Núi Cồng Chiêng

(Baonghean) - Một hôm, trên núi rộn tiếng cồng chiêng. Người sợ hãi cho là ma quỷ, thần linh đánh chiêng. Kẻ bạo dạn nhất lên xem phát hiện ra tiếng cồng chiêng do ông "chạu hua" gõ vào nhũ đá mà thành.

"Giàn cồng chiêng" trên núi

Đó là chuyện về ngọn núi Pha Cang ở bản Bạch Sơn (Cam Lâm – Con Cuông). Theo những người cao tuổi trong bản, ngày trước núi có tên Pha Coong (Núi Cồng Chiêng). Nhưng vì cái tên cũ gợi lên trong tâm trí những người cả nghĩ về một điều gì đó không hay nên người ta gọi chệnh đi thành Pha Cang. Từ lưng chừng núi buông thõng xuống vô số nhũ đá tựa hồ những hàng cột nhà chúc ngược xuống trông rất đẹp mắt.

Ngọn núi nằm sát bản Bạch Sơn cũ. Cách đây 5 năm bản đã chuyển về một điểm tái định cư cách đó 2km. Vị trí bản cũ được quy hoạch vùng sản xuất, giải quyết  tình trạng thiếu đất canh tác. Hiện vẫn còn một số nhà ở lại bản cũ, trong đó có gia đình ông Lô Văn Nhân. Ông Nhân chỉ tay về phía ngọn núi cho biết, khi gõ vào mỗi nhũ đá lại phát ra một âm thanh khác nhau. Tiếng gõ đá nghe hệt như tiếng chiêng trong ngày hội.

Một nhũ đá trong hang núi Pha Cang.
Một nhũ đá trong hang núi Pha Cang.

Để chứng minh điều mình vừa nói, ông cầm con dao đi rừng xăm xăm bước đến trước một dãy nhũ đá mà ông gọi là giàn cồng chiêng. Ông gõ lên từng nhũ đá, một thứ nhạc âm vang lên trầm đục. Trong chốc lát, ông lão chỉ quen tay làm rẫy bỗng trở thành người đánh chiêng thuần thục. 

Truyền thuyết về “chạu hua”

Ông Nhân cho biết, từng nghe người già kể lại, thuở trước trong bản chẳng mấy ai để ý đến những chiếc “chiêng” trên núi, chỉ coi đó là những nhũ đá đẹp mắt. Cho đến một ngày người ta nghe thấy tiếng chiêng ngân vang vọng từ vách núi. Đi hỏi khắp bản cũng không ai nhận. Người ta bắt đầu nghĩ đến những điềm không lành.

Lối vào
Lối vào "buồng ngủ" của "chạu hua" trong hang núi Pha Cang.

Tiếng cồng chiêng thì vẫn vang lên mỗi ngày vài bận. Cho đến một ngày, có chàng trai gan dạ nọ quyết định lên núi đi tìm tiếng chiêng, băng rừng lần theo những thanh âm trầm đục và đến một hang đá. Ở đó có một người hói đầu, râu bạc phơ đang gõ vào nhũ đã dưới vòm hang. Người này cho biết mình là “chạu hua” (nhà sư) ở Lào chạy loạn sang đây cư ngụ.

Ông không dám xuống bản vì không biết ở đây có giặc hay không. “Chạu hua” bảo đến vùng rừng núi này từ lâu nhưng chỉ dám phát những mảnh nương bé để trồng lúa, ngô, không dám đốt rẫy vì sợ giặc nhìn thấy khói tìm đến bắt. Những lúc buồn, ông lấy hòn đá nhỏ gõ lên những nhũ đá trong hang mua vui. Chàng trai mời “chạu hua” về bản cùng sinh sống,  ông đồng ý và rời khỏi hang về bản dựng nhà sàn. 

Dân bản học “chạu hua” tập gõ chiêng đá. Thế rồi, bản Bạch Sơn từ già trẻ đều mê tiếng chiêng, tiếng cồng. Họ tìm mua về những bộ chiêng bằng đồng để cùng mở hội khi tết đến hay khi bản có dịp vui. Dẫu vậy, người ta cũng không quên tiếng chiêng đá.

Ông Lô Văn Nhân gõ chiêng đá trên núi Pha Cang.
Ông Lô Văn Nhân gõ chiêng đá trên núi Pha Cang.

Ông Nhân chỉ cho chúng tôi xem dãy nhũ đá và bảo rằng những cái đẹp nhất đã bị phá đi. Lũ trẻ trong bản nghịch dại đập gãy cũng có, nhưng phần nhiều những nhũ đá bị tàn phá bởi đám người săn đá cảnh ở miền xuôi. 

Theo ông Lô Văn Phòng, bí thư chi bộ bản Bạch Sơn, trong địa phận của bản còn có hàng chục hang núi. Phần lớn những hang đá này đều khá lý thú, là nơi cư ngụ của loài dơi. Hầu như hang đá nào cũng có sự xuất hiện của dơi, nhiều nhất là vào mùa rét, khi chúng tìm về ngủ đông.

Hữu Vi

TIN LIÊN QUAN

Tin mới