Tương Dương tích cực sản xuất vụ đông

(Baonghean) - Vụ đông năm nay, huyện Tương Dương tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, với quyết tâm chủ động nguồn rau xanh, rau sạch tại chỗ. Hiện nay bà con đang tích cực làm đất, rào kín vườn, chuẩn bị gieo hạt giống.

Đặc thù của huyện Tương Dương là có khá nhiều diện tích đất màu pha cát, rất thuận lợi cho việc sản xuất rau màu các loại. Tuy nhiên, do đất đai phân bố manh mún, nên không tạo được những cánh đồng rộng lớn, chủ yếu là tận dụng đất vườn nhà và một số bãi đất màu của các bản. Vì thế, vụ đông này Tương Dương cơ cấu trên diện tích 150 ha, nhưng rải rác hầu như xã nào cũng có. Trong đó, nhiều nhất là Tam Quang 15 ha, Thạch Giám 15 ha, Tam Đình 12 ha, Tam Thái 12 ha… có những xã chỉ có 3 – 5 ha. Ông Lô Khăm Kha – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết, mặc dù không sản xuất số lượng lớn nhưng “thương hiệu” rau an toàn lại hút được lượng khách mua dưới xuôi khá nhiều. Ví như ở một số bản của xã Thạch Giám, Tam Đình, Tam Thái… cứ đến mùa thu hoạch rau vụ đông là bà con mang ra đường bán cho khách qua lại. Từng bó rau được hái trong vườn nhà, dù không bắt mắt, nhưng lại được khách hàng ưa chuộng. Việc trồng rau sạch đã trở thành thói quen của bà con từ trước đến nay, với một số rau, củ, quả chủ lực: rau cải, dưa chuột, cà các loại… Tuy bà con có áp dụng KHKT vào trồng cây vụ đông, nhưng hầu như không sử dụng thuốc BVTV, nên chất lượng rau đảm bảo.
Người dân làng Mỏ Than, xã Tam Quang (Tương Dương) làm đất trồng cây vụ đông.  Ảnh: Hồ Phương
Người dân làng Mỏ Than, xã Tam Quang (Tương Dương) làm đất trồng cây vụ đông. Ảnh: Hồ Phương
Xã Thạch Giám là địa phương có nhiều mô hình rau sạch, tập trung nhiều mặt hàng rau “đặc sản” của Tương Dương được trồng trong vụ đông như: cà ngọt, cà chua, rau cải, dưa chuột… Thời điểm này, bà con các bản: bản Lau, bản Cây Me, bản Chắn, bản Phòng đang chuẩn bị làm đất trên những mô hình tập trung và đất vườn nhà. Thạch Giám có 2 khu vực đất màu dùng để trồng rau theo mô hình tập trung tại bản Chắn và bản Phòng. Mỗi mô hình rộng 0,7 ha. Gia đình bà Lô Thị Luyến, bản Chắn, có khoảng 200 m2 đất vườn. Năm nào cũng vậy, gia đình bà chặt tre, nứa rào chắn cẩn thận, đất được cày xới, nhặt hết cỏ, vun thành từng luống cẩn thận. Mỗi luống trồng một thứ rau khác nhau, do có nguồn nước tưới dồi dào, bón phân đúng lúc, nên rau phát triển tốt, ngày nào cũng có rau bán. Ngoài ra, gia đình còn tận dụng một góc vườn trồng khoai lang, chăn nuôi lợn. Bà Luyến, bộc bạch: Miền núi có sẵn tre, nứa mình chịu khó rào chắn không cho trâu, bò, gà, lợn chui vào vườn là trồng được rau. Trong quá trình trồng rau cần tưới nước hàng ngày. Rau làm ra ngoài cung cấp bữa ăn cho gia đình, còn bán lấy tiền chi tiêu việc khác.
Tam Quang là địa phương có nhiều diện tích đất để trồng cây vụ đông nhất huyện. Thế nhưng vụ đông năm nay địa phương gặp một số khó khăn. Bà Kha Thị Hiền, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Quang, cho biết: Mới rồi địa phương thu hoạch hơn 3 ha dưa hấu, dưa lê vụ hè thu đạt năng suất cao, giá bán ổn định đã khích lệ phong trào trồng cây vụ đông sắp tới. Theo kế hoạch, vụ đông này địa phương được UBND huyện giao trồng trên dưới 20 ha cây vụ đông. Nhưng khó khăn ở chỗ, do thời gian qua nắng hạn kéo dài, khiến lúa vụ mùa cấy muộn, nay vẫn chưa thu hoạch, ảnh hưởng đến thời gian sản xuất cây ngô đông trên đất 2 vụ lúa. Tuy nhiên, Tam Quang sẽ tập trung trồng cây vụ đông trên đất màu ven sông và tận dụng đất vườn nhà. Đặc thù của đất ven sông có pha cát rất thuận lợi cho việc thâm canh rau màu, đặc biệt Tam Quang có một số xóm là người xuôi di cư lên, có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất rau, màu.
Hiện nay, địa phương đang tích cực tuyên truyền cho người dân chuẩn bị làm đất, ủ phân chuồng, trồng cây vụ đông, tăng thu nhập cho gia đình. Những cây trồng vụ đông chủ lực ở Tam Quang gồm dưa chuột, rau, củ, quả các loại, cải bắp. Ông Nguyễn Hữu Duệ, thôn Bãi Sở có mảnh vườn rộng khoảng 1,5 sào. Với lão nông có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, ông tiến hành đào ao trữ nước trong vườn nhà, vụ đông nào  cũng dành phần lớn đất vườn trồng rau, đậu làm hàng hóa, thu nhập đáng kể cho gia đình. Ông Duệ bộc bạch: Trồng rau vụ đông đòi hỏi con người phải siêng năng, chịu khó, đặc thù của khí hậu Tương Dương trong thời gian trồng cây vụ đông là mùa khô, cần phải chủ động nguồn nước tưới hàng ngày.
Với huyện miền núi cao, đất sản xuất ít, hàng ngày người dân sử dụng một lượng rau xanh khá lớn, do vậy, nông dân cần phải tận dụng đất đai để sản xuất cây vụ đông, chủ động rau xanh trong bữa ăn hàng ngày. Cuối tháng 9, UBND huyện Tương Dương đã tổ chức họp triển khai kế hoạch sản xuất rau vụ đông và gieo cấy lúa vụ đông xuân. Do vậy, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân sản xuất rau vụ đông trên những diện tích đất có thể.
Xuân Hoàng

Tin mới