HƯỚNG ĐẾN HỘI THI “HÁT DÂN CA TRONG TRƯỜNG HỌC”

Phương ngữ với đặc trưng của dân ca xứ Nghệ

(Baonghean.vn)- Một trong những yếu tố quan trọng khi nói đến đặc trưng dân ca của một vùng đó là ngôn ngữ. Cùng với nhạc, lời ca làm nên giá trị, đặc trưng của dân ca xứ Nghệ, trong đó, nhân tố tạo nên dấu ấn, sắc thái riêng đó là tiếng Nghệ với giọng nói, từ ngữ địa phương.

Nhắc đến văn hóa xứ Nghệ không thể không nhắc đến dân ca và ngược lại, khi nói đến dân ca xứ Nghệ là đang nói đến một biểu hiện đặc trưng của văn hóa truyền thống nơi đây. Một trong những yếu tố quan trọng khi nói đến đặc trưng dân ca của một vùng đó là ngôn ngữ. Cùng với nhạc, lời ca làm nên giá trị, đặc trưng của dân ca xứ Nghệ, trong đó, nhân tố tạo nên dấu ấn, sắc thái riêng đó là tiếng Nghệ với giọng nói, từ ngữ địa phương.

bna_Tiết mục Ví giặm ngân vang với sự kết hợp giữa dân ca ví, giặm và ca trù do tập thể học sinh cụm 1 biểu diễn. Ảnh - Mỹ Hà.jpeg
Tiết mục Ví giặm ngân vang với sự kết hợp giữa dân ca ví, giặm và ca trù do các em học sinh biểu diễn. Ảnh: Mỹ Hà

Hình thức, nội dung của ví và giặm có phần khác nhau, nhưng đó đều là thơ, những câu hát dân ca độc đáo nhất. Những từ ngữ được sử dụng trong hát giặm rất mộc mạc, chân chất như trong đời sống hằng ngày. Phần nhạc ít mượt mà và lời lẽ cũng ít trau chuốt so với hát ví, bởi nó là bài hát gồm nhiều lời hát, nặng tính tự sự, phản ánh cuộc sống thường ngày với những câu chuyện, những biến cố, bày tỏ thái độ, tình cảm, tư tưởng riêng của người xứ Nghệ.

Sự biến đổi của hàng loạt âm chính trong tiếng Nghệ - Tĩnh so với tiếng Bắc Bộ có tính hệ thống, đã tạo nên sắc thái riêng biệt trong phát âm, tạo nên đặc trưng giọng Nghệ, tiếng Nghệ và đó cũng là một yếu tố tạo nên nét đặc trưng vùng miền trong ví, giặm, làm cho dân ca vùng này không trộn lẫn với các vùng khác. Đối với người Nghệ - Tĩnh, âm thanh, giọng nói ấy đã thấm sâu vào máu thịt, cho nên, nghe dân ca ví, giặm là nghe thấy sự gần gũi, tha thiết, thân thương như tiếng lòng mình. Bởi vậy, ngôn ngữ của dân ca Nghệ - Tĩnh hồn nhiên, tự nhiên, rất gần với khẩu ngữ, không mang vẻ đẹp của một công trình chế tác công phu. Ngoài đặc điểm dùng từ theo thói quen thì cái riêng của dân ca Nghệ - Tĩnh có lẽ ở sự lựa chọn dùng từ địa phương thay cho từ toàn dân trong những hoàn cảnh mà bản thân sự lựa chọn đó là phù hợp về một phương diện nào đó cả về nội dung và nghệ thuật biểu hiện.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Chí Bền, Bùi Quang Thanh, Dân ca ví, giặm Nghệ - Tĩnh, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2013.

2. Hoàng Trọng Canh, Từ địa phương với cấu trúc sóng đôi trong thơ dân gian Nghệ Tĩnh - Bảo tồn và phát huy các giá trị dân ca ví, giặm xứ Nghệ, Nxb Nghệ An, 2012.

3. Ninh Viết Giao, Tính bác học trong ca từ của dân ca ví, giặm xứ Nghệ - Bảo tồn và phát huy các giá trị dân ca ví, giặm xứ Nghệ, Nxb Nghệ An, 2012.

4. Vũ Ngọc Khánh, Vài nhận xét về dân ca Nghệ Tĩnh, Tạp chí Văn nghệ Nghệ Tĩnh, số 21, 1996, tr.117.

Tin mới