Quế Phong: Cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng bãi xử lý rác thải

(Baonghean) - Những năm qua, lượng rác thải sinh hoạt của Thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong ngày càng tăng cao; trong khi đó bãi tập kết rác hiện nay lại tạm bợ và đang dần quá tải, gây ô nhiễm môi trường. Cho nên, yêu cầu về việc xây dựng và đưa vào hoạt động bãi xử lý rác thải đúng quy chuẩn được huyện đôn đốc đẩy nhanh tiến độ. 
Hiện nay, Thị trấn Kim Sơn (Quế Phong) có hơn 3.500 khẩu cùng với 39 cơ quan đóng trên địa bàn. Vì vậy, lượng rác thải sinh hoạt và kinh doanh buôn bán tương đối lớn. Trước những áp lực về thu gom và xử lý rác thải, thị trấn đã thành lập Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và vệ sinh môi trường Kim Sơn. Hợp tác xã đã bố trí 123 thùng đựng rác trên địa bàn thị trấn và tổ chức thu gom theo tuần với khối lượng tương ứng 250m3/tháng. Toàn bộ lượng rác thải này được tập kết về bãi rác tạm của thị trấn tại khối 2 với diện tích khoảng 1.000m2. 
Tại bãi rác tạm này, mùi hôi thối nồng nặc, rác được tập kết ngổn ngang. Do bãi rác không có hạ tầng kỹ thuật nên nước thải lênh láng, gây ô nhiễm môi trường. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Vinh, Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp và vệ sinh môi trường Kim Sơn cho biết: “HTX đã thuê người phơi rác và đốt khi trời nắng và phun thuốc diệt khuẩn, các loại ruồi, nhặng khi trời mưa. Tuy nhiên, do chỉ xử lý thô sơ nên bãi rác vẫn ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, nhất là vào những lúc đổi mùa, thời tiết nắng nóng... Bên cạnh đó, do sử dụng trong thời gian dài, lượng rác thải ngày càng tăng lên nên bãi rác lộ thiên này dần quá tải. Nếu không có bãi rác mới, chỉ một thời gian ngắn nữa, có nguy cơ rác sẽ tràn vào đất sản xuất của người dân”.
Hiện trường thi công dự án bãi xử lý rác thải huyện Quế Phong đã đình trệ  1 năm nay.
Hiện trường thi công dự án bãi xử lý rác thải huyện Quế Phong đã đình trệ 1 năm nay.
Trước thực tế đó, nhân dân thị trấn có nhiều kiến nghị về việc xây dựng bãi rác mới để tập kết và xử lý rác thải đúng quy chuẩn, đảm bảo vệ sinh môi trường; đồng thời, di chuyển, xử lý rác thải ở bãi rác tạm vì nó nằm ngay cạnh nghĩa trang nhân dân thị trấn. Ông Hoàng Trung Cường, Chủ tịch UBND Thị trấn Kim Sơn, cho biết: “Hiện nay, công trình bãi xử lý rác thải huyện Quế Phong đã được khởi công xây dựng. Đây là điều đáng mừng vì không chỉ xử lý dứt điểm những vấn đề tồn tại trong công tác vệ sinh môi trường trước mắt mà còn giải quyết nỗi lo về lâu dài. Vì theo quy hoạch mở rộng, diện tích của Thị trấn Kim Sơn sẽ rộng gấp 3 lần hiện nay, theo đó quy mô dân số sẽ tăng lên nhiều lần so với hiện tại. Chúng tôi chỉ mong dự án nhanh chóng hoàn thành và đưa vào sử dụng”.
Đầu năm 2013, công trình Bãi xử lý rác thải huyện Quế Phong được khởi công xây dựng tại bản Bon, xã Tiền Phong với tổng mức đầu tư gần 55,5 tỷ đồng. Theo đó, bãi rác có 4 ô chôn lấp với tổng diện tích gần 20.000m2, công suất chôn lấp đến năm 2024 đạt gần 50.000 tấn. Ngoài ra, công trình này còn có hệ thống thu gom và xử lý nước thải, hệ thống thoát khí thải, thoát nước mưa, đường giao thông và nhiều công trình phục vụ công tác quản lý và phụ trợ khác. Khi hoàn thành, đây sẽ là công trình xử lý rác thải được đánh giá có quy mô hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu thu gom và xử lý rác thải trong quá trình phát triển ngày càng nhanh của Thị trấn Kim Sơn và các xã lân cận.
Tuy nhiên, tại thời điểm tháng 9/2015, khi chúng tôi có mặt tại mặt bằng công trình, không khí hoàn toàn vắng lặng, chỉ thấy 2 hố chôn lấp rác được đào đắp tương đối hoàn chỉnh, còn lại đều đang trong tình trạng dang dở. Trao đổi với bà Vi Thị Duyến, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Quế Phong về tình trạng “nguội lạnh” tại công trình, được biết, nguyên nhân là do vướng công tác giải phóng mặt bằng. Theo đó, trên tổng diện tích gần 46.000m2 đất được thu hồi để thực hiện giai đoạn 1 (đầu tư xây dựng các hạng mục gồm: san nền, xây dựng đường - đê ngăn nội bộ và hố chôn lấp với tổng dự toán đầu tư hơn 35,8 tỷ đồng) của dự án có 10 hộ dân bị ảnh hưởng với tổng kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng hơn 1,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, chủ đầu tư mới chỉ chi trả được hơn gần 703 triệu đồng; phần còn lại hơn 1,2 tỷ đồng chưa thể bố trí. Trong khi đó, 4 hộ dân bị ảnh hưởng còn lại yêu cầu phải chi trả hết số tiền đền bù mới bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư. Cho nên, mọi hoạt động thi công phải dừng lại gần 1 năm nay. Tổng khối lượng thi công gói thầu số 1 chỉ đạt 30%, kéo theo tiến độ chung của công trình bị chậm.
Bà Duyến cho biết thêm: “Hiện tại, tổng kinh phí cấp cho dự án mới chỉ được 7 tỷ đồng. Đặc biệt, nguồn vốn cấp cho công tác giải phóng mặt bằng của dự án chưa được bố trí. Ngay cả số tiền hơn 700 triệu đồng giải phóng mặt bằng đã chi trả cho người dân, chúng tôi cũng phải vay nhà thầu. Sắp tới, chúng tôi dự kiến vay thêm nhà thầu số tiền giải phóng mặt bằng còn lại để thi công. Phía nhà thầu cũng đã cam kết tự bỏ vốn để thực hiện dự án trước. Tuy nhiên, để dự án được triển khai ổn định, ban quản lý dự án kiến nghị các cấp, ngành cấp nguồn vốn đáp ứng nhu cầu, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sớm đưa vào sử dụng công trình, giải quyết những bức xúc về vấn đề môi trường do rác thải trên địa bàn”.
Nhật Lệ

Tin mới