Người Khơ mú mừng nhà mới

(Baonghean) - “Làm nhà” là việc đại sự đối với người Khơ mú. Mà hơn thế nữa, ngày mừng nhà mới là cuộc vui thực sự của cộng đồng, niềm vui này càng thêm phần ý nghĩa khi một năm mới vừa bắt đầu...

Trai bản mặc trang phục nữ trong nghi lễ mừng nhà mới.
Trai bản mặc trang phục nữ trong nghi lễ mừng nhà mới.
Chúng tôi vượt 75 km từ Thị trấn Mường Xén, trung tâm huyện lỵ Kỳ Sơn trong màn mưa Xuân như rắc phấn xuống ngàn cây, đồi núi. Đến bản Huồi Phuôn, ông Lương Phò Bi, một già làng uy tín, nói rằng: “Ở lại mà đi xem mừng nhà mới. Hay lắm đấy!”. Rồi ông nói về cái bản nhỏ cách bản ông chừng 5 km đường dốc: “Bản Hạt Tà Vén năm nay là năm vui bởi đang có phong trào làm nhà mới sôi nổi lắm.” Chúng tôi lại rẽ màn sương mù vào Hạt Tà Vén. Trưởng bản Lương Phò Thắng cho hay mới Tết xong đó mà bản đã 5 lần ăn mừng nhà mới. Những cuộc vui sẽ còn kéo dài nữa bởi đâu đó trong bản người dân vẫn đang kéo gỗ từ rừng về dựng nhà. Người ta tranh thủ làm để sang tháng 3 âm lịch là vào mùa làm rẫy rồi. Con đường vào bản hãy còn gập ghềnh nhưng mọi gian khó dường như không ngăn nổi quyết tâm của con người. Cái bản nhỏ vốn đã khá đông đúc, có gần trăm rưỡi nóc nhà này là càng thêm phần đông đúc bởi những ngôi nhà mới đang dần mọc thêm.
Lâu nay, truyền thông, báo chí vẫn nghĩ rằng người Khơ mú quen sống du canh, du cư. Đó chỉ là chuyện trước đây, đã lâu lắm rồi. Từ nhiều thập niên, người Khơ mú ở Nghệ An đã sống ổn định trong những làng bản lớn, vì vậy mà nhà cửa của họ cũng không còn là nhà cột chôn tạm bợ như trước kia nữa. Thời còn du cư, sau vài ba năm, đất làm rẫy ít đi, rừng dần lùi xa người, họ lại tìm nơi lập bản mới để làm cái rẫy mới, thành ra nhà cửa chẳng quan trọng đối với người du cư, du canh.
Mâm cúng trong ngày lễ.
Mâm cúng trong ngày lễ.
Thế rồi, khi người Khơ mú đã sống định cư thì nhu cầu làm nhà kiên cố cũng xuất hiện. Về Kỳ Sơn, Tương Dương đã thấy nhà sàn kiên cố của người Khơ mú san sát trong không gian làng bản vốn rất đặc trưng. Nhà của họ có gầm sàn thấp, thường không cao hơn đầu người. Dưới gầm sàn, dân bản có thói quen nuôi gà, vịt, lợn...
Ngôi nhà là không gian đặc biệt của người Khơ mú. Về mặt tâm linh thì nó ý nghĩa hơn là một căn nhà mà gian bếp là nơi quan trong nhất. Trong gian này có 2 cái bếp, một cái chuyên việc nấu nướng hàng ngày, cái còn lại người Khơ mú ở xã Keng Đu gọi là “bếp chủ nhà”. Đây là nơi diễn ra những nghi lễ quan trọng như lễ tết, lễ mừng nhà mới, lễ vía... Chỉ có những người trong gia đình được ngồi vào gian bếp này. Không gian này kiêng kỵ đối với khách, con rể, thậm chí con gái đã lập gia đình cũng không được bén mảng đến nữa. Người Khơ mú quan niệm con rể là khách, con gái khi đã đi lấy chồng cũng đã thành người khác họ nên không được ngồi vào căn bếp “chủ nhà” nữa.
Chính vì ngôi nhà là một không gian đặc biệt như thế nên lễ ăn mừng nhà mới cũng trở thành nghi lễ quan trọng. Trong cộng đồng, hễ có lễ mừng nhà mới là vui cả bản. Trong những ngày đầu năm mới, đến bản Hạt Tà Vén, chúng tôi có dịp chứng kiễn lễ mừng nhà mới của ông Moong Phò Hiên. 
