Người lên với đất đã mấy mùa

(Baonghean) Sau mấy ngày công tác ở Na Ngoi (Kỳ Sơn), biết tôi có dành thời gian vào thăm Tổng đội TNXP 10, anh Xồng Bá Cu- Văn phòng UBND xã vui vẻ cho biết: "Bác yên tâm, cháu liên lạc rồi. Người ở Tổng đội đang trên đường ra đón bác đấy".

Người ra đón nào phải ai xa lạ, tôi nhận ra các anh Nguyễn Trọng Cảnh và Vương Trung Úy sau 15 năm xa cách. Ngày ấy, năm 1998, tôi đi thực tế ở Tổng đội TNXP 2 (Thanh Chương) vùng núi Hàn, núi Sướn bên sông Giăng, các anh còn là những đội viên trẻ măng mà giờ đây gương mặt đã nhuốm vị phong sương của nắng gió vùng cao. Còn tôi, mái đầu cũng đã bạc trắng rồi!


Từ các phương tiện thông tin, tôi biết các anh là những "cựu binh" đi mở đất ở miền Tây đất Nghệ và đã trở thành cán bộ của Tổng đội TNXP 8.


Năm 2000, được cấp trên giao nhiệm vụ, 6 anh em mang ba lô, cuốc thuổng hăm hở lên đường xây dựng cơ sở mới ở Huồi Tụ (Kỳ Sơn). Những tháng năm dãi nắng, dầm sương hiu hắt lán trại giữa đồi hoang bạt ngàn lau sậy. Xa gia đình, vợ con, vượt qua bao gian nan, thiếu thốn, lặng lẽ khai hoang trồng trọt, chăn nuôi, tạo niềm tin cho đồng bào dân tộc phát triển kinh tế từ "tự cung, tự cấp" sang sản phẩm hàng hóa. Bằng ý chí, nghị lực cùng sự tài trợ ngân sách của các cấp, các ngành, sự giúp đỡ của địa phương, đến năm 2007 đã hiện diện Tổng đội TNXP 8 bề thế. Tập thể cán bộ, công nhân 40 người đa phần là lao động của các bản. Làng người Mông gồm 40 hộ cùng cơ sở hạ tầng: đường ô tô vào Tổng đội, máy móc, xe cộ, lò sấy chế biến chè... và sản phẩm chè Tuyết San, hoa ly, gà đen đã có mặt trên thị trường trong tỉnh. Điều quan trọng đã giúp người dân nơi rẻo cao thay đổi nếp nghĩ, việc làm, đánh thức tiềm năng của người và đất đã bao đời ngủ im. Với diện tích 500 ha chè đã cho thu hoạch, đâu chỉ riêng Huồi Tụ, còn vượt "cổng trời" đến với Mường Lống thay thế cây anh túc. Đời sống của người dân khởi sắc từ chè, gừng, lúa nước và chăn nuôi gia súc mà Tổng đội đã dày công xây dựng rồi chuyển giao mô hình.


Tháng 11/2007, ba "cựu binh" là anh Cảnh, anh Úy, anh An lại nhận nhiệm vụ mới sang Na Ngoi xây dựng Làng thanh niên lập nghiệp và đến tháng 6/2012 này, huyện Kỳ Sơn có thêm Tổng đội TNXP 10 bên dãy Puxailaileng hùng vĩ quanh năm miên man mây và gió.


Chẳng thế mà anh Nguyễn Trọng Cảnh- Tổng đội trưởng nói với chúng tôi trong niềm xúc động: "Mừng và tự hào lắm, nhưng trước mắt còn nhiều việc phải làm, phải phấn đấu".


Cơ sở của Tổng đội đã ổn định: nhà ở cho công nhân, văn phòng làm việc, nhà nghỉ cho khách, nhà lưới ươm chè giống, chuồng trại chăn nuôi... tổng kinh phí từ Trung ương Đoàn tới 4 tỷ đồng. Ở đây đã có điện lưới, sóng di động và cơ sở hạ tầng của xã cơ bản hoàn thiện, tạo thuận lợi cho sản xuất và đầu ra của sản phẩm.


