Xây nếp sống mới ở Châu Quang

(Baonghean) - Trong đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi, nhất là việc cưới hỏi, tang ma, cúng tế… có rất nhiều phong tục đẹp, nhưng cũng có những hủ tục mà hiện nay ta cần vận động đồng bào xoá bỏ để có một đời sống văn hoá lành mạnh. Ở Châu Quang (Quỳ Hợp), xã đã chọn thí điểm hai “hủ tục” để vận động bà con xóa bỏ, đến nay có thể tin là xóa một cách bền vững, đó là không tổ chức lễ đón dâu qua đêm và không đưa “cổ khẩu” đến đám tang.

Một cảnh đón dâu ban ngày theo cuộc vận động nếp sống mới của người Thái ở xã Châu Quang.
Một cảnh đón dâu ban ngày theo cuộc vận động nếp sống mới của người Thái ở xã Châu Quang.
Với phong tục đón dâu qua đêm rườm rà, nhiêu khê, lại gây mệt mỏi cho cả mấy họ, điều ấy ai cũng rõ. Còn tục mang cổ khẩu đến đám tang, cũng là một tục lệ tưởng chừng nhỏ, nhưng việc vận động lại không hề đơn giản. “Cổ khẩu”, tiếng Thái có nghĩa là “gói cơm” nói chung, trong đó có một gói cơm, một chai rượu, một con lợn luộc (thường chỉ là lợn nhỏ từ 4-5 kg), một đôi gà luộc hoặc một đôi cá nướng (được luộc chần qua nước sôi, hoặc nướng qua trên lửa bếp), tuỳ theo quan hệ với người chết mà “cổ khẩu” có lợn, gà, cá to hay nhỏ được mang đến bày ra cúng trên đầu quan tài cho người chết “ăn” và cho nhiều người cùng nhìn thấy. Xét về mặt thực tế thì “cổ khẩu” với ý nghĩa là đưa đến để cúng cho người chết, nhưng thực chất chỉ là chuyện giúp nhau được một ít thực phẩm phục vụ cho bữa ăn nào đó trong khi làm đám tang mà thôi, vì đám tang của người Thái thường kéo dài đến 3 ngày mới chôn, khách khứa đến có khi lên tới hàng trăm người… cho nên người tang chủ phải vất vả lắm mới có đủ thực phẩm cho ngày 3 bữa ăn của cả khách và chủ. Ngày xưa vì chuyện khó khăn, người ta mới sinh ra “cổ khẩu” để giúp đỡ nhau, thành ra nhà này mang đến nhà kia, lâu đời trở thành một “món nợ” mà ai cũng phải tự biết mà trả cho nhau. 
Ngày nay, xét thấy “cổ khẩu” không cần thiết nữa, đến cúng viếng chủ yếu là hương khói và tấm lòng thành. Từ những phân tích cụ thể như thế, Ban Mặt trận xã chỉ đạo các tổ mặt trận xóm bản đưa ra hội nghị để bàn bạc, thống nhất cao trong toàn xóm bản là bỏ đi “cổ khẩu”, thay vào đó là hương khói và đồng tiền tương ứng với “cổ khẩu” để giúp đỡ nhau (hoặc “trả nợ” nhau) trong lúc hoạn nạn. Cán bộ cấp xã, từ bí thư đến chủ tịch... mỗi khi có dịp xuống xóm bản, đều tuyên truyền, phân tích những điều hay, lẽ phải của việc đã nêu ra. Mỗi lần họp xóm bản, các xóm trưởng luôn nhắc đến việc này, Đảng ủy xã chỉ đạo các chi bộ xóm lồng ghép tuyên truyền trong nội dung sinh hoạt chi bộ để từng đảng viên thông suốt, từ đó mới thuyết phục được người trong nhà, trong họ và ra đến xóm bản. Theo phương châm nhẫn nại, kiên trì và lấy những xóm bản đã thực hiện được để làm gương... cho đến khi đã được đại đa số các bản nhất trí, hưởng ứng, ban MTTQ xã mới ra quyết định chung cho toàn xã cùng thực hiện. Tưởng chừng việc nhỏ nhưng phải kiên trì đến 7 năm, việc loại bỏ tục lệ ấy mới hoàn thành ở toàn xã.
Thái Tâm

Tin mới