Phong tục đám cưới Thái trong truyện "Chim yểng"

 Lễ xin dâu - phong tục của đồng bào Thái

 Lễ xin dâu - phong tục của đồng bào Thái

Các loại văn bản chữ Thái cổ là tài liệu quý để tìm hiểu phong tục truyền thống của người Thái. Truyện thơ "Chim yểng" là tài liệu quý để tìm hiểu về phong tục đám cưới của người Thái. Truyện nói về việc Cầm Hiền- chủ mường Quỳ Châu cũ, đi hỏi vợ là nàng Ỏn La ở Mường Luộc - Chiềng Van (Thường Xuân - Thanh Hoá). Truyện này có hai cách kết thúc (vì là sáng tác dân gian): (a) Nàng Ỏn La nhận lời, tiến hành cưới; (b) Nàng ỏn La từ chối, Cầm Hiền ra về, nàng Ỏn La lại tiếc, trông theo, ngã sàn, chết. Ở đây chúng tôi chỉ nói về phong tục đám cưới được phản ánh trong truyện, theo cách kết thúc (a).


Chủ mường Cầm Hiền nghe nói nàng Ỏn La ở Mường Luộc - Chiềng Van vừa đẹp người, lại dệt, thêu giỏi, liền sai người đi dạm hỏi cho mình. Ai cũng ngại (vì chủ mường không được đẹp lắm), liền buộc đôi chim yểng đi thay. Đây là chuyện hư cấu, chỉ có sáng tác dân gian mới như vậy. Khi đi, yểng mang theo lễ vật: "Cây mía nhỏ có 14 lóng/ Bó trầu tươi, cùng với buồng cau". Và cả măng đắng nữa. Măng đắng ăn phần gốc rất ngọt; cùng với mía, để mong chuyện dạm hỏi thành công (ngọt ngào). Còn trầu cau để bày ra đĩa cúng, rồi hai bên nhà trai và nhà gái ăn, nói chuyện. Yểng đi, dạm hỏi, ai đi trước (thì đúng phong tục)? "Đi đường, đàn ông đi trước/ Xăm xăm yểng đực với túi cơm/ Nhưng chồng quay lại nói với vợ:/ "Đi đường, dành cho đàn bà đi trước"/ Thoăn thoắt bước, yểng cái vung tay". Yểng đến nhà ông mối. Rồi ông mối đưa yểng đến nhà gái. Nhà gái đón tiếp, mời uống rượu cần, rồi hỏi: "Lợn đực làm đám cưới có không, yểng vàng ơi/ Lợn nái làm lợn gói cơm biếu, có không/ Ba mươi sọt gan mọt ướp chua, có không/ Ba mươi sọt phổi con "mò" ướp muối, có không/ Tiền cưới chúng tôi thu vàng lạng ruỡi/ Tiền "đầu người" Ỏn La thu nhẫn vàng, có không?". Thách cưới như vậy là rất khó. Tiền, vàng, thì nhà chủ mường Cầm Hiền không lo. Nhưng "gan mọt", "phổi mò" thì đúng là thách cưới theo kiểu "hư cấu dân gian" rồi; người đọc hiểu ở đây là "thách cưới rất cao". Vậy thì yểng cũng phải đáp lại "theo kiểu dân gian" là "có". Được lời, yểng về. Nhà Cầm Hiền chuẩn bị đi đón dâu. Đón dâu, ai đi trước? "Đi đường, nhường cho ai đi trước?/ Nhường cho người già, kẻ biết, dẫn đường". Đó là điểm khác với đi dạm hỏi. Trong đám cưới thì: "Vừa uống rượu, vừa nạp tiền cưới/ Vừa uống rượu, vừa thu tiền gả con". Đến nửa đêm, gà gáy, người mẹ gói đồ cho con gái: "Lấy từ vòng bạc sáng nàng vẫn thường đeo/ Xếp từ cái chăn thêu chỉ kim tuyến/ Lấy từ cái hộp bạc đựng trầu cau, nàng đeo bên hông/ Gói ghém cho nàng về nhà chồng/ Mang từ cái nón hoa xinh xinh/ Đôi gối đẹp thêu chỉ vàng hai mặt/ lấy từ cái chăn thêu hình voi xếp trên mặt hòm...". Nàng ra đi, có nghi thức gì đặc biệt? "Xuống đến chân thang, nàng chưa vội bước/ Ai làm anh, đưa cho nàng khăn tơ/ Ai làm em, đưa cho nàng tấm vải/ Khăn tơ, cho được con trai/ Tấm vải, cho được con gái". Rước dâu về thì ai dẫn đường? "Đi đường, nhường cho ai đi trước?/ Vợ ông mối làm mẹ dẫn đường". Về đến nhà trai, phải làm những nghi thức, nghi lễ gì? "Bước đến chân cầu thang, nàng còn đứng đợi/ Chờ ông mối xối nước, rửa chân/ Xối chân phải, cho được con trai/ Rửa chân trái, mong được con gái". Rồi ông mối gọi "Vía vợ, vía chồng/ Ông mối gọi rồi, mời nhanh bước lên thang". Ai lên thang nhanh hơn thì người ấy được làm chủ. Đó là quan niệm, nhưng bao giờ người con gái cũng nhường cho người con trai lên trước, mình theo sau, coi như nhận làm phận người vợ, đi sau chồng. Hai người "Bước vào nhà, ngồi xuống mâm cơm/ Vào chân buồng, ngồi quanh "mâm vía"/ Chum rượu nhỏ, cắm sẵn hai cần/ Hai vòi trúc buộc gai hai sợi/ Buộc vía, rồi ăn cơm/ Ăn cơm, không phải mời". Ông mối cắt đôi quả trứng luộc, đưa cho cô dâu, chú rể mỗi người một nửa. Rồi ông mối dặn cô dâu "Búi tóc rồi, búi tóc không được thả". Từ nay hai người chung sống, chung thuỷ với nhau cho đến trọn đời.

Phong tục đám cưới này vẫn còn được người Thái bảo lưu đến hôm nay, trừ phần thách cưới nặng nề.

La Quán Miên

Tin mới