Anh Vương Trung Úy- Trưởng phòng Tổng hợp dẫn chúng tôi đi thăm những sản phẩm của Tổng đội. Đi trong khi nhà lưới sáng điện, 25 vạn bầu chè lấp lánh muôn vàn mắt lá được ươm từ phương pháp chiết cành từ tháng 11 năm ngoái đến tháng 8 này sẽ cấp đợt giống mới cho dân. Cây chè giống được đem từ Lâm Đồng, Phú Thọ về Huồi Tụ mười năm trước giờ bỡ ngỡ lên xanh trên đất mới Na Ngoi. Được biết, hiện tại Tổng đội đã có 4 ha chè giống ổn định, đủ nhân ra 20 vạn bầu mỗi năm.

Người lên với đất đã mấy mùa ảnh 1


                               Đồi chè xanh tốt của Tổng đội

Ngày chưa lên Kỳ Sơn, tôi cứ ngỡ cá hồi đem từ Sa Pa về nuôi ở khe suối, ao hồ. Nhưng đâu phải, khi đứng bên 6 cái bể bằng i-nox có thể tích 53m3/bể, kết nối liên hoàn, nước dẫn từ suối đầu nguồn vào bể được thay nước liên tục - Thức ăn công nghiệp. Cá hồi có giá trị kinh tế cao: 140 ngàn đồng/kg, chóng lớn, từ tháng 11 đến tháng 7 năm sau là thu hoạch. Mỗi con có trọng lượng đến 2 kg. Nhờ có sự giúp đỡ của Viện Nuôi trồng thủy sản Bắc Trung bộ, cái loài cá "khó tính" này đã thích nghi và phát triển ở vùng non cao gió Lào và rét sương này. Được biết, đầu ra sản phẩm còn khó khăn: cá thu hoạch phải được bảo quản tươi sống trong hộp xốp rồi đưa về Thành phố Vinh.


Mấy năm gần đây, sản phẩm gà đen đã dần có thương hiệu trên thị trường trong và ngoài huyện - Giống gà có gốc từ Viện Bảo tồn Gen ở Hà Nội, đã đem lại nguồn thu 200 triệu đồng/năm. Các tư thương từ Thị trấn Mường Xén, Hòa Bình vào tận nơi thu mua với giá 150 ngàn đồng/kg.


Theo anh Úy trèo lên thăm cánh đồng màu trên đồi cao chót vót, tôi đã mấy lần hụt hơi. Bên những lô chè bậc thang xanh tít tắp là khu vườn trồng hoa ly. Đất đã làm xong, những mái che ni lon đã sΩn sàng đón những cây giống hoa ly từ Đà Lạt về để kịp trổ hoa vào dịp Tết sắp tới. Dự tính, sẽ có 10 vạn gốc hoa với 30 ngàn đồng/gốc đến với người dân ở các huyện, thành trong tỉnh.


Những khu đất xanh biếc những rau cải, dưa chuột, mướp đắng, bí ngồi của người Mông. Từ hệ thống chứa nước xây trên đỉnh đồi nối với đường ống dẫn nước từ khe suối rồi theo các vòi bơm đến từng luống rau. Nhờ vậy, giữa mùa khô hạn mà cả một vùng đồi màu vẫn xanh lên từ nền đất ẩm ướt.


Các anh ở Tổng đội trò chuyện cùng chúng tôi trong niềm vui mùa màng. Giờ nhìn ra bốn phía xung quanh, đâu cũng xanh tươi cây trái - Nhớ buổi đầu của 5 năm trước, lán trại mong manh chìm hút giữa núi rừng hoang vu. Cơ sở hạ tầng của xã cực kỳ khó khăn: điện lưới chưa có, không điện thoại, đường sá gập ghềnh đèo dốc, mùa khô bay mù bụi đỏ, mùa mưa lầy thụt, mặt đường trơn như đổ mỡ. Đứng chân trên địa bàn có diện tích rộng, dân số đông, tỉ lệ hộ nghèo còn cao - với 19 bản (1 bản Thái, 1 bản Khớ mú, còn lại 80% là người Mông), sống rải rác giữa trập trùng núi cao. Có bản xa trung tâm 1 ngày đường đi bộ. Với độ cao 1.500m so với mực nước biển, mùa Đông có lúc nhiệt độ dưới 0 độ C. Có những đêm sương muối bạc trắng rừng và mùa hè gió Lào hun khô cả đất trời.


