Phát triển hạ tầng giao thông ở Tương Dương

(Baonghean) - Những năm qua, huyện Tương Dương đầu tư hoàn thành được nhiều tuyến đường trọng điểm như: Tuyến Bãi Xa - Tùng Hương, bản Ang - Na Bè, Hợp Thành; các tuyến đang thi công như tuyến Yên Tĩnh - Hữu Khuông, bản Côi - Pủng Cà Mong… Hàng năm, huyện tổ chức ra quân tu bổ, làm đường giao thông nông thôn. Đến nay, tất cả 154 thôn, bản trên địa bàn huyện có đường giao thông đi lại thuận lợi bằng mô tô, xe máy đến trung tâm xã.

Qua 3 năm thực hiện chủ trương của UBND tỉnh về hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn, huyện Tương Dương đã chỉ đạo các xã tuyên truyền, vận động người dân hiến đất, hiến tài sản để giải tỏa mặt bằng, hành lang giao thông và đóng góp kinh phí, ngày công để làm đường giao thông nội bản.
Tổng số lượng xi măng được hỗ trợ là 10.000 tấn, đến nay các xã đã nhận được 7.432 tấn xi măng và làm được 50 km đường bê tông, số cát sỏi nhân dân đóng góp là 27.600m3, ngày công huy động được 38.200 công, đồng bào các địa phương hiến đất, hiến cây cối hoa màu, quy ra tiền hơn 27,3 tỷ đồng. Đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội mùa mưa là 162 km. Về tiêu chí giao thông trong xây dựng NTM, đến nay địa phương duy nhất đạt là xã Tam Thái.
Thi công cầu vào xã Yên Tĩnh (Tương Dương).
Thi công cầu vào xã Yên Tĩnh (Tương Dương).
Tại xã Tam Thái, những tuyến đường dẫn đến các bản làng được bê tông, phát quang sạch sẽ. Phó chủ tịch UBND xã Vi Viết Kiều phấn khởi cho biết: Thực hiện chương trình nông thôn mới, về cơ bản hiện nay xã đã đạt được 13 tiêu chí trong tổng số 19 tiêu chí. Năm 2014, chúng tôi đã hoàn thành 3 tiêu chí là giao thông, thủy lợi và trường học.
Đặc biệt, Tam Thái là xã duy nhất trên toàn huyện cơ bản khép kín với 2,3 km đường giao thông nội bản (thiết kế rộng 3 m), 1,5km giao thông nội đồng đã được đổ bê tông. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là đường liên xã Tam Thái - Tam Hợp chưa được cứng hóa do chưa có ngân sách, chúng tôi phấn đấu năm 2015 hoàn thành...
Ngoài ra, huyện Tương Dương còn lồng ghép các chương trình, dự án tái định cư cho đồng bào vùng sạt lở, xây dựng nhiều tuyến đường bê tông, cầu cống đạt chất lượng cao. Đó là hệ thống mạng lưới đường xương cá, những cây cầu đang được gấp rút thi công tại các khu tái định cư Lượng Minh, Yên Tĩnh... Đến nay 18/18 xã của huyện có đường giao thông, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn.
Ông Nguyễn Văn Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết: Năm 2014, bằng các nguồn vốn lồng ghép, huyện đã dành nguồn kinh phí gần 290 tỷ đồng cho giao thông. Tất cả hệ thống cầu treo chúng tôi đã duy tu, bảo dưỡng, làm biển báo khống chế chiều cao, trọng tải cho các phương tiện lưu thông qua cầu đảm bảo an toàn.
Để tiếp tục nâng cấp, mở mang đường giao thông, hàng năm, huyện mở chiến dịch làm giao thông huy động trên 3.500 người dân tham gia mở thông đường từ trung tâm xã đến các cụm xã, thôn bản cho mô tô, xe máy đi lại thuận lợi, tạo điều kiện cho công tác khám chữa bệnh, thông thương kinh tế, giao lưu văn hóa giữa các vùng. 
Tuy nhiên, với địa bàn núi cao, nhiều sông suối chia cắt phức tạp, huyện Tương Dương vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn thiện giao thông nông thôn. Tuyến đường từ Thị trấn Hòa Bình đến bản Na Cáng xã Yên Tĩnh dài 90 km, cơ bản đã được rải nhựa, bằng phẳng và dễ di. Thế nhưng, tới khu vực thi công cầu Yên Hòa, khúc suối cạn trở nên sình lầy, trơn trợt, có nhiều đoạn dốc đá cheo leo, hiểm trở buộc mợi người phải “cuốc bộ”. Anh Nguyên, kỹ sư chỉ huy công trình cho hay: “Từ trước tới nay, đoạn đường này rất nguy hiểm, nhất là vào mùa mưa lũ. Cây cầu được thi công từ năm 2013, hiện chúng tôi đang nỗ lực để thông tuyến vào đầu năm 2015 này, tạo điều kiện cho người dân qua lại an toàn…”.
Địa hình phức tạp thực sự gây khó khăn trong việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nói chung, đường giao thông nói riêng. Đặc biệt, sau khi hồ thủy điện Khe Bố tích nước, gây ngập lụt, làm cho việc khai thác vật liệu, cát sỏi để xây dựng công trình giao thông và hạ tầng nói chung gặp nhiều khó khăn.
Thực tế tại nhiều bản, chất lượng của các tuyến đường do người dân khai thác vật liệu không sạch và đổ bê tông chưa đúng kỹ thuật nên ảnh hưởng tới chất lượng, sau thời gian ngắn đưa vào sử dụng đã bị bong tróc. Một số địa bàn, khi thực hiện chương trình, xã được giao làm chủ đầu tư nhưng còn nhiều lúng túng, đội ngũ lãnh đạo một số xã còn thiếu kinh nghiệm trong công tác quản lý nguồn vốn đầu tư xây dựng, các bộ phận phụ trách xây dựng, kế toán xã trình độ còn nhiều hạn chế nên rất khó khăn trong việc quản lý chất lượng công trình và thanh quyết toán nguồn vốn... 
Thu Huyền

Tin mới