Tái định cư Thủy điện Hủa Na: Ngổn ngang trăm mối!

(Baonghean) - Hiện nay, nhiều khó khăn, tồn tại ở 13 điểm tái định cư Thủy điện Hủa Na (Quế Phong) vẫn chưa có hướng giải quyết. Trong đó, 4 bản tái định cư Pù Khoóng, Nậm Hinh, Piềng Văn, Pù Duộc (xã Đồng Văn) được coi là khó khăn nhất: Thiếu hoặc chưa có đất sản xuất; thiếu nước sinh hoạt; sạt lở đất đe dọa an toàn các công trình hạ tầng…     

Đường vào Đồng Văn bây giờ đã rất thuận lợi, không gian nan như cái hồi dự án Thủy điện Hủa Na còn sơ khai nữa. Nhà cửa ở các khu tái định cư thủy điện đều khang trang, nhiều nhà sắm ti vi, tủ lạnh, nội thất đắt tiền khác… Nhưng tất cả đều đang loay hoay sản xuất tự cung tự cấp, hiệu quả thấp nên bà con rất lo đến ngày hết tiêu chuẩn dự án hỗ trợ 30 kg gạo/tháng/nhân khẩu trong 4 năm đầu (có nơi đã nhận được 2 năm) không biết rồi sẽ ra sao? Thêm việc một số khu đất ở, cứ mưa to là sạt lở, có nơi sạt hẫng cả chân móng như ở bản Pù Khoóng (thuộc điểm tái định cư Khủn Na 2). Trưởng bản Lang Văn Thoại chỉ cho chúng tôi mấy chỗ lún sụt ở móng trường học mầm non và nhà cộng đồng: “Mái núi nó ngậm nước mưa trong bụng, khi thấy nặng rồi nó “ục” một cái là phăng cả hàng trăm khối đất như chơi; mà nhà thì xây me mé khớp đất đã bắt đầu sạt lở thế kia!” – Thế đành chịu à? “Hôm qua huyện và nhà đầu tư cũng về khảo sát rồi, nhưng chưa nói sẽ xử lý thế nào” – Trưởng bản Thoại cho hay.
Đất sạt lở gây đổ sập một công trình phụ ở bản TĐC Pù Khoóng, xã Đồng Văn.
Đất sạt lở gây đổ sập một công trình phụ ở bản TĐC Pù Khoóng, xã Đồng Văn.
Bản Pù Khoóng có 34 hộ 139 nhân khẩu, đã được giao tạm thời 46 ha đất sản xuất nhưng chỉ trồng được 6 ha lúa rẫy, hơn 20 ha sắn, còn khoảng 15 ha chưa phát cây dại. Lúa rẫy mới làm một mùa năm trước, gặp mưa bão năng suất chỉ đạt 6 tạ/ha, năm nay hy vọng thuận lợi thì sẽ đạt trên 1 tấn/ha… Pù Khoóng chia ra 2 khu, một bên là nhà xây cấp 4, một bên nhà sàn xây hoặc dân tự làm. Nhưng dù nhà nào thì vườn cũng không đủ rộng để xây chuồng chăn nuôi. Trưởng bản Thoại chỉ xuống bể chứa nước mưa ngay trước nhà, nói: “Cái vuông bê tông này định làm chuồng nuôi con gà, con lợn nhưng phải bỏ cái tập quán nuôi nhốt dưới sàn nên tôi chuyển làm bể nước dự trữ cho nhà và cả khóm hộ này”. Nước sạch hiện đang khó khăn ở bản, nắng to mấy bữa là phải xuống khe cõng nước về, đường ống chính bắt từ đầu nguồn Nậm Hinh thì mãi chưa xong, đường phụ nước về yếu nên trưởng bản Thoại phải giữ chìa khóa bể chứa, trữ đầy nước đủ áp suất mới tháo cho chảy sang khu nhà cấp 4 bên kia được. Bản Pù Duộc thì “khát” hơn nữa, dân đào giếng dưới lũng để múc cõng về, nhưng cứ sạt lở là nước đục ngầu. 
Trên đường vào bản tái định cư Piềng Văn, ông Hà Văn Chiến, Phó Chủ tịch xã Đồng Văn, kể rằng: Hủa Na tiếng Thái dịch ra tiếng Việt là “đầu ruộng”. Công trình Thủy điện Hủa Na đặt theo tên lũng Hủa Na ven sông Chu của xã Đồng Văn quần cư các bản Thái sớm biết làm lúa nước, đời sống ổn hơn các vùng khác. Di dời khỏi nơi chôn rau cắt rốn, đó là một hy sinh lớn của đồng bào. Theo cam kết của dự án thì về nơi ở mới sẽ có 200m2 lúa nước/nhân khẩu, nhưng đến nay chưa bản nào có. Mà không làm lúa nước thì khi hết gạo dự án cấp, nhiều nhà đói chắc. Trước tình hình ấy, chủ đầu tư đã đề xuất huyện rà soát những diện tích ruộng đất đã thu hồi trước đây theo quy hoạch của dự án để phục hóa lại giao cho bà con canh tác (chấp nhận sự manh mún, không tập trung theo vùng được như dự án đề ra do thiếu nước)… Việc phục hóa sẽ giao dân tự làm để bà con được hưởng kinh phí hỗ trợ theo cơ chế của tỉnh. Đối với những diện tích khó phục hóa sẽ chuyển sang cơ cấu đất màu và cấp 400 m2/nhân khẩu thay cho việc cấp 200 m2/nhân khẩu đối với ruộng lúa nước.
