Về Thái Học uống "chè đâm"

(Baonghean) - Gần đây, mỗi lần đi trên Quốc lộ 48C, đoạn qua xã Châu Thái, huyện Quỳ Hợp, bắt gặp biển chỉ đường: “Thái Học 5 km”, tôi lại thấy tò mò. Bởi với riêng tôi, cái tên này thường gợi về điện Thái Học ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), là một chốn quen của các sinh viên đại học Văn hoá ngày nào... Cũng bởi tò mò, tôi đã có chuyến lên với Thái Học vùng Mường Choọng nổi danh miền Tây Bắc Nghệ An... 
Trước kia đoạn đường này vốn chẳng có biển dẫn, nó chỉ mới xuất hiện từ khi có tuyến đường từ xã Châu Quang qua Châu Thái đến Châu Cường (Quỳ Hợp). Thế rồi một lần, anh cộng tác viên Báo Nghệ An người gốc Phủ Quỳ bảo với tôi rằng, nếu có thời gian nên vào thăm Thái Học, một nơi còn lưu giữ khá nhiều nếp xưa của cộng đồng người Thái và cũng là cái “gốc” của món đặc sản “chè đâm Quỳ Hợp”. Ô là cái thời đang quan ngại mất dần đi bản sắc đồng bào các dân tộc ít người, thì cái nơi như thế hẳn là tuyệt vời đây!
Cứ tin thế, tôi quyết định làm một chuyến vào Thái Học. Với lại đường đi chẳng xa xôi gì cho cam. Tuyến đường liên xã từ Châu Quang đi Châu Thái, Châu Cường đã hoàn thành được phân nửa rồi. Nó đã vươn đến bản Cố, bản Pom của vùng Thái Học. Một vị lãnh đạo xã Châu Thái gọi Thái Học là “vùng trong”, gồm không gian ôm lấy 10 xóm, bản, cư dân chủ yếu là người Thái nhóm Tày Thanh. 
Đi trên con đường mà dưới thung sâu cánh đồng lúa sắp chín rộ, trên triền cao đồi cọ và ngàn cây mướt xanh, khiến tôi có cảm giác như ngày lên thật nhẹ. Chỉ một vài hôm nữa thôi, bà con vùng Thái Học sẽ lại bước vào vụ gặt mùa mới, thóc lúa lại đầy bồ. Với đồng bào, đương nhiên thế là nhiều vui rồi! Lác đác, đã có những đám ruộng đầu tiên chín. Bà con đang xuống đồng gặt. Lúa được chất, tuốt ngay cạnh đường cái. Chiếc máy tuốt chạy dầu kêu xình xịch, bụi rơm rạ mang theo mùi lúa mới vương vất thoang thoảng trong gió sớm. 
Chẳng cứ gì phải là “làng văn hóa” như nơi khác, mà ở đây, trước lối vào chính của mỗi xóm đều có một cổng chào. Thế nên chẳng cần phải hỏi han gì tôi cũng đã biết mình vừa đi qua những xóm Đồng Minh, rồi Liên Minh... Những ngôi nhà bám trục đường chính có vẻ kiểu cách tân thời, nhưng chỉ cần rẽ ngang đi vào dãy nhà thứ 2, thứ 3 trong các xóm, bản là như lạc vào một không gian cổ xưa. Những nếp nhà sàn thấp, vững chãi lẩn khuất dưới các vườn cây lưu niên xanh um. Bờ rào nhà nào cũng có một hàng cau độ vài chục năm tuổi vươn cao khua động. Trước những ngôi nhà sàn, người ta dựng một kết cấu nhỏ gọi là “giàn mát”. Nó gợi cho tôi nhớ về chiếc lán giã gạo của mẹ ở bản quê bên mạn Con Cuông ngày nào. Hồi chưa điện khí hóa, trước nhà có chiếc lán giã gạo bằng cối tròn gọi là “xộc”, cối dài gọi là “loòng”. Bây giờ đã điện khí hóa, cái lán được dựng đẹp hơn, là nơi hóng mát vào mỗi trưa hè chăng?. 
