Quế Phong - Đi và thấy: Kỳ 3: Tiền Phong, nơi không có cây anh túc

Từ vùng đất Mường Hin và Châu Long, cách đây gần 40 năm, xã Tiền Phong đã ra đời và trở thành nơi địa đầu của huyện vùng cao Quế Phong. Bao đời nay cộng đồng các dân tộc nơi đây chăm chỉ lao động trên những thửa ruộng hiền hòa. Sự cần cù chăm chỉ mang lại sự no ấm cho đồng bào. Thế nhưng gần đây, một số thông tin rộ lên Tiền Phong đang có những cánh đồng trồng cây anh túc. Trên những cung đường mạn ngược tháng 7 này, chúng tôi diện kiến Tiền Phong.


Rời Tri Lễ khi trời đã nhá nhem, sau một đêm nghỉ lại thị trấn huyện lỵ Kim Sơn, chúng tôi về với Tiền Phong - mảnh đất địa đầu của huyện Quế Phong.

Quế Phong - Đi và thấy: Kỳ 3: Tiền Phong, nơi không có cây anh túc ảnh 1


Cụ Lô Xuân Hặc, 74 tuổi, già làng bản Na Bón (bên trái) và Chủ tịch UBND xã Ngân Văn Xuân trao đổi với phóng viên.


Trải rộng trên diện tích hơn 14.000 ha, Tiền Phong có 21 xóm bản, xã là nơi cư ngụ nhiều đời nay của cộng đồng các dân tộc Thái, Kinh, Khơ Mú, Thổ với 1.927 hộ với 9.865 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Thái chiếm hơn 80%. Trên vùng đất cằn cỗi, kham khổ này, cộng đồng các dân tộc sống hòa thuận, chăm chỉ lao động ở những mảnh ruộng chuyên canh lúa nước, cũng từ đây ấm no và hạnh phúc tìm về.

Thế nhưng gần đây, có những làn gió độc đã thổi vào tai mọi người, rằng hoa anh túc đã nở trên đất hiền. Thật lạ. Bởi như bí thư Đảng uỷ xã Lương Hiến Chương khi nghe chúng tôi hỏi về công tác triệt phá cây ma tuý và dẹp bỏ tệ nạn này trên địa bàn đã khẳng định :"Từ xưa đến nay, chúng tôi đâu có cây ma tuý mà triệt phá!". Về Tiền Phong gặp từ đồng bào, cán bộ, hỏi chuyện, tất thảy đều tỏ ra bất ngờ. Bởi, chưa bao giờ người Thái, người Kinh, Khơ Mú, Thổ nơi đây bị sức hút khó cưỡng của loài cây này làm cho mụ mị.

Tất nhiên, theo ông Hà Sỹ Quế, trưởng CA xã, thì Tiền Phong vẫn còn 35 đối tượng nghiện (ngoại trừ 14 đối tượng đã được đưa về Trung tâm cai nghiện của huyện, 6 đối tượng bị đưa đi cải tạo và 5 đối tượng đã chết trong thời gian gần đây) tất thảy đều dính dáng đến heroin. Hỏi ông Bí thư Đảng ủy Lương Hiến Chương về vấn đề này, ông Chương quả quyết: "Chưa bao giờ người Tiền Phong trồng thuốc phiện, thứ nhất là vì điều kiện tự nhiên xã không phù hợp cho loài cây này sinh trưởng và điều quan trọng là đồng bào các dân tộc trên địa bàn hoàn toàn không có tập quán trồng cây thuốc phiện, đặc biệt là đồng bào dân tộc Thái chiếm đa số, rất "ghét" loài cây này.


Để kiểm chứng thông tin, mà cụ thể là tìm hiểu có phải dân tộc Thái rất "ghét" loài cây "ác" này không, chúng tôi lại ngược ra theo đường 48 chạy hướng của khẩu Thông Thụ đến với các bản Na Bón, Na Chảng, Xốp Sành, Na Sành - những bản làng của người Thái nằm xa trung tâm xã nhất. Nơi, chúng tôi nghĩ nếu có "tình trạng trồng cây thuốc phiện", các bản này đủ điều kiện nhất.


Na Bón - có nghĩa là ruộng trồng nhiều cây môn (mùng ngứa), người Thái giải thích về cái tên của bản mình như sau: Ngày xưa, đây là vùng đất của những cây môn. Môn cao quá đầu, môn mọc ken dày những con suối, dòng khe nên bản có tên là Na Bón (tiếng Thái). Vậy là đã biết thêm một điều rằng, cây anh túc không bao giờ chung sống cùng với những loài cây dưới bụi, dưới đầm như vậy.