Chúng tôi đến bản Hạt Tà Vén lúc bắt đầu một ngày mới. Vừa vào năm mới nên không khí ngày Xuân còn đậm đà trong những ánh mắt, nét môi thiếu nữ. Đến đầu bản đã nghe tiếng chiêng vọng đến từ ngôi nhà mới của ông Phò Hiên. Biết có khách lạ đến chơi, ông xuống cầu thang đón, nói rằng: “Các chú đến hơi muộn. Đám mừng nhà mới đã bắt đầu từ chiều hôm qua rồi. Nhưng phải hết ngày hôm nay mới xong”. Khi chúng tôi, những người khách lạ đã yên vị bên ché rượu cần, chủ nhà cho biết: Ngôi nhà mới đã làm xong được ít hôm. Từ 2 hôm nay là ngày mừng nhà mới”. 
Buổi chiều hôm trước, người ta đã uống rượu cần, nhảy múa. Đó cũng là lúc bắt đầu của lễ mừng nhà mới. Trong cuộc vui này có một hoạt động thú vị đó là người ta ném bí đao, bí đỏ luộc từ dưới nhà vào đám đông đang nhảy múa. Ai giẫm phải, té ngửa càng vui. Trong cuộc nhảy múa, luôn có tiếng chiêng ngân lên rộn rã. Để thêm phần hoạt náo, người ta chơi thêm một thứ nhạc cụ gồm 2 chiếc nắp bằng đồng hình chiếc vung gọi là “phèng”. Người chơi chiêng còn cầm theo chiếc gậy tre gõ trên mặt sàn gỗ đệm theo nhịp chiêng. Một điều khiến chúng tôi khá ngạc nhiên là giàn chiêng của người dân ở bản Hạt Tà Vén chỉ có 2 chiếc. Dù vậy, nhờ cách chơi khi khoan thai, lúc dồn dập, lại có sự tham gia của những nhạc cụ bổ trợ nên giàn cồng chiêng có nhiều cách gõ, với những bài khá đa dạng. 
Cuộc vui mừng nhà mới của người Khơ mú không thể thiếu một phần nghi lễ quan trọng, là lễ cúng trước tổ tiên. Mâm cúng có một mô hình chiếc ống tre có cắm 6 que tre dài, đầu mỗi que đều gắn một tờ tiền, gọi là k’mun grang. Và được đặt trên mâm cúng trong lúc làm lễ. Trong lúc cúng lễ, những người đến dự lễ mừng chủ nhà mỗi người một ít tiền gọi là để cầu mong cho gia chủ được ăn nên làm ra.
Nghi lễ kỳ lạ nhất và cũng rất hấp dẫn trong đám mừng nhà mới của người Khơ mú ở xã Keng Đu đó là màn người lớn, trẻ con gõ chiêng đến từng nhà trong bản để “xin”. Chủ nhà cho gì thì nhận nấy. Có thể là một mớ rau, bắp ngô, trái ớt cay, chút muối... Tất cả được cho vào chiếc gùi do một em bé mang trên lưng. Mỗi khi được quà, người ta lại reo hò vui sướng. Những hồi chiêng lại vang lên theo nhịp bước của đoàn người kéo đến nhà khác. Mỗi khi người nhà chậm cho quà, đám trẻ lại giả bộ la ó để “vòi”. Đây chỉ là một hoạt động mang tính để cuộc vui thêm phần hoạt náo chứ người ta không quan trọng là sẽ nhận được quà gì.
Trước khi xuống cầu thang đi “xin” trong bản, 2 nam thanh niên trong bản được chọn cho mặc trang phục phụ nữ Khơ mú. Họ cũng diện váy, áo nữ và đội khăn một người cầm theo chiếc “phèng” vừa đi vừa gõ, người còn lại có nhiệm vụ đi ngay canh bạn diễn, đến nhà một ai đó thì hô lên: “Xin quà!”.
Sau khi đi khắp lượt mọi nhà trong bản, đoàn “hành khất” trở về mang theo những gì xin được giao lại cho gia chủ. Đây là nghi lễ cuối cùng của lễ mừng nhà mới. Sau đó dân bản lại trở về với hội rượu cần kéo dài tưởng như bất tận.
Hữu Vi

Tin mới