõi theo công việc của các học viên. Cụ tên là La Thị Chung. Cụ kể về những năm tháng sống ở đầu nguồn sông Giăng, luôn đối mặt với cái đói và cái rét. Cái ăn thì không nói làm gì, bởi người Đan Lai lúc đó chỉ biết lên rừng hoặc xuống suối. Còn cái mặc thì khó khăn hơn nhiều, vì người Đan Lai không biết dệt váy, cũng không biết may áo. Muốn có đồ mặc cho cả nhà, có khi phải đổi cả con trâu hoặc mấy con lợn. Con trâu phải nuôi đến mấy năm, con lợn cũng nuôi đến mấy tháng mà váy, áo, quần lại nhanh bị hư, rách. Vì thế, nhà nào cũng thiếu đồ để mặc. Hồi ấy, người Thái và người Kinh thường đưa đồ dùng, phần nhiều là quần áo ngược sông Giăng, lên Khe Khặng để đổi trâu, bò, lợn, gà đem về. Trong suy nghĩ của người Đan Lai, việc đổi hoặc mua vải vóc, quần áo là đương nhiên, vì mình không có khả năng làm ra những thứ đó. Cuộc sống đói nghèo, thiếu thốn nên cái áo, cái quần, cái váy gần như lúc nào cũng bạc màu, rách rưới. Khoảng 10 năm nay, thực hiện Đề án bảo tồn và phát triển tộc người Đan Lai, bà con được chuyển từ đầu nguồn khe Khặng ra tái định cư ở bản Cửa Rào. Trong mắt bà La Thị Chung, người Đan Lai đã làm nên những “kỳ tích”. Trước tiên, con cháu của bà đã biết làm ruộng, biết trồng ngô để có đủ cái ăn, không còn phải phụ thuộc vào rừng như trước. Thêm vào đó, lớp trẻ bây giờ còn được học cách dệt vải, có thể tự làm được váy, áo, khăn, túi để dùng, điều này khi còn trong khe Khặng chỉ là giấc mơ. Rồi bà Chung chỉ tay về phía người phụ nữ đang ngồi trước khung dệt: “Nó là cháu ngoại của bà, nó biết dệt đẹp rồi. Hôm qua, nó dệt xong cho bà chiếc khăn đẹp lắm...”. Nói xong, bà lấy từ chiếc túi nhỏ của mình một chiếc khăn mới tinh, hoa văn sặc sỡ và nở một nụ cười mãn nguyện. 
Rời nhà chị La Thị Thúy, chúng tôi tiếp tục tìm đến nhà bà La Thị Sơn, nơi một nhóm học viên khác đang thực hành. Ở đây, phần lớn là phụ nữ trẻ, nhiều người mang theo cả con nhỏ đến lớp. Thấy chị Hằng bước vào, chị em học viên rối rít hỏi về cách phối màu, tạo hoa văn... Xung quanh khung cửi và trên các dây phơi giữa sân, có rất nhiều chân váy và khăn được trưng bày, là sản phẩm thu được trong những ngày miệt mài theo học lớp dệt thổ cẩm của chị em. Lớp học được mượn khung cửi, được hỗ trợ về nguyên, vật liệu, sản phẩm làm ra được đem về nên ai cũng hăng hái tham gia. Bà La Thị Sơn cho biết: “Chị em chúng tôi đã biết dệt khá thành thạo, có thể tự dệt váy, dệt khăn cho mình dùng. Nhưng bây giờ chưa có khung cửi, rất mong được hỗ trợ!”.
Ấy cũng là băn khoăn của chị Hà Thị Hằng: “Kinh phí tổ chức lớp học nghề dệt thổ cẩm cho chị em phụ nữ Đan Lai ở bản Cửa Rào do tỉnh hỗ trợ. Chị em cơ bản đã làm quen được với các thao tác và kỹ thuật dệt. Để giúp chị em tự làm ra sản phẩm phục vụ nhu cầu của gia đình, bước đầu cần sớm được tiếp tục hỗ trợ về khung dệt và một ít nguyên liệu”.
Tường Anh

Tin mới