Những 'chiếc bẫy' trên đường vào làng Yên

(Baonghean.vn) - Tuyến đường từ trung tâm xã Môn Sơn đi bản Làng Yên (Con Cuông) dài khoảng 8km, chạy dọc theo sườn núi và bờ sông Giăng. Qua mỗi mùa mưa, đường bị sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc đi lại và lưu thông hàng hóa của bà con nhân dân.

Mỗi khi gặp phải khó khăn trong một công việc nào đó, người dân xã Môn Sơn thường ví “khó như đi Làng Yên”. Điều ấy nói lên rằng, con đường về bản Làng Yên hết sức gian nan, vất vả, luôn là thử thách đối với mọi người. Còn với người dân trong bản, vào những ngày mưa lũ, việc đi lại thực sự là một mối lo, bởi thường xuyên đối mặt với nguy cơ sạt lở.

Bản Làng Yên nằm hai bên bờ sông Giăng, tiếp giáp với bản Cao Vều, xã Phúc Sơn (Anh Sơn), là nơi cư trú của gần 190 hộ đồng bào dân tộc Thái, nằm tách biệt với vùng trung tâm. Nguồn thu nhập chính của bà con là sản xuất nông - lâm nghiệp, chủ yếu là canh tác lúa nước và trồng rừng nguyên liệu.

1.	Vị trí sạt lở gần mố cầu Co Lượm
Vị trí sạt lở gần mố cầu Co Lượm, mặt đường bị thu hẹp và có thể bị cắt đứt bất cứ lúc nào. Ảnh: Công Kiên

Những năm qua, bà con Làng Yên nhận được sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước, trong đó phải kể đến việc hỗ trợ xây dựng 2 cầu treo dân sinh của Cục Đường bộ Việt Nam (thuộc Bộ Giao thông vận tải). Hai chiếc cầu này đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, giúp người dân nơi đây giảm bớt phần nào những gian nan, vất vả trong việc đi lại. Các em học sinh đến trường được yên tâm hơn, không còn phải vượt sông Giăng bằng những chiếc bè tròng trành.

Nhưng tuyến đường từ Làng Yên ra trung tâm xã hoàn toàn là nền đất, lại qua nhiều sông, suối nên gập ghềnh, trắc trở. Đặc biệt, đoạn từ bản Thái Hòa xuống Làng Yên khoảng 4km luôn trong tình trạng sạt lở và lầy lội. Mỗi khi mưa xuống, mặt đường luôn phủ đầy bùn và trơn trượt; có đoạn đất đá từ ta  – luy dương sạt xuống gây tắc đường; có đoạn ta – luy âm bị nước làm xói lở dẫn đến nguy cơ đường bị cắt đứt.

nước khoét sâu vào phần dưới mặt đường
Đoạn giáp ranh giữa bản Làng Yên và Thái Hòa, nước khoét sâu vào phần dưới nền đường. Ảnh: Công Kiên.

Dọc đường qua nhiều khe suối với những chiếc cầu tạm bằng gỗ, mặt cầu lộ ra những khoảng trống do gỗ bị mục gãy, tạo thành cái “bẫy” với người đi đường. Hai đầu mố cầu bị sạt lở, cầu có thể bị cuốn trôi hoặc đổ sập bất cứ lúc nào. Trên tuyến đường này xuất hiện những “điểm đen” cần được báo động như đoạn gần mố cầu treo Co Lượm, mặt đường chỉ còn khoảng 50cm, đang có nguy cơ bị cắt đứt khi có mưa lớn.

Hay đoạn giáp ranh giữa bản Làng Yên và bản Thái Hòa phía dưới có chỗ nước khoét vào sâu trong nền đường, có thể đổ ập khi mưa lớn hoặc phương tiện có trọng tải nặng đi qua. Nếu không kịp thời có giải pháp tu sửa, nâng cấp kịp thời, sớm hay muộn tuyến đường này sẽ bị chia cắt.

Chiếc cầu làm bằng gỗ đã mục gãy, tạo thành  cái
Chiếc cầu làm bằng gỗ đã mục gãy, tạo thành cái "bẫy" đối với người và các loại phương tiện đi qua. Ảnh: Công Kiên.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vi Văn Thơ- Trưởng bản Làng Yên cho biết: “Tuyến đường xuống cấp không chỉ ảnh hưởng đến việc đi lại, mà việc lưu thông hàng hóa nông – lâm sản của bà con dân bản cũng rất hạn chế. Mong xã và huyện sớm có kế hoạch tu sửa, nâng cấp, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Làng Yên”. 

Công Kiên

TIN LIÊN QUAN

Tin mới