Quế Sơn: Được mùa mía

(Baonghean) - Nhờ đưa giống mía mới vào sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác nên ở xã Quế Sơn (Quế Phong) năng suất mía đạt trên 82 tấn/ha.

Về Quế Sơn - Quế Phong vào thời điểm cuối vụ thu hoạch mía, trên gương mặt nông dân ánh lên  niềm vui được mùa. Anh Thái Hữu Linh ở xóm Hải Lâm II cho biết: “Gia đình làm 1 ha mía, năng suất năm nay cao vượt trội, dự tính đạt trên 90 tấn mía/ha. Giá mía bình quân đạt 850.000 đồng/tấn so với mọi năm là không cao, nhưng nhờ năng suất cao nên tính ra người trồng mía vẫn có lãi”. Theo anh Linh mía vụ này đạt năng suất cao là nhờ gia đình đã đưa vào sử dụng các loại giống mía mới như giống Rốc 27, giống siêu ngọt… Riêng giống siêu ngọt có ưu điểm không có sâu đục thân, ít rầy nâu, cây cao nhưng cứng cáp. Giống Rốc 27 có tỷ lệ trổ cờ không đáng kể nên duy trì được hàm lượng đường trong mía. “Chúng tôi chú trọng cải tạo đất theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông. Quế Sơn chủ yếu là đất đồi vệ pha cát nhưng ít giữ nước, đất bị chai do tập quán đốt lá mía sau thu hoạch. Vì vậy phải cải tạo theo các biện pháp dùng máy cày sâu để hạn chế xói mòn, rửa trôi chất dinh dưỡng của đất, bón phân hữu cơ vi sinh, bón phân chuồng, bón vôi để giảm độ chua trong đất. Tổng mức đầu tư từ tiền cày, tiền phân bón… là trên 25 triệu đồng/ha”, anh Linh cho biết thêm. 
Thu hoạch mía ở Quế Sơn - Quế Phong
Thu hoạch mía ở Quế Sơn - Quế Phong
Vụ này, gia đình anh Nguyễn Viết Thắng trồng 1,5 ha mía, năng suất đạt gần 95 tấn/ha, cao nhất từ trước tới nay. Ngoài hướng dẫn của cán bộ về quy trình trồng và chăm sóc mía thì theo kinh nghiệm của anh Thắng, giai đoạn mía sinh trưởng được 2 tháng thì tập trung bón lót, làm cỏ, phòng trừ dịch bệnh và đặc biệt phải xới xáo đất để tạo sự thông thoáng. Anh Thắng phấn khởi cho biết: “Thuận lợi là được nhà máy đường cho vay vốn ưu đãi 7 triệu đồng/ha/năm, chúng tôi có thêm kinh phí để thuê máy cày đất và mua phân bón chăm sóc mía. Ngoài tiền vay của nhà máy thì gia đình tôi còn đầu tư thêm 15 triệu đồng để mua phân tổng hợp NPK chăm sóc mía đúng với quy trình kỹ thuật” . Ông Quyết Thắng – Trưởng xóm Hải Lâm II nói: Xóm có 89 hộ có gần 50 ha mía, năng suất bình quân đạt 87 tấn/ha, cơ bản 100% bà con đều sử dụng các loại giống mới cho năng suất cao. Nhờ đó, nhiều hộ dân có cơ hội vươn lên thoát nghèo.
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng - Chủ tịch UBND xã Quế Sơn thì toàn xã hiện có trên 240 ha mía, mấy năm nay cây mía là cây chủ lực xóa đói giảm nghèo vì thế rất được bà con chú trọng đầu tư thâm canh để tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích. Vụ mía 2013 - 2014, bình quân toàn xã đạt năng suất bình quân 82 tấn mía/ha, cá biệt có nhiều hộ gia đình đạt từ 90 - 100 tấn mía/ha. Bước vào vụ trồng mới xã chỉ đạo bà con tiến hành vệ sinh ruộng mía, diệt trừ cỏ dại, mầm mống sâu bệnh; bón phân theo đúng quy trình: bón lót 8 -10 tấn/ha (phân nền hữu cơ), 250 kg phân lân/ha, bón thúc 2 đợt đạm urê khoảng 200 kg/ha. Tuy nhiên khó khăn đặt ra hiện nay là thủy lợi để tưới tiêu cho cây mía ở Quế Sơn vẫn chưa có, trong khi theo quy trình mỗi vụ mía cần phải tưới từ 12-15 đợt. Vào mùa nắng nóng nhiều diện tích vẫn bị khô hạn, chỉ một số ít ở gần khe suối được bà con đầu tư bơm điện, bơm dầu tưới mía. 
Ông Hoàng Đức Nghĩa - Trưởng Trạm Khuyến nông Quế Phong cho hay: Để cây mía trên đất Quế Sơn phát triển hơn nữa thì cần phải tiếp tục ứng dụng các giải pháp kỹ thuật canh tác, tăng cường bón vôi và phân lân để cải thiện và nâng cao độ PH, sử dụng phân hữu cơ vi sinh để góp phần cải tạo độ thông thoáng của đất, đảm bảo nhu cầu oxy để bộ rễ mía phát triển, ăn sâu; đồng thời góp phần giữ ẩm và cải tạo độ phì cho đất… Khuyến khích đưa cơ giới vào khâu làm đất để hạn chế mía đổ ngã, đảm bảo độ ẩm đất cho cây mía và góp phần tạo độ tơi xốp lớp đất mặt dày 20-30 cm. Bà con nên sử dụng các giống mía mới có năng suất cao đưa vào sản xuất và chủ động ruộng sản xuất giống để phục vụ cho kế hoạch trồng mới. 
Bài, ảnh: Văn Trường

Tin mới