Phát huy mô hình kinh tế cho mục tiêu giảm nghèo

(Baonghean) - Thực hiện mục tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện khóa XXI, hơn 2 năm qua, huyện Quế Phong triển khai nhiều đề án, chương trình hỗ trợ sản xuất, phát triển kinh tế. Thông qua đó, hàng nghìn hộ dân có việc làm, cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Trước đây bản Đỏn Chám, xã Mường Nọc là vùng trồng lúa nhưng hiệu quả kém, nhiều vụ phải bỏ hoang. Sau khi nghiên cứu kỹ về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, huyện đã đầu tư giống, kỹ thuật, xây dựng đầy đủ các hạng mục từ hệ thống bể nước, vòi dẫn, hàng rào bảo vệ… để tạo điều kiện cho các hộ dân trồng rau sạch trên diện tích hơn 32.000m2.

Bắt đầu từ vụ đông 2015, có 32 hộ dân đã xuống giống trồng các loại như su hào, bắp cải, rau cải, đậu xanh, dưa chuột... Kết quả, vụ thu hoạch đầu tiên, hiệu quả kinh tế cao gấp 3 lần trồng lúa.

Bà Vi Thị Thanh, một hộ tham gia trồng rau cho biết: Sau khi được huyện hỗ trợ chuyển đổi, gia đình cải tạo thửa ruộng 2.000m2 thành khu vườn chuyên trồng các loại rau, củ, quả. Vụ thu hoạch đầu tiên đã đem lại cho gia đình gần 20 triệu đồng.

Theo bà Thanh, trồng rau chỉ trong thời gian ngắn đã cho thu hoạch, vì vậy một năm có thể làm 3-4 vụ. Đáng nói, sản phẩm rau sạch được thương lái tìm mua và các nhà hàng, trường học trên địa bàn huyện đăng ký tiêu thụ, tạo sự yên tâm cho bà con sản xuất. 

Mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ ở xã Đồng Văn mang lại thu nhập cao cho  người dân.  	Ảnh: Q.A
Mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ ở xã Đồng Văn mang lại thu nhập cao cho người dân. Ảnh: Q.A

Tại xã Đồng Văn và Tiền Phong, mô hình nuôi cá lồng trên sông, hồ đập lớn do Ban phát triển Nông thôn miền núi huyện triển khai từ giữa năm 2016 cũng đã cho hiệu quả.

Trong đó, xã Đồng Văn có 20 lồng nuôi cá, 8 hộ tham gia; xã Tiền Phong có 5 lồng, 1 hộ tham gia; các hộ nuôi được hỗ trợ toàn bộ khung lồng, lưới và thức ăn ban đầu (6 triệu đồng/lồng) và hỗ trợ 70% trên tổng số 9.524 con giống cá leo, bình quân mỗi lồng 380 con. 

Theo ông Nguyễn Bá Hiền - Trưởng ban Phát triển Nông thôn miền núi huyện: Giống cá leo nuôi trong vòng 6 tháng bình quân mỗi con đạt từ 2,0 – 2,5 kg, thời gian nuôi một năm, có trọng lượng từ 3 - 4 kg/con, giá từ 150.000 - 200.000 đồng/kg, như vậy khi xuất bán chủ hộ thu về hàng trăm triệu đồng.

Đặc biệt, theo thống kê, hiện nay huyện Quế Phong có đến 843 loại cây dược liệu (trong tổng số 962 loại cây dược liệu có mặt ở Nghệ An). Mục tiêu bảo tồn, phát triển cây dược liệu trở thành mũi nhọn phát triển kinh tế cũng đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXI, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Mới đây nhất, đề án bảo tồn, phát triển cây dược liệu có giá trị kinh tế cao đã được xây dựng.

Theo đó, quy hoạch trồng các loại cây dược liệu được phân thành 3 vùng dựa trên đặc điểm thổ nhưỡng: Vùng trung tâm (Mường Nọc, Châu Kim, Quế Sơn, Tiền Phong) tập trung phát triển cây sa nhân; vùng Tây Nam (Quang Phong, Cắm Muộn, Châu Thôn, Nậm Nhoóng, Nậm Giải và Tri Lễ) chú trọng nhân rộng cây bon bo, nhân trần; vùng Tây Bắc (Thông Thụ, Đồng Văn và Hạnh Dịch) tập trung phát triển cây chè hoa vàng, cây đẳng sâm. 