Thu hái chè. Ảnh: Nguyên Khoa
Thu hái chè. Ảnh: Nguyên Khoa
Bước chân chưa kịp mỏi thì gặp một phụ nữ bản La, chị bảo: “Chú muốn chụp ảnh cây chè thì về đồi nhà chị. Chè nhiều, đẹp lắm!”. Người bản mà không nói cái thoát nghèo từ cây chè trước, mà khoe cái đẹp của vườn chè là mừng rồi. Nhưng tôi vẫn cứ rảo thêm, vì trước đó tôi đã nghe nói về bản Cố, bản Noong Ôn trồng nhiều chè nhất vùng Thái Học. 2 bản này cùng với bản Pom, nay là nguồn cung ứng chè cho hầu như toàn huyện Quỳ Hợp. 
Già bản Vi Đức Thịnh cũng là bí thư chi bộ bản Cố có một nương chè rộng chừng 1 héc - ta. Biết tôi đến, ông nhanh nhảu dẫn đi tham quan nương chè. Ở đó ông còn có một khu rừng keo, một đám ruộng nước cùng với ao nuôi cá, ngó “cái sinh thái” là biết làm ăn có quy mô, sinh lợi khả quan. Vậy mà ông vẫn khiêm tốn khước từ khi tôi muốn gọi đó là một khu trang trại...
Gọi là đi nương, nhưng xe máy có thể vào đến dưới chân đồi chè. Già bản Vi Đức Thịnh bảo từ khi ông biết đi, biết nhớ chuyện đã thấy người ta uống chè đâm. Đó cũng là thức uống phổ biến nhất của bà con dân bản. Bạn bè, chòm xóm đến chơi, người bản rót nước chè đâm mời nhau, khách phương xa đến cũng được thết đãi thứ đồ uống bình dị, độc đáo này. Cách chế biến thật đơn giản. Lá chè cho vào cối giã rồi lọc qua nước đun sôi để nguội bằng một tấm vải sạch, hoặc lưới nhựa để ngăn bã. Chỉ có vậy thôi là có nước chè đâm rồi. Bây giờ thì các quán nước ngoài Thị trấn Quỳ Hợp hay trung tâm một vài xã cũng đã có nước chè đâm. Thậm chí khi về Thành phố Vinh cũng thấy người ta treo biển bán. Nghe đâu người “bản Vinh” cũng nhập chè từ vùng Thái Học về. Có dịp xuống phố, ông Thịnh từng uống thử xem chè đâm của người miền xuôi làm ra sao, nhưng thấy chẳng hợp khẩu vị. Ở thành thị, người ta “giã” lá chè bằng chiếc máy xay rau, xay hoa quả, làm có nhanh và rảnh tay, nước chè có xanh hơn, nhưng không đậm vị, không thơm ngon bằng dùng cối giã. 
Như thế là gần xa đã biết đến vị chè Thái Học. Cái bụng người bản cũng vui. Thực tế thì cũng đã có những hộ thu vài ba chục triệu đồng mỗi năm nhờ bán chè. Tính ra thì chưa bằng thu nhập của người trồng chè nơi khác khi họ bán được cho những nhà máy, những công ty chế biến chè. Ấy nên xem ra chưa xứng tầm với một đặc sản. Đầu ra của chè Thái Học chủ yếu nhờ vào những chuyến đi chợ vào mỗi buổi sáng của phụ nữ trong các bản. Giá cả thì bữa lên, bữa xuống. Họa hoằn mới thấy con buôn ở xa đánh xe về thu mua. Những dịp như vậy không nhiều, nhưng nhờ thế mà bà con cũng tiêu thụ một lúc được một lượng chè đáng kể. Nếu chăm đi chợ thì trồng chè cũng có thể cho thu nhập khá, mỗi cân chè bán tại chợ khi được giá cũng khoảng 10.000 đồng. Có lẽ vì vậy mà người dân nơi đây gắn bó bền lâu với cây trồng này, mặc dù chẳng có một sự hỗ trợ có tính định hướng nào để phát triển chè ở địa phương.