Những khó khăn về bất đồng ngôn ngữ, phương thức sản xuất của người dân còn cổ xưa, nhiều tập tục còn lạc hậu. Na Ngoi là trọng điểm về an ninh biên giới, những năm trước luôn bị nạn phỉ quấy phá, vấn đề di dịch cư vẫn chưa chấm dứt... Cùng phối hợp với chính quyền địa phương, Đoàn 4, Đồn Biên phòng 545, Làng thanh niên lập nghiệp với 20 người (có 4 đội viên người Mông), vừa lao động làm ra sản phẩm, vừa vận động dân bản xây dựng mô hình kinh tế hộ... Tổng đội giờ đã trở thành "địa chỉ xanh" của người dân nơi đây. Họ tìm đến hỏi han về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, kế hoạch làm ăn và chi tiêu trong sinh hoạt hàng ngày.


Từ chủ trương cấp cây giống, phân bón cho các hộ dân của UBND tỉnh, hỗ trợ 5 triệu đồng/ha đất khai hoang của Dự án 661 về phát triển cây công nghiệp ở vùng cao của Chính phủ. Những cán bộ, đội viên thay nhau xuống cơ sở "bốn cùng" cùng dân bản, "cầm tay chỉ việc" hướng dẫn bà con làm đất, gieo trồng, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho cây, con...

Người lên với đất đã mấy mùa ảnh 2

                    Bộ đội Biên phòng giúp người dân Na Ngoi trồng chè. Ảnh: H.T.


Sự khởi sắc của Tổng đội ảnh hưởng tích cực đến những đổi thay kinh tế của các hộ dân. Đã vận động được 60 hộ người Mông di cư lang thang trở về quê cũ làm ăn, những hộ này đã tình nguyện xuống núi định cư bỏ lúa rẫy, làm ruộng bậc thang, trồng chè và chăn nuôi. Họ còn vận động con em mình xin làm đội viên của Tổng đội.


Trong đêm liên hoan tiễn Xông Bá Tanh ra Hà Nội nhập học Trường Đại học Nông nghiệp, anh Cảnh kể chúng tôi nghe những niềm vui được mùa của dân bản: Bao đời lay lắt với cây lúa rẫy, một sào chỉ thu được 50 kg thóc cả năm. Làm lúa nước giống Nhị ưu 838 đúng kỹ thuật cũng trên diện tích 1 sào cho năng suất 300 kg. Dân bản vui và ngạc nhiên lắm. Sau thu hoạch họ tổ chức làm vía mừng lúa mới, mời anh em tổng đội đến dự lễ. Dân bản cảm ơn chúng tôi đã cho họ giống lúa "ma" sao hạt nhiều đến thế. Một năm có 2 vụ lúa rồi sẽ có thêm một vụ Đông trồng ngô, khoai, nhờ thế diện tích lúa rẫy giảm nhiều. Rồi chuyện cây gừng bao năm sống lẻ tẻ trong rẫy chỉ dùng làm gia vị thực phẩm bỗng chốc trở thành cây xóa đói, giảm nghèo. Diện tích trồng gừng thâm canh thay diện tích lúa rẫy quảng canh. Mỗi ha cho 3 tấn củ bán tại bản 20 ngàn đồng/kg, ô tô về thu gom tận nơi, tính ra hiệu quả gấp 10 lần trồng lúa.


Khi hỏi về những công việc sắp tới, anh Cảnh cho hay: "Còn 10 bản nữa sẽ từng bước trồng chè, chúng tôi đang khẩn trương hoàn thành 3 lò sấy, bao tiêu sản phẩm cho dân mùa thu hoạch đầu tiên này...".


Tạm biệt Na Ngoi, tạm biệt Puxailaileng đã hửng sáng, dẫu biết các anh lên Kỳ Sơn đã 12 năm, nhưng lòng dạ chúng tôi cứ bâng khuâng: Người lên với đất, với dân bản đã mấy mùa rồi?!

Võ Văn Vinh

Tin mới