Niềm mong mỏi của người Bích Hào

(Baonghean) - Hiếm có vùng đất nào như vùng Bích Hào của huyện Thanh Chương “chưa nắng đã khô, chưa mưa đã ngập”. Trong năm, người nông dân chỉ sản xuất được 1 vụ xuân, 7 tháng ròng còn lại giao đất cho trời. Thời gian nông nhàn kéo dài,  khiến lực lượng lao động trẻ phải rời quê tìm kiếm việc làm...

Tình cờ, tôi gặp người bạn phía bên này Cửa khẩu Thanh Thủy. Cách đây 20 năm có lẻ, tôi và bạn chia tay nhau sau lần xuất ngũ trở về quê hương. Mới ngoài 40, nhưng bạn nom già trước tuổi, sau ít phút tái ngộ, bạn nói: “Quê mình ở xã Thanh Tùng, trung tâm của vùng Bích Hào, huyện Thanh Chương. Vùng này đất tuy trồng lúa nhiều, nhưng ruộng đồng phải bỏ hoang trong nhiều tháng liền, nông dân thiếu việc làm, buộc lòng đám thanh niên như mình phải đi làm ăn xa”. Thì ra, lâu nay bạn tôi rời quê sang làm nghề thợ xây ở đất bạn Lào. Biết tôi làm nghề báo, nên trước khi lên xe khách tiếp tục cho chặng đường về quê, bạn không quên mời tôi về vùng Bích Hào, biết đâu lại có đề tài để viết.

Đầu tháng 7, tôi về vùng Bích Hào. Đúng như lời bạn nói, cảm nhận đầu tiên là, trong khi các địa phương khác thời gian này bà con nông dân ra đồng chăm sóc lúa hè thu, thì ngược lại, ở vùng đất này đi đến đâu cũng thấy ruộng đồng bỏ hoang. Những cánh đồng hàng chục ha, bây giờ chỉ dành cho chỗ chăn thả trâu bò. Họa lắm mới thấy một số diện tích rất ít lúa hè thu ở vùng đất cao cưỡng.

Tìm hiểu, chúng tôi được biết, vùng đất này đã bao đời nay phải chịu cảnh “làm một vụ ăn cả năm”. Vào mùa mưa, những cánh đồng của vùng Bích Hào đều phụ thuộc vào mực nước của dòng sông Lam. Nước ngoài sông Lam dâng cao đến đâu thì nước ở vùng này ngập sâu đến đó, có khi cả khu vực ngập sâu trong nước đến 15 ngày liền. Do vậy, có những lúc trời nắng chang chang, cả cánh đồng bỗng dưng ngập nước, là do mưa ở thượng nguồn đổ về khiến dòng sông Lam nước dâng cao, khiến người nông dân vùng Bích Hào từ bao đời nay không sản xuất lúa hè thu để “đánh cược” với trời.

                        Hói Kho dẫn nước sông Lam vào vùng Bích Hào.

Qua xóm Tùng Tân, xã Thanh Tùng, chúng tôi thấy một số nông dân đang cần mẫn chăm sóc mấy luống dưa chuột, cây cao chưa đầy gang tay. Bên cạnh mấy luống dưa chuột là những đám lúa đang thời kỳ đẻ nhánh. Dừng xe, trò chuyện với một số nông dân, họ bộc bạch “không có việc thì làm cho có công vậy thôi, chứ cánh đồng này xưa nay hiếm hoi lắm mới có được hạt lúa hè thu mà gặt”.

Và câu chuyện giữa tôi với bà Nguyễn Thị Sen, ở xóm Tùng Tân, thể hiện sự siêng năng cần cù, chịu thương, chịu khó của người nông dân ở vùng đất khó này: Vợ chồng có 3 đứa con đang tuổi ăn học. Để có tiền nuôi con và trang trải cuộc sống, chồng bà, ngoài thời gian nông nhàn, đi phụ hồ cho tổ thợ xây trong xóm, mỗi ngày được trả 100 nghìn đồng, còn vợ con chăn nuôi nhì nhằng, năm được năm thua, vì dịch bệnh liên miên và giá cả không ổn định.

Nhà có 4 sào ruộng, vụ xuân nào được mùa, thu hoạch được gần 1,5 tấn lúa, coi như đủ ăn cho cả năm. Có năm mất mùa, không đầy tấn lúa, năm đó phải lo chạy cái ăn vào thời điểm giáp hạt. Vụ hè thu năm ngoái, bà Sen mạnh dạn xin nhận thêm một số diện tích đất của các hộ trong xóm, cấy được 1 mẫu lúa. Toàn bộ chi phí cả triệu đồng, vậy mà cuối cùng không thu được hạt lúa nào, vì nước ngập thường xuyên.

Chưa chịu bó tay, vụ hè thu này, bà Sen lại tiếp tục cấy 9 sào lúa, và trồng thử 2 sào dưa chuột trên đất 2 lúa. Đợt mưa trong cơn bão số 2 vừa qua, nước ngập đến 4 ngày, lúa chưa ảnh hưởng gì, nhưng dưa chuột chết 1/3 số cây. Sau khi nước rút, cả gia đình ra ruộng dưa bón phân, vén đất vào gốc, mong sao lũ về muộn để vớt vát ít quả. Nếu vụ hè thu này trời thuận gió hòa, gia đình bà có thêm ít lúa, nếu không sẽ trắng tay. Bà Sen thổ lộ, nếu không cấy lúa thì làm việc gì bây giờ, ngồi không phí thời gian lắm. Ở vùng trũng này đất màu không có, nghề phụ cũng không, lấy gì mà nuôi đàn con ăn học. Giá như nhà nước có cách nào đó để ngăn nước lũ từ sông Lam vào vùng Bích Hào thì người nông dân ở đây sẽ được “đổi đời”.

Xã Thanh Xuân là địa phương có đường Hồ Chí Minh chạy qua, là địa hình cao nhất của vùng Bích Hào, nhưng khi đề cập đến sản xuất lúa hè thu, anh Nguyễn Khánh Thành – Chủ tịch UBND xã không khỏi trăn trở: Cũng như các xã khác của vùng Bích Hào, phần lớn diện tích đất 2 lúa của địa phương vẫn phải bỏ hoang suốt 7 tháng trong năm, do đó người dân ở đây thuộc diện nghèo khó nhất huyện Thanh Chương.

Toàn xã có 110 ha đất sản xuất 2 vụ lúa, mỗi năm chỉ cấy được 1 vụ xuân, thời gian còn lại, địa phương chưa nghĩ ra trồng cây gì cho hiệu quả. Trước đây, địa phương có vận động bà con nông dân sản xuất vụ hè thu bằng các loại giống lúa ngắn ngày, nhưng chưa có năm nào được thu hoạch, vì nước lũ ngập úng nhiều lần, và mỗi lần ngập ít nhất 4 ngày, có những đợt nước ngập đến 15 ngày. Đã có năm xã vận động bà con để lúa chét, mỗi sào chỉ thu được 20 – 30 kg lúa, chất lượng gạo kém, rồi lại bỏ. Chỉ có khoảng 10 ha ở những chân ruộng cao cưỡng, bà con tiến hành cấy hè thu, năm nào lũ ít thì chớ, nếu lũ nhiều coi như mất mùa.

Thời gian suốt 7 tháng ròng trong năm, người nông dân Thanh Xuân phải tìm mọi cách để kiếm việc làm. Người gần hết tuổi lao động thì ở nhà, lên đồi trồng đậu, lạc, sắn, chăn nuôi lợn, gà, trâu bò… thanh niên khỏe mạnh, kéo nhau vào Nam ra Bắc làm thuê. Họ đi làm nhưng không có tay nghề, nên thu nhập thấp, không ổn định. Khó có thể thống kê có bao nhiêu người trong xã đi làm thuê mọi nơi. Thời điểm này, về các xóm tìm cho ra một thanh niên khỏe mạnh rất khó. Giống như xã Thanh Xuân, xã Thanh Tùng có 342 ha đất 2 lúa, vụ hè thu này chỉ cấy được 60 ha; xã Thanh Lâm có 320 ha đất 2 lúa, vụ hè thu này cấy được 40 ha… những diện tích bà con nông dân cấy lúa hè thu đều thuộc vùng đất cao cưỡng.

Lão nông Trần Xuân Sửu, xóm Xuân Hòa, xã Thanh Xuân, trăn trở: Nhà có 6 miệng ăn, được xã chia cho 5 sào ruộng. Vì mỗi năm chỉ cấy được vụ xuân nên gia đình dồn sức đầu tư chăm sóc lúa chu đáo, mỗi vụ thu về gần 2 tấn lúa. Nếu chỉ ăn không thì đủ lương thực trong năm, nhưng trăm thứ chỉ biết nhìn vào hạt lúa, nên nhiều năm thiếu gạo ăn. Gần 70 tuổi sống trên mảnh đất này, ông chưa bao giờ được gặt bông lúa của vụ hè thu. Bởi thế, vụ xuân nào mất mùa là năm đó phải bán vật nuôi để mua gạo ăn qua ngày.

Ông Sửu thở dài: Nông dân địa phương khác nếu có mất vụ này, còn có vụ khác, còn nông dân bà tui nơi đây, mất vụ xuân rồi thì biết trông chờ vào đâu? Năm nào cũng vậy, cả cánh đồng bỏ hoang suốt thời gian dài, tiếc của lắm. Mà có làm cũng không được ăn, nên không ai dại gì đổ công, đổ của vào đó. Nông dân chúng tôi mong có giải  pháp nào đó để ngăn lũ cho vùng này, cho hôm nay và con cháu mai sau đỡ vất vả.

Vùng Bích Hào của huyện Thanh Chương gồm 7 xã: Thanh Giang, Thanh Lâm, Thanh Tùng, Thanh Mai, Thanh Xuân, Thanh Hà và một phần của xã Thanh Long. Vùng này có địa thế, địa hình rất phức tạp, bị chia cắt bởi các dãy núi cao bắt nguồn từ dãy Trường Sơn biên giới Việt – Lào, chạy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, với độ thấp dần về phía sông Lam, tạo thành vùng đồng bằng trải dọc sông Lam, nhưng cũng bị chia cắt bởi các khe suối nhỏ. Do địa hình như vậy, nên đất nông nghiệp ở đây dốc, bình quân 6 – 7 độ, dễ bị bào mòn, rửa trôi, khó khăn trong việc đầu tư thâm canh cũng như chống hạn, chống lũ.

Mặt khác, điều kiện của vùng không đồng nhất, có những vùng cao thường gặp hạn, những vùng trũng thường gặp lũ lụt. Hàng năm, vùng Bích Hào thường bị nắng hạn từ tháng 5 đến đầu tháng 8, và bị ngập úng từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 11. Thêm vào đó là hệ thống thủy lợi vùng này chưa tốt, là nguyên nhân chính dẫn tới việc bố trí sản xuất hè thu và vụ đông gặp nhiều khó khăn. Do đó đời sống của người dân vùng này nhìn chung khó khăn nhất so với các vùng khác trong huyện.

Điều khắc nghiệt mà thiên nhiên đã tạo cho vùng Bích Hào không phải là chuyện hôm nay, hôm qua, mà đây chính là một bài toán khó có lời giải cho biết bao thế hệ cán bộ địa phương và ngành nông nghiệp. Giống như điều mong ước của người nông dân vùng Bích Hào, bao năm qua, rất giản dị là được cấy một năm 2 vụ lúa. Với chúng tôi cũng vậy, về Bích Hào, đi, xem và,... có chung mong mỏi: giá như có một đề tài thủy lợi được áp dụng thiết thực cho vùng Bích Hào thì một ngày nào đó người nông dân vùng quê nghèo này sẽ có cơ hội làm chủ ruộng đồng và những thanh niên Bích Hào như người bạn của tôi xưa không phải đau đáu nỗi niềm xa xứ...

Xuân Hoàng

Tin mới