Đây là cơ hội để người dân tập trung phát triển kinh tế, thoát nghèo, bởi cây dược liệu có giá trị kinh tế cao. Đơn cử như, hoa chè vàng khô có giá từ 2,6 - 3 triệu đồng/kg, hoa tươi gần 500.000 đồng/kg… 

Trước đó, đầu năm 2015, UBND huyện Quế Phong đã phối hợp Trung tâm Tư vấn lâm nghiệp Nghệ An khởi động Dự án “Xây dựng mô hình bảo tồn, phát triển và sử dụng bền vững loài cây bon bo dựa vào cộng đồng, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học”. Hiện tại, mô hình được triển khai trên diện tích 54 ha, trong đó có 14 ha trồng mới, 40 ha bảo vệ khoanh nuôi và trồng bổ sung dưới tán rừng tự nhiên. Theo tính toán, với những diện tích khoanh nuôi, bảo vệ tập trung, mỗi năm cho thu nhập từ 30 - 60 triệu đồng/ha.

Cùng đó, có rất nhiều mô hình, chương trình, đề án kinh tế được triển khai, góp phần giúp đồng bào nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống như mô hình chanh leo ở xã Tri Lễ và một số ít ở các xã khác với tổng diện tích 283,3 ha; rau sạch Quế Sơn,... đưa kinh tế trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực. Theo kết quả thống kê, 9 tháng đầu năm 2017, các lĩnh vực sản xuất đều có sự tăng trưởng khá (nông, lâm, thủy sản tăng 5,42%; công nghiệp – xây dựng tăng 7,77% và dịch vụ tăng 9,19% so với cùng kỳ năm 2016); thu nhập bình quân đầu người tăng 3,43% so với cùng kỳ năm 2016, đạt 13,99 triệu đồng. 

Mô hình trồng chanh leo của người dân bản Pà Kỉm, xã Hạnh Dịch (Quế Phong).Ảnh: Hoài Thu
Mô hình trồng chanh leo của người dân bản Pà Kỉm, xã Hạnh Dịch (Quế Phong). Ảnh: Hoài Thu

Quá trình thực hiện các chương trình, dự án, huyện Quế Phong triển khai công khai, lấy ý kiến nhân dân ngay từ đầu để phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng - Bí thư Đảng ủy xã Quế Sơn, chính từ chủ trương đúng đã phát huy lợi thế về địa hình đất đai, nguồn lực lao động của địa phương. Đơn cử như, việc đưa cây mía thành cây chủ lực trong phát triển nông nghiệp và chú trọng chăn nuôi đàn đại gia súc, gia cầm, phát triển kinh tế vườn rừng. Đồng thời, tuyên truyền vận động người dân chuyển đổi ngành nghề, tăng cường xuất khẩu lao động…

Ông Lữ Đình Thi - Bí thư Huyện ủy Quế Phong cho biết: Chúng tôi xác định nhiệm vụ phát triển KT-XH, tăng thu nhập và giảm nghèo là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Theo đó, với các giải pháp đồng bộ, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn đã giảm. Nếu như năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện là 51,44% thì đến nay, tỷ lệ đó đã giảm xuống còn 45,95%, trong đó các xã nghèo, các hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân hơn 5%.

Tuy nhiên, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Quế Phong vẫn còn nhiều khó khăn. Số hộ thoát nghèo hàng năm tuy có giảm nhưng không bền vững, số hộ nghèo tham gia mô hình còn ít. Bên cạnh đó, tập quán sản xuất, sinh hoạt lạc hậu, tư tưởng trông chờ ỷ lại vẫn còn tồn tại trong cán bộ và nhân dân. Cơ sở hạ tầng tuy đã được đầu tư xây dựng song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển…

Cũng theo Bí thư Huyện ủy, mục tiêu đến năm 2020, Quế Phong thoát khỏi huyện nghèo, phấn đấu trở thành huyện khá của vùng núi cao còn là nhiệm vụ nặng nề. Trước mắt, huyện đề ra phương hướng, nhiệm vụ gồm tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh phát triển, phấn đấu tốc tộ tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, trên cơ sở đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế; tập trung chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện các mô hình kinh tế một cách hiệu quả, từ đó, tạo sự lan toả, nhân rộng trên địa bàn.

Bên cạnh đó, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho người nghèo, luân phiên cán bộ trực tiếp giúp đỡ các hộ thoát nghèo, phấn đấu hàng năm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 4 - 5%.

Quảng An

TIN LIÊN QUAN

Tin mới