Mẹo khắc phục đào rừng nở muộn

(Baonghean.vn) – Trong những năm gần đây, xu hướng chọn đào đá chưng Tết khá thịnh hành. Xin chia sẻ một vài mẹo nhỏ để giữ được cành đào đá nở đúng Tết mà không mất quá nhiều công sức.

Tấp nập người mua bán đào tại thị trấn Mường Xén dịp cuối năm.
Tấp nập người mua bán đào tại thị trấn Mường Xén dịp cuối năm. Ảnh: Hồ Phương.

Cành hoa đào tươi thắm là biểu tượng của sự may mắn, niềm tin yêu vào một năm mới hạnh phúc bình an trong Tết cổ truyền của người Việt Nam từ bao đời nay. Đào có nhiều giống đào như đào bích, đào phai, đào trắng, đào lai ghép, đào thất thốn, đào rừng cổ thụ… Và xu hướng dùng đào đá (đào phai) đang trở nên thịnh hành.

Đào đá được trồng ở những nơi có địa hình cao, khí hậu quanh năm mát mẻ. Vì được trồng ở những nơi có địa hình cao, đường sá đi lại khó khăn nên không thể bốc cả gốc, cả ụ cây về được. Vì thế người chơi đào đá dịp Tết chủ yếu dùng những cành đào được chặt mang ra.

Cũng vì đường sá xa xôi nên mỗi dịp Tết đến cả người bán đào lẫn người mua đào thường mắc phải một lỗi là cắt cành đào sớm quá. Điều này dẫn đến một số cành đào có hiện tượng bị héo, bị nở sớm quá, hay nở muộn quá. Vậy nên, yếu tố đầu tiên là phải chọn thời gian thích hợp để đi mua đào.

Thiếu nữ chụp ảnh lưu niệm bên những cành đào đá dịp giáp tết.
Sơn nữ bên những cành đào đá. Ảnh: Hồ Phương.

Thời gian hợp lý nhất là mua đào trước Tết khoảng 1 tuần. Ngoài các thế đào (tùy sở thích và nhãn quan từng người) thì bạn nên chọn những cành đào còn tươi, thân khỏe chắc; nụ nhiều và mập mạp.

Hoa của đào phai (đào đá) được nhiều người lựa chọn trong những năm gần đây.
Hoa của đào phai (đào đá). Ảnh: Hồ Phương.

Cần quan sát kỹ quá trình phát triển của những nụ hoa trên cành để dự đoán khả năng đào có nở đúng dịp hay không. 

Nếu đào nở quá sớm, bạn nên để cành đào của mình ở những nơi kín đáo, thiếu ánh sáng, và hạn chế ngâm phần gốc của cành đào của mình vào nước, tuyệt đối không đốt gốc vì sẽ kích thích đào nở nhanh hơn.

Người dân bán đào dùng bình ga khò gốc đào để kích thích cành đào đá của mình nở kịp tết.
Người dân bán đào dùng bình ga khò gốc đào để kích thích cành đào đá của mình nở kịp tết. Ảnh: Hồ Phương.

Nếu cành đào có dấu hiệu ngậm nụ, không kịp nở đúng dịp Tết, bạn cần “làm nóng” để kích thích độ phát triển của cành đào.

Cách thứ nhất: Dùng dao gọt phần vỏ dưới gốc đào chừng 10cm đến 20cm. Tiếp đó, đốt qua dưới lửa rồi cho vào chiếc bình cao và đổ nước ấm vào. Mỗi ngày thay nước 1 đến 2 lần.

Cách thứ hai: Dùng dao gọt phần vỏ dưới gốc đào chừng 10cm đến 20cm sau đó đắp vôi vào cành đào.

Cách thứ 3: Để cành đào ở nơi rộng rãi, phủ ni lon xung quanh và sưới ấm bằng bóng điện để kích thích cành đào của mình.

Những người làm nghề buôn bán đào chở đào xuống núi trong dịp tết.
Những người làm nghề buôn bán đào chở đào xuống núi trong dịp tết. Ảnh: Hồ Phương.

Ngoài những cách trên, có một số người còn bỏ thêm thuốc B1 vào trong bình cắm cành đào. Đây cũng là 1 cách kích thích sự sinh trưởng của cành đào, vừa giúp cho cành đào của mình tươi lâu hơn, những cánh hoa sau khi nở lâu rụng hơn.

H.P

TIN LIÊN QUAN

Tin mới