Piềng Văn ở thấp hơn so với các bản Pù Duộc, Nậm Hinh và Pù Khoóng nên có vẻ quang đãng, quy củ hơn. Bản gần đập phụ hồ thủy điện, nước dâng cá chình, cá mát đặc sản sông Chu đi đâu mất nhưng chép, trắm, rô phi thì kéo đàn về nên Piềng Văn “đẻ” ra cái nghề đánh cá hồ, dù biết là Nhà nước chưa cho phép. Nhà nào cũng sắm vuông chài và vài ba tay lưới… Trưởng bản Piềng Văn – ông Lô Đình Thi giãi bày rằng Piềng Văn là bản duy nhất trong 4 bản tái định cư thủy điện ở Đồng Văn chưa được giao đất sản xuất, do có 6 hộ dân bản gốc Ná Chảo đâm đơn khiếu nại không đồng ý giá đền bù thu hồi đất lâm nghiệp đã được giao của họ để tiến hành thủ tục chuyển đổi bàn giao cho bản tái định cư (kiến nghị tăng từ 5.000 đồng/m2 lên 28.000 đồng/m2).
Sự việc này, Thanh tra tỉnh đã kiểm tra, xác minh và có Văn bản (số 231/TTR-P1 ngày 10/4/2013) trình UBND tỉnh kiến nghị giải quyết đền bù cho các hộ trên theo mức 28.000 đồng/m2 là phù hợp quy định áp giá đền bù đất lâm nghiệp (nghĩa là đúng pháp luật), vừa đảm bảo tính công bằng, bình đẳng cho công dân. UBND huyện Quế Phong cũng đã chỉ đạo lập, bổ sung phương án bồi thường cho các hộ dân nói trên, nhưng cho đến nay phía chủ đầu tư là Công ty CP Thủy điện Hủa Na chưa đồng ý phương án trên… Đất chưa thu hồi được từ dân “thổ cư” Ná Chảo thì chưa thể giao cho dân tái định cư Piềng Văn, nên dân bản Piềng Văn chỉ biết vào rừng chặt lùng, hái măng, quả mây làm nghề sinh kế. Khai thác tận dụng mãi, lùng măng mây ấy rồi lùi xa dần vào rừng sâu; nguy cơ đến ngày 146 nhân khẩu Piêng Văn bó gối chấp nhận thiếu đói!…
Văn bản kết luận mới đây nhất (ngày 4/8/2014) của huyện Quế Phong về tình hình đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng thực hiện tái định cư Công trình Thủy điện Hủa Na, nêu lên nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó: “…còn 21 quyết định đã được UBND huyện phê duyệt kinh phí bồi thường hỗ trợ với tổng số tiền 18,4 tỷ đồng, chủ đầu tư chưa có kinh phí để chi trả cho dân và các tổ chức (kinh phí nợ dân là 4,5 tỷ đồng)… Một số hạng mục công trình đường giao thông, nước sinh hoạt và sản xuất, kè chống sạt lở đang thi công dở dang do chủ đầu tư chưa phê duyệt hồ sơ thiết kế điều chỉnh… Chủ đầu tư chưa hoàn thành thủ tục chuyển đổi mục đích chuyển đổi đất từ lâm nghiệp sang đất sản xuất tại 5 điểm tái định cư còn lại…; chưa phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật thi công và dự toán hạng mục khai hoang nên chưa có ruộng nước để giao cho dân…”… Được biết, tháng 7 vừa qua, UBND tỉnh họp và đã có kết luận 5 giải pháp cần làm ngay để sớm ổn định đời sống người dân vùng tái định cư. Nhưng tình hình chưa chuyển biến. Một phần, do phía chủ đầu tư (Công ty CP Thủy điện Hủa Na), sau khi đóng điện đã rút ngay văn phòng đại diện khỏi địa bàn nên khó có sự kịp thời, phối hợp chặt chẽ giải quyết các khó khăn, vướng mắc;… 
Bài, ảnh: Đình Sâm

Tin mới