Xây dựng sân chơi "tuyển chọn trâu khỏe, trâu đẹp" ở xã Cẩm Sơn (Anh Sơn): Góp phần phát triển kinh tế ở địa phương

(Baonghean) - Những năm gần đây, xã Cẩm Sơn (Anh Sơn) vươn lên tốp đầu của huyện trong phong trào xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế, nhất là chăn nuôi trâu bò theo hướng hàng hóa. Trên cơ sở thực tế này, Đảng ủy, chính quyền xã không ngừng trăn trở với ý tưởng xây dựng chợ trâu bò gắn liền với sân chơi "Tuyển chọn trâu khỏe, trâu đẹp phục vụ cho nhà nông" nhằm góp phần phát triển kinh tế trên địa bàn và khu vực miền núi phía Tây Nam của tỉnh.

Địa hình xã Cẩm Sơn nằm dọc theo tuyến Quốc lộ 7A vùng phía Tây huyện Anh Sơn, có diện tích tự nhiên gần 3.000 ha, trong đó 477 ha đất nông nghiệp, gần 2.000 ha đất đồi rừng khá thuận lợi cho việc trồng cỏ phát triển chăn nuôi đại gia súc. 
Hội chọi trâu ở Cẩm Sơn. Ảnh: C.Kiên
Hội chọi trâu ở Cẩm Sơn. Ảnh: C.Kiên
Xác định đúng tiềm năng, thế mạnh tạo bước đột phá mới trong nông nghiệp, qua gần 5 năm xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy, chính quyền xã Cẩm Sơn đã chú trọng phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, đẩy mạnh phát triển hệ thống thương mại, dịch vụ nhanh và mạnh đạt tốp đầu huyện Anh Sơn, là xã đầu tiên của huyện cơ bản đạt 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới; tạo thuận lợi để Đảng ủy đề ra các Nghị quyết về tập trung chỉ đạo phát triển đưa ngành chăn nuôi trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Nhờ đó, tổng đàn trâu, bò toàn xã đạt trên 3 ngàn con, đàn lợn trên 7 ngàn con, đàn dê gần 2 ngàn con, gia cầm trên 92 ngàn con; tổng đàn trâu tăng 12% đàn, bò tăng 9%, vào tốp trên của huyện.
Toàn xã đã hình thành 18 mô hình trang trại, gia trại vừa và nhỏ chăn nuôi tổng hợp, 21 điểm kinh doanh, buôn bán trâu bò hàng hóa với các huyện Con Cuông, Tương Dương, Tân Kỳ và nội huyện; quy mô kinh doanh đạt 20 - 50 con/mô hình cho thu nhập 80 - 250 triệu đồng/mô hình/năm. Không ít các hộ nông dân quan tâm lựa chọn trâu để nuôi trâu khỏe, trâu đẹp và tổ chức tuyển chọn trâu khỏe, trâu đẹp phục vụ nhà nông trên địa bàn. Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Sơn, cho biết: Giá trị mỗi con trâu xuất bán trước đây chỉ từ 30 - 40 triệu đồng, nếu bán với giá trâu khỏe, trâu đẹp giá tăng lên 70 - 80 triệu đồng. Ngoài ra, thịt trâu thương phẩm hiện đang được thị trường ưa chuộng với giá tăng gấp 3, gấp 4 lần so với thịt các loại động vật khác.
Trước yêu cầu thực tế như vậy, làm thế nào để vừa đảm bảo công tác chăn nuôi, xây dựng thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu sản phẩm chăn nuôi hàng hóa của địa phương đến tất cả các vùng miền khu vực và trong nước, trở thành một vấn đề được quan tâm hàng đầu. Đầu năm 2013, Đảng ủy, chính quyền và nhân dân xã Cẩm Sơn đã tiến hành lập chợ kinh doanh - buôn bán trâu bò tại khu vực thôn Tân Lâm với quy mô gần 1 ha. Chợ đi vào hoạt động 3 phiên/tháng đã quần hội hàng trăm con trâu, bò với hàng trăm hộ dân tham gia buôn bán, kinh doanh. Sau mỗi phiên họp chợ tạo điều kiện cho người dân giao lưu, trao đổi trong hoạt động kinh doanh. Điển hình như dịp lễ 30/4 vừa qua, xã tổ chức tuyển chọn trâu khỏe, trâu đẹp với 16 cặp trâu của 32 chủ trâu trên địa bàn nội huyện và các huyện Tân Kỳ, Con Cuông, Đô Lương và 1 chủ trâu ở tỉnh Đắc Nông. Đợt tuyển chọn đã thu hút trên khoảng 2 vạn du khách thập phương trong cả nước về thưởng ngoạn. Điều này cho thấy nhu cầu thị trường chăn nuôi đại gia súc và nhu cầu vui chơi giải trí tinh thần tại khu vực miền núi phía Tây tỉnh nhà hiện nay là rất lớn.
Theo đánh giá của ông Hoàng Bá Nhị, Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Sơn, thì mặc dù chợ và sân tuyển chọn trâu khỏe, trâu đẹp phục vụ nhà nông còn mang tính chất tự phát song hoạt động đã góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, đưa tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm trên 40% cơ cấu kinh tế toàn xã. Điển hình như thôn Hội Lâm hiện có 151 hộ dân, nhờ phát triển phong trào kinh doanh trâu bò hàng hóa, chăn nuôi trâu khỏe, trâu đẹp, kết hợp phát triển công nghiệp, vận tải, xây dựng, dịch vụ nên thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/người/năm, cao hơn mức bình quân chung của xã và toàn huyện Anh Sơn (27,5 triệu đồng/người /năm). Bên cạnh mở ra thị trường tiêu thụ cho ngành chăn nuôi đại gia súc, đẩy nhanh việc phát triển tổng đàn chăn nuôi, chợ buôn bán trâu bò góp phần thúc đẩy các hoạt động kinh doanh buôn bán, phát triển kinh tế - xã hội và tạo việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn trên địa bàn xã. 
Sân chọi trâu tại Cẩm Sơn. 	Ảnh: lương mai
Sân chọi trâu tại Cẩm Sơn. Ảnh: lương mai
Để góp phần quảng bá hình ảnh địa phương, thúc đẩy tuyên truyền hoạt động chợ kinh doanh, buôn bán trâu bò, đồng thời tạo sân chơi giải trí đáp ứng tâm tư và thị hiếu của người dân, góp phần duy trì, đảm bảo mô hình chợ phát triển bền vững, cuối năm 2014, Đảng ủy, chính quyền xã Cẩm Sơn mạnh dạn đưa chủ trương xây dựng sân tuyển chọn trâu khỏe, trâu đẹp hàng năm phục vụ cho nhà nông, đưa hoạt động này vào công tác quản lý hành chính nhà nước theo đúng quy định pháp luật nhằm phát huy và khai thác những ưu điểm, thế mạnh trên tất cả các lĩnh vực. Hiện nay, UBND xã Cẩm Sơn đã xây dựng đề án “Xây dựng sân chơi và tổ chức tuyển chọn trâu khỏe, trâu đẹp phục vụ cho nhà nông ”. Khuôn viên sân đã được bố trí hoàn thiện quy hoạch về diện tích trên 8.000 m2 tại khu vực (đất chuyển đổi mục đích từ các lò gạch thủ công) vùng thôn Tân Lâm. Hình thức xây dựng sân chơi này được 10 hộ dân trong 4 xã Cẩm Sơn, Bình Sơn, Hoa Sơn, Thành Sơn đầu tư trên 870 triệu đồng và đấu thầu đất của xã Cẩm Sơn đã được quy hoạch sẵn.
Hiện nay ý tưởng quy hoạch, xây dựng sân chơi tuyển chọn trâu khỏe, trâu đẹp phục vụ nhà nông của xã Cẩm Sơn về cơ bản đã được UBND huyện Anh Sơn chấp thuận, công trình từng dự kiến được hoàn thiện trong quý 1/2015, song do vướng một số thủ tục cần thiết nên kế hoạch đang nằm trong sự mong đợi của nhân dân. Trao đổi về vấn đề này, bà Võ Thị Hồng Lam, Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn, cho biết: Việc xây dựng chợ kinh doanh buôn bán trâu, bò cũng như xây dựng sân và tổ chức tuyển chọn trâu khỏe, trâu đẹp phục vụ nhà nông là duy trì nét văn hóa truyền thống, huyện rất khuyến khích và hoan nghênh tinh thần cầu tiến, hội nhập để phát triển nhằm góp phần nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân của Đảng bộ, chính quyền xã Cẩm Sơn. Trước mắt, huyện ưu tiên công tác quy hoạch, tạo điều kiện để xã hoàn thành đề án sau khi đảm bảo các thủ tục cần thiết. 
Ngoài ý nghĩa phát huy nét văn hóa truyền thống, thì việc xây dựng sân chơi nói trên là điều kiện tốt để kinh doanh tăng doanh thu cho địa phương, góp phần thay đổi cuộc sống của nhân dân trong khu vực xã Cẩm Sơn nói riêng và 2 huyện Anh Sơn, Con Cuông nói chung. Bởi vậy, mong muốn lớn nhất của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Cẩm Sơn hiện nay là nhận được sự quan tâm, hỗ trợ về tinh thần của các cấp, các ngành để đề án sớm được thực thi.
Lương Mai

Tin mới