Tìm ánh sáng ở vùng đất 'tối tăm'

(Baonghean.vn)- Hiện tại xã Châu Phong (Qùy Châu, Nghệ An) mới 3/19 bản có điện lưới quốc gia, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Để có nguồn ánh sáng, người dân các bản 'vùng tối' đã có những sáng kiến độc đáo.

Cũng như người dân các vùng chưa có điện lưới, bà con các bản chưa có điện (16/19 bản) ở Châu Phong phần lớn thắp sáng bằng nguồn năng lượng thủy điện mi ni. Nhưng mực nước của các khe suối đang có xu hướng xuống thấp, lại thường bị mưa lũ cuốn trôi và không đảm bảo an toàn nên bà con bắt đầu chuyển sang phương án khác. Một số gia đình đã bỏ ra một khoản tiền lớn để kéo dây điện từ nhà họ hàng ở xã Châu Thành (Qùy Hợp) về thắp sáng.

Chùm bóng
Chùm bóng thắp sáng của gia đình bà Vi Thị Lan, bản Piêng Cắm (Châu Phong - Qùy Châu) được gỡ ra từ chiếc đèn tích điện. Ảnh: Công Kiên.

Nhưng việc kéo dây điện với chiều dài 4- 5km là một khoản chi phí không nhỏ, chỉ những gia đình có thu nhập cao và “chịu chơi” mới thực hiện được. Đó là chưa kể nguy cơ thất thoát điện, bị kẻ gian