Đi một hơi hết nương chè lại đến rừng keo. Tôi dừng chân dưới tán cây nghỉ lấy sức sau một thôi vừa leo dốc, vừa nghe chuyện. Già bản Vi Đức Thịnh cho biết, rừng keo này rộng 7 ha và đã 5 năm tuổi. Chỉ khoảng 2 năm nữa là đến tuổi thu hoạch. Thăng trầm có đấy, nhưng giờ cây keo nguyên liệu vẫn là một cây trồng chủ lực của cả vùng Thái Học này. Với nhiều bản, cây chè, cây keo đã góp phần cho gần chục sinh viên theo học các trường cao đẳng, đại học dưới tỉnh, ngoài Thủ đô. Bây giờ đã có đường nhựa vào tận bản, việc vận chuyển keo có phần dễ dàng hơn. 
Chuyến “tham quan” của chúng tôi bị gián đoạn, bởi cú điện thoại của Chi hội trưởng Phụ nữ bản Cố gọi Bí thư Chi bộ Thịnh về dự họp chi hội. Vậy là tôi chưa kịp xem những đám ruộng sắp chín vàng và cái ao cá của “lão nông”. Về đến bản, thấy ở nhà một hộ dân trong bản đã chật ních những hội viên của Chi hội Phụ nữ bản Cố. Té ra bản vẫn chưa có nhà cộng đồng. Không chỉ xóm bản Cố mà nhiều xóm khác trong vùng Thái Học này chưa có nơi sinh hoạt công cộng mỗi khi dân bản có hội họp... 
Chế biến “chè đâm”. Ảnh: Thu Hương
Chế biến “chè đâm”. Ảnh: Thu Hương
 
Đã cuối ngày, tôi tranh thủ ghé thăm bản Noong Ôn. Ở đây bà con cũng trồng khá nhiều chè địa phương. Rót mời tôi một cốc nước chè đâm, Trưởng bản Hà Văn Chung chia sẻ những khó khăn của dân bản rằng, cuộc sống của bà con nơi đây chủ yếu vẫn phụ thuộc vào tài nguyên rừng. Cả bản có 54 hộ dân, thì đã có đến 26 hộ nghèo. Bình quân mỗi hộ dân có gần 1 ha đất rừng; theo phân tích của ông trưởng bản thì diện tích này là ít, nếu trồng keo chỉ được khoảng 1.400 gốc. Mặc dù đã có đường giao thông vào đến bản nhưng tình hình kinh tế vẫn chưa có chuyển biến. 
Trên đường trở về xuôi, cứ thấy băn khoăn một điều: Bình quân diện tích đất rừng được chia cho mỗi hộ ở bản Cố (gần 2 ha mỗi hộ) và bản Noong Ôn (1 ha mỗi hộ) là không ít, diện tích ruộng nước của mỗi hộ cũng đã gần 1.000m2, nhưng hướng làm ăn hiệu quả trên diện tích đất đai ấy xem ra còn thiếu. Tôi lại nghĩ về cây chè địa phương mà đồng bào nơi đây đã gắn bó từ bao đời, nếu được đảm bảo về đầu ra ổn định, thì biết đâu nó sẽ là một cây trồng thoát nghèo. Nhiều khi người ta vẫn tìm hướng đi ở một thứ xa lạ nào đó, trong khi chìa khóa thành công có thể lại ở những điều thật dung dị, quen thuộc. Nó như là thứ nước chè đâm của vùng Thái Học, không chỉ hấp dẫn bởi hương vị độc đáo, mà còn có sức quyến rũ của thứ cây đặc sản từ vùng đất mang tên gọi xa xăm những liên tưởng thú vị.

Bút ký: Hữu Vi

Tin mới