Quỳnh Lưu: Tập trung phát triển vùng dân tộc thiểu số

(Baonghean) - Đồng bào dân tộc thiểu số huyện Quỳnh Lưu có 458 hộ, 1.940 nhân khẩu sinh sống ở 5 bản của 2 xã Tân Thắng và Quỳnh Thắng, chiếm hơn 0,5% dân số của toàn huyện.

Với chủ trương rút ngắn khoảng cách về phát triển kinh tế các vùng miền, BCH Huyện ủy đã triển khai Đề án số 15 về xóa đói giảm nghèo cho các gia đình chính sách và đồng bào dân tộc thiểu số; Chương trình 04 về tiếp tục củng cố, xây dựng hệ thống chính trị vùng đặc thù. Hiện nay, đời sống về vật chất lẫn tinh thần của nhân dân vùng đặc thù này từng bước được nâng lên.

Thực tế trước đây, đồng bào vùng dân tộc không quan tâm nhiều đến việc quản lý và sử dụng đất, nhiều diện tích đất rừng, đất nông nghiệp của nhân dân không phát huy hiệu quả. Nhưng gần đây, nhân dân tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Nhân dân chú trọng canh tác các loại cây, con chủ lực như lúa, ngô, sắn, mía, chăn nuôi trâu bò, phát triển đàn lợn, dê... người dân được giao đất khoanh nuôi, bảo vệ 1.420 ha rừng tự nhiên và 54,2 ha rừng trồng mới theo chương trình hỗ trợ các dự án vừa và nhỏ bảo vệ rừng nhiệt đới (UNDP).

Một số công trình phục vụ cho sản xuất của bà con vùng dân tộc đã được huyện quan tâm đầu tư xây dựng như: Trạm bơm điện Tân Thành trị giá 500 triệu đồng, hệ thống kênh mương xóm Nam Việt trị giá 500 triệu đồng; xây tường bao và sân cho trường tiểu học và trường mầm non trị giá 1,3 tỷ đồng, phòng học tại vùng lẻ ở bản Tân Thành trị giá 20 triệu đồng, đập Trung Tiến phục vụ sản xuất, phòng chống sạt lở, xói mòn do mưa lũ và cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân.

Các tuyến đường liên thôn và các trục đường chính của bản đã đầu tư nâng cấp thành đường cấp phối, đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa cho nhân dân. Nhờ đó, đời sống bà con vùng dân tộc đã có nhiều thay đổi: có 130 hộ có giếng xây, 5 hộ có giếng khoan, 100% hộ ở 5 bản đã được sử dụng điện lưới quốc gia, 68% hộ có xe máy và ti vi, 69% hộ có điện thoại, giá trị gia tăng bình quân đầu người đạt hơn 5 triệu đồng, đã xóa xong nhà tranh tre dột nát ở các bản, hỗ trợ vay vốn ưu đãi không lãi suất 136 triệu đồng cho 17 hộ ở 4 bản Tân Thắng.


Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được đồng bào tích cực hưởng ứng. Tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa 53,8%, có 5/5 bản có nhà văn hóa, trang thiết bị tương đối đầy đủ. Các tập tục lạc hậu như bói toán, mê tín dị đoan được xóa bỏ; khi ốm đau đồng bào đã chủ động đến trạm y tế xã để được khám chữa bệnh. Các hoạt động cưới hỏi, hiếu hỷ thực hiện theo nếp sống văn hoá mới. Việc di cư tự do, đốt rừng và chặt phá rừng không còn.


Phong trào thi đua làm nhiều việc tốt của già làng, người có uy tín giúp nhau xoá đói giảm nghèo có hiệu quả hơn. Vào dịp đầu xuân, 5/5 bản đều tổ chức đăng ký thi đua làm nhiều việc tốt, có 62 già làng, người uy tín, các chi đoàn chi hội đăng ký giúp đỡ 120 người hơn 100 nội dung, trên một số lĩnh vực như: giúp giống cây, con sản xuất, chăn nuôi; giúp đỡ sửa nhà; vận động KHHGĐ; giúp nhau hòa giải mâu thuẫn; giúp nhau ngày công; vận động các cháu bỏ học đến trường. Việc học tập của con em ngày càng được quan tâm, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường đạt 100%; số học sinh các cấp học năm sau cao hơn năm trước, THPT 14 em; Đại học 7 em; Cao đẳng, THCN 4 em.


Đi đôi với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất, công tác an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào dân tộc, miền núi được duy trì ổn định; vấn đề đào tạo, sử dụng đội ngũ cán bộ người dân tộc được chú trọng. Hiện nay, đảng viên vùng dân tộc có 37 đồng chí, 31 đảng viên sinh hoạt ở 4 chi bộ xã Tân Thắng, 5 đảng viên sinh hoạt ở Chi bộ xã Quỳnh Thắng và 1 đảng viên sinh hoạt ở Chi bộ Tổng đội Thanh niên xung phong. Có đảng viên dân tộc là đại biểu HĐND huyện, xã, BCH Đảng bộ xã và tham gia các vị trí chủ chốt của xã như Chủ tịch MTTQ xã, PCT UBND xã.


Để tiếp tục tập trung nguồn lực, đầu tư cho phát triển kinh tế vùng dân tộc thiểu số, những năm tới huyện Quỳnh Lưu tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án 15 và Chương trình 04, thực hiện các chính sách trợ giúp nhiều hơn về nguồn lực để phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc; tạo điều kiện về sản xuất, sinh hoạt, từng bước cải thiện đời sống vật chất tinh thần, xoá dần các phong tục, tập quán lạc hậu; thực hiện tốt chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển trong đồng bào vùng dân tộc.

Trường Sơn

Tin mới