4 điều đừng ngại khi làm khách vùng cao

(Baonghean.vn) - Chấp nhận để người lớn tuổi buộc chỉ cổ tay, vui vẻ ăn chân gà, chỉ cười khi bị hắt nước vào mặt và gọi người lớn tuổi là “bố”, hoặc “mẹ” được coi như là những hành động đẹp khi đến vùng cao xứ Nghệ.

Khi được buộc chỉ cổ tay

Buộc chỉ cổ tay trong lễ làm vía của người Thái
Buộc chỉ cổ tay cho một vị khách trong lễ làm vía của người Thái. Ảnh: Hồ Phương

Một nghi lễ bạn dễ bắt gặp khi vào một ngôi nhà tại các bản làng người Thái, Khơ mú hay người Mông ở Nghệ An đó là lễ gọi vía. Có những nhà vì nhiều lý do khác nhau mỗi năm có đến hàng chục lễ gọi vía. Mục đích của nghi lễ này thường để cầu may mắn, sức khỏe, hạnh phúc thế nhưng không ít người chưa hiểu được bản chất của nghi lễ này mà tỏ ra ngần ngại.

Người ta thường nghĩ rằng khi đã buộc chỉ cổ tay là thành “ma” nhà người ta, hoặc bị “bỏ bùa”. Quan niệm này là sai lầm hoặc chí ít thì cũng không đúng với những cộng đồng thiểu số ở Nghệ An.

Khi khách đến nhà gặp lễ gọi vía, những gia chủ là người hiểu biết có thể sẽ đề nghị thầy mo “buộc chỉ cổ tay” cho bạn với mong muốn những điều tốt đẹp. Vì thế chẳng có lý do gì phải ngần ngại điều này.

Gia chủ mời ăn chân gà

Chân gà là món quý dành cho khách
Chân gà là món quý dành cho khách với ý nghĩa mong cho vị khách "chân cứng đá mềm". Ảnh: Trọng Sách

Không ít người ngại ăn chân gà vì toàn xương xẩu và là phần “khó nhằn” nhất. Nhưng việc mời chân gà trong bữa cơm gặp gỡ đầu tiên thường được người Khơ mú thực hiện khi khách đến nhà. Hành động này có ý nghĩa cầu mong cho vị khách đến nhà mình được “chân cứng đá mềm”, may mắn trong việc làm ăn.

Trong bữa cơm, chiếc chân gà thường được gia chủ cất riêng một chỗ trên mâm cơm. Khi khách vừa buông đũa, một người sẽ cầm chân gà lên mời. Một khi chúng ta đáp lại bằng cách ăn hết cả hai chiếc chân gà sẽ khiến gia chủ cực kỳ vui vẻ.

Người lớn tuổi xưng "bố", "mẹ" và gọi mình bằng “con”

Khi đã lập gia đình và sinh con, người Khơ Mú thường xưng bố hoặc mẹ
Khi đã lập gia đình và sinh con, người Khơ Mú thường xưng "bố" hoặc "mẹ" đối với những người ít tuổi hơn. Ảnh: Hữu Vi

Người Khơ mú và người Mông khi đã lập gia đình và sinh con thường gọi những ai ít tuổi hơn mình là “con” và xưng “bố” hoặc “mẹ”. Điều này khiến những ai không quen cảm giác đôi chút ngần ngại nhưng lại là điều bình thường theo quan niệm của người Mông và Khơ mú.

Những ai đã lập gia đình và sinh con thường được gọi theo tên con và có tên đệm là “bố”, “pỏ”, “phò”, “giống” và họ cũng tự xưng mình là “bố” đơn giản chỉ để phân biệt người đã có gia đình và sinh con.

Điều thú vị là khi được người ít tuổi hơn gọi là “bố” và xưng con, những người lớn tuổi thường tỏ ra rất vui vẻ vì mình được trân trọng.

Bị hắt nước vào người

.

Người miền xuôi rất kỵ khi bị hắt nước vào người, coi đây là hành vi xúc phạm thế nhưng trong nhiều trường hợp, người miền núi coi việc hắt nước vào người khác và bị hắtt nước là điều tốt.

Quan niệm trên phổ biến ở cộng đồng người Thái. Trong đám cưới, lễ hội một vài người có “nhiệm vụ” hắt nước vào người khác. Trong đám cưới, khi nhà trai đến đón dâu, nhà gái cử một vài người hoặc nhất loạt xông ra té nước vào đoàn nhà trai. Có đám chỉ dùng quả ké hoặc một số quả rừng dính lên áo. Đôi khi những kẻ thái quá còn dung nước để “phạt” nhà trai cốt để cuộc cưới thêm vui.

Trong lễ hội, một vài cô gái được bố trí trên đường đi hội nhúng lá cây hất vào du khách. Tất nhiên chỉ làm tượng trưng để cầu cho những người đi lễ được may mắn, khỏe mạnh.

Hữu Vi

TIN LIÊN QUAN

Tin mới