Đến Na Bón, chúng tôi gặp già Lô Xuân Hặc, 76 tuổi, là người già nhất bản và cũng có uy tín nhất. Ở tuổi xưa nay hiếm nhưng già còn nhanh nhẹn lắm! Giọng hào sảng, đôi mắt tinh anh, già vồn vã chào khách khi chúng tôi tìm đến chòi rẫy nằm vắt vẻo bên đồi, cạnh đường QL 48. Hỏi: "Già ơi! Người Thái mình có trồng cây thuốc phiện không?". "Người Thái ta từ thời ông bà tổ tiên đến nay chưa bao giờ trồng thuốc phiện. Ta sống ở mảnh đất Na Bón này từ khi cha sinh mẹ đẻ đến nay, ta biết chưa lúc nào người Thái tìm đến nó cả. Mình chăm chỉ làm ruộng, dệt vải, nuôi trâu, nuôi bò là ấm no rồi", già Hặc phân trần. Nói đoạn, chợt giọng già trầm xuống: "Nhưng nói thật với nhà báo, ngày xưa một số người Thái mua thuốc phiện từ các bản Mông về hút. Họ nghiện "nuốt" (thuốc phiện được cô lại nhỏ bằng hạt gạo mỗi khi dùng chỉ nuốt nó vào). Hại lắm! nhiều người đã chết vì nó. Ngày nay, cán bộ đến tuyên truyền, Na Bón mình không còn người nghiện "nuốt" nữa đâu".


Ông Hà Sỹ Quế -Trưởng công an xã Tiền Phong cho biết: Già Hặc có uy tín rất lớn trong bản, già là đảng viên 40 năm tuổi Đảng. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước già là bộ đội bộ binh chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Với uy tín của mình, tại các cuộc họp của bản, già thường xuyên nói về tác hại của ma túy, thuốc phiện với bà con. Nghe nói vậy, già cắt lời: "Thuốc phiện nó xấu xa lắm, nghiện là chết, phải nói với bà con để tránh nó đi". Cả bản Na Bón có 79 hộ với gần 500 khẩu. 100% là đồng bào Thái và hầu như không có người nghiện thuốc phiện, ma túy.


 
Chào già Hắc, rời bản "Ruộng môn" khi trời đã quá trưa, chúng tôi tiếp tục hướng đến Na Sành trong cái nắng gắt "nuốt chửng" hết da thịt. Từ bản Phạp (bản trụ sở) ngược lên theo QL 48 là 4 bản vùng trong Na Bón, Na Chạng, Xốp Sành, Na Sành, dọc theo vẫn QL 48 nối dài hướng về thị trấn Kim Sơn là 17 bản vùng ngoài. Tất thảy đều là những bản làng hiền hoà với năng suất lúa thu hoạch trong vụ Đông Xuân năm nay là hơn 5,5 tấn/ha. Không chỉ vậy, Tiền Phong vẫn còn 2 xóm lâm trường 2 và 3 với bản Mường Hin, là trung tâm thương mại của cụm xã vùng Tây Bắc huyện quế, tỷ trọng về thương mại, dịch vụ chiếm đến 33,31% kinh tế toàn xã.


Qua con đường rẽ về thác Xao Va (địa chỉ đã có tên trong bản đồ du lịch xứ Nghệ) là trạm kiểm lâm ngã 3 Thịnh Phong, phụ trách toàn bộ địa bàn xã, chúng tôi gặp Ban quản lý rừng phòng hộ huyện (nguyên là lâm trường Phú Phương), xuôi xuống nữa về phía trung tâm huyện lỵ là Nông trường cao su Quế Phong (nguyên là Tổng đội TNXP 7). Những đơn vị này đã gắn bó với vùng đất nơi đây từ ngày thành lập, đâu dễ để loài hoa lạ ngập tràn.  
       

Gần cả ngày trời, đi và thấy, chúng tôi vỡ lẽ ra nhiều điều. Sự hồ nghi về việc Tiền Phong có những cánh đồng ma túy khoe sắc bốn mùa được gạt đi. Thế nhưng, một cảm giác đượm buồn chợt xen vào suy nghĩ chúng tôi khi đồng chí Trưởng công an xã cho biết: "Dù không trồng cây thuốc phiện nhưng ma túy vẫn còn len lỏi vào đời sống nơi đây mang lại những hệ lụy đáng buồn".

Đến nay, toàn xã có 35 đối tượng nghiện, 14 người đã được đưa vào Trung tâm cai nghiện của huyện, 5 người đã chết vì "nàng tiên trắng". Đó không chỉ là công việc của những người có trách nhiệm, mà còn là lời khuyên nhủ của già làng Lô Xuân Hặc, của nghĩ suy những người đã trót dính vào. Cuốn sổ tay của tôi còn ghi lại bao nhiêu câu chuyện về Tiền Phong. Nhưng cơ bản, tôi cứ thấy dậy lên nhiều chuyện vui, chuyện về một xã địa đầu đang bước lên bằng những bước đi, dẫu chưa dài nhưng mạnh mẽ.


Nhóm PV

Tin mới