Quế Phong: Đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp

(Baonghean) - Là một huyện miền núi cao, nhưng trong những năm gần đây, người dân trên địa bàn huyện Quế Phong đang đẩy mạnh việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Đây là cách làm hiệu quả nhằm giảm sức lao động, rút ngắn thời gian sản xuất và nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích.

Lên Quế Phong những ngày này, trên khắp các cánh đồng, người dân đang tranh thủ thời tiết nắng ráo để tiến hành gieo cấy lúa vụ xuân. Một hình ảnh ấn tượng giữa những thửa ruộng bậc thang là những chiếc máy cày đang khẩn trương làm đất. Đang cày dở thửa ruộng của mình, anh Lang Văn Hải ở bản Phương Tiến 2, xã Tiền Phong vội ngừng máy, cho biết: Từ ngày gia đình sử dụng máy cày vào việc làm đất, thời gian và sức lao động được rút ngắn rất nhiều. Nếu như ngày trước, với một sào đất, anh và con trâu phải vật lộn mất một buổi sáng mới xong, thì nay thời gian đó rút ngắn xuống còn khoảng hơn 2 giờ. Anh Hải không phải là người đầu tiên trong bản Phương Tiến 2 mua máy cày; cả bản hiện nay đã có khoảng 20 chiếc và số lượng này đang có dấu hiệu không dừng lại ở đó.

  Người dân bản Phương Tiến 2, xã Tiền Phong sử dụng máy cày trong sản xuất.

Gia đình anh Hải có hơn 5 ha đất trồng lúa. Do trong nhà chỉ có 2 vợ chồng, 2 con còn nhỏ, nên năm nào gia đình anh cũng hoàn thành lịch gieo cấy sau cùng. Nhiều năm, do lịch lấy nước của xã chỉ kéo dài trong thời gian ngắn nên bản thân anh phải cày bừa liên tục trong nhiều ngày liền mới đảm bảo lịch thời vụ. Có thời điểm, 2 con trâu trong nhà lăn ra ốm giữa lúc cao điểm khiến anh phải bỏ tiền thuê máy cày của những gia đình trong bản với số tiền quá lớn nên sau vụ thu hoạch, gia đình anh xem như không có lãi. “Sau khi xã phổ biến chính sách hỗ trợ mua máy cày, tôi thấy đây là cơ hội tốt để mua được máy cày giá rẻ. 2 vợ chồng bàn bạc với nhau và quyết định vay ngân hàng 15 triệu đồng và xin đăng ký với xã. Từ ngày có máy cày, gia đình có điều kiện và thời gian để tăng gia sản xuất và nâng cao thu nhập”, anh Hải tâm sự.

Không chỉ có gia đình anh Hải ở bản Phương Tiến 2 mà trên địa bàn toàn xã Tiền Phong còn có khoảng 150 chiếc máy cày. Đa phần trong số này là do người dân tự bỏ tiền ra mua mà không hưởng từ chính sách ưu đãi từ Quyết định 09 của UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ nông nghiệp. Bên cạnh đó, trong 2 năm 2011, 2012, xã đã được hỗ trợ 5 máy cày, máy tuốt lúa từ Chương trình 135 và 30a. Sau khi tiếp nhận máy cày về, người dân tại các bản đã phân chia các nhóm hộ quản lý, sử dụng, đồng thời trong mỗi nhóm đảm nhận việc làm đất cho người dân.

Phó Chủ tịch UBND xã Tiền Phong, ông Nguyễn Đình Kiệm cho biết: Từ khi đẩy mạnh việc áp dụng cơ giới hóa trong công đoạn làm đất, người dân trong xã đã luân canh tăng vụ, mạnh dạn đưa cây con mới vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, năng suất lúa tăng rõ rệt và đời sống của người dân ngày càng được nâng cao hơn.

Tại xã Quế Sơn, quá trình áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp cũng được người dân tích cực hưởng ứng. Hiện toàn xã có khoảng 12 chiếc máy cày, máy tuốt lúa, tập trung chủ yếu tại 3 bản Ná Công, Ná Cà, Ná Tọc. Trong đó, có 2 chiếc được Chương trình 135 hỗ trợ. Anh Trần Điệp Trùng Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Quế Sơn, cho biết: Khi xã triển khai chương trình chính sách hỗ trợ mua máy cày theo Quyết định 09 của UBND tỉnh xuống các bản, được người dân rất hào hứng ủng hộ. Vì thế, nhiều người đã sẵn sàng đi vay tiền ngân hàng để mua máy về sử dụng. Nhờ đó mà tiến độ gieo cấy ngày càng được rút ngắn hơn và năng suất được nâng cao hơn. Tuy nhiên, do địa hình ruộng lúa của người dân là ruộng bậc thang, cộng với một số diện tích khó khăn về nguồn nước, nên khó khăn cho việc dùng máy cày.

Đời sống của gia đình ông Lương Văn Vơn tại bản Ná Công, xã Quế Sơn kể từ ngày đưa máy cày vào việc làm đất đã tăng lên rõ rệt. Trong thời gian dùng sức trâu để cày bừa, năng suất lúa của gia đình ông chỉ từ 40-45 tạ/ha; sau khi áp dụng máy cày vào việc làm đất, năng suất lúa của gia đình ông tăng lên đến 50 tạ/ha. Ông Vơn chia sẻ: “Dù phải vay ngân hàng 29 triệu đồng nhưng gia đình tôi vẫn thấy rất vui vì hiệu quả mà máy cày mang lại rất lớn. Hiện gia đình có 0,5 ha lúa, 3 sào đất trồng lạc, nhưng chỉ có 2 lao động. Vì thế, chúng tôi đã dùng máy để làm đất trên diện tích trồng lạc. Thời gian được rút ngắn xuống còn 30%, chúng tôi có điều kiện để chăm sóc con cái và tăng gia sản xuất”.

Đánh giá về hiệu quả áp dụng việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất tại các xã trên địa bàn huyện, chị Bùi Thị Hoa, cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện cho biết, đây là một chương trình hiệu quả nhằm thay đổi tập quán canh tác, sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số và qua đó giúp đời sống của người dân được tăng lên; là nền móng quan trọng để các địa phương triển khai và thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới.

Phạm Bằng

Tin mới