Sắc thu đầu nguồn sông Giăng

(Baonghean) - Thượng lưu sông Giăng chảy qua địa bàn 3 huyện Con Cuông, Anh Sơn, Thanh Chương vốn nổi tiếng với đặc sản cá mát. Thượng nguồn dòng sông những ngày thu cảnh sắc vừa kỳ vĩ, vừa mang vẻ đẹp dịu dàng.

Xuất phát từ dãy núi Pù Mát sát với nước Lào, sau một hành trình lắt léo, qua nhiều đồi núi, trải dài trăm cây số, sông Giăng hợp lưu với sông Cả tại huyện Thanh Chương. Đó là những điều trên sách vở, tôi biết về con sông này. Những câu chuyện về sự hung dữ của nó thì nhiều vô kể. Từ bé tôi từng nghe mấy người thợ đi tìm song mây nói lại, những năm 80 của thế kỷ XX từng có không ít người bỏ mạng vì đuối nước, sốt rét rừng trong cuộc mưu sinh trên dòng nước dữ sông Giăng. 
Nơi đầu nguồn sông Giăng
Nơi đầu nguồn sông Giăng.
Cũng phải nói thêm rằng khúc sông nổi tiếng nhất vẫn là quãng từ đập thủy lợi tên gọi Phà Lài, một điểm du lịch ở Con Cuông. Hè về nơi đây khá hút khách. Người ta đến chủ yếu để tắm mát, thưởng thức món cá nướng. Cạnh đập nước có ngọn núi đá, cây cối xanh tươi soi bóng xuống mặt hồ. Xa xa có vài chiếc chòi canh cạnh những nương ngô. 
Những thửa ruộng bên bản Cò Phạt (thượng nguồn sông Giăng) - Con Cuông.
Những thửa ruộng bên bản Cò Phạt (thượng nguồn sông Giăng) - Con Cuông.

Từ đây ngược theo dòng sông, sau 2 giờ đồng hồ ngồi xuồng máy đi xuyên qua không gian xanh ngát của rừng và nước là đến bản Cò Phạt, đi thêm gần một giờ đồng hồ nữa là bản Khe Búng. Đây là 2 quần cư của người Đan Lai  - tộc người ít ỏi nhất ở Việt Nam, cũng là những bản xa nhất của huyện Con Cuông.   

Nhưng bây gời mọi người có thể đi theo đường bộ dọc sông Giăng. Mùa này vắng bóng thuyền, mặt sông phẳng lặng không một gợn sóng. Trên bến sông, một vài chiếc thuyền gác mũi thảnh thơi, nhàn nhã. Từ ngày đường bộ thành hình, sông Giăng phần nào đó đã được trả về với cuộc sống tĩnh lặng vốn có. Con đường bộ đã làm thay đổi cuộc sống của dòng sông. Trong một thời gian dài, nó như bà mẹ cõng trên lưng không biết bao nhiêu lượt những trẻ nhỏ từ bản Cò Phạt, Khe Búng ra trung tâm xã học chữ. Con đường bộ hoàn thiện, sông Giăng đã hết nhọc nhằn, sẽ trở về dáng vẻ của một sơn nữ kiều diễm. Một cuộc hồi sinh tuyệt vời, chí ít đó là niềm mong của những người yêu mến con sông này. 
l Một người đàn ông câu cá trên dòng sông Giăng
Một người đàn ông câu cá trên dòng sông Giăng.

Sau hơn tiếng rưỡi đồng hồ đi trên con đường đang mở, chúng tôi đến quần cư đầu tiên của người Đan Lai. Bản Cò Phạt nằm cạnh sông Giăng. Cuộc sống của hơn 400 con người trong bản gắn bó bên sông. Bên mé sông vào buồi chiều tà, những tốp phụ nữ trong bản đi xuôi dòng nước gùi củi về nhà. Một vài đàn ông tranh thủ xuống thả câu để kiếm bữa tối. 

Ông La Văn Linh, Bí thư chi bộ bản Cò Phạt cho biết bộ đội biên phòng là người hướng dẫn cộng đồng Đan Lai trồng lúa nước từ năm 2010. Dẫu vậy, lương thực chủ yếu vẫn nhờ trợ cấp của Nhà nước và một phần hái lượm lâm sản. Bí thư chi bộ bản Cò Phạt còn nói rằng tập quán của người Đan Lai hiện giờ căn bản giống với người Thái. Chỉ có tục cưới vẫn giữ lại một nét riêng, đó là khi đưa dâu nhà gái không được về theo đoàn của nhà trai. Họ phải đi sau và ở lại ngoài rừng cho đến khi nhà trai ra mời vào dự tiệc.
Về tục ngủ ngồi từng được coi như một “đặc sản” của tộc người Đan Lai, ông Linh nói rằng đó đã là ký ức xa lắc. Còn chị La Thị Xài, Bí thư Chi đoàn bản Cò Phạt chia sẻ: hồi còn nhỏ xíu thi thoảng có thấy ông ngoại ngủ ngồi bên bếp lửa, nhưng cụ ông cũng đã mất từ trước năm 2000.
Hà Phượng - Lan Thái 

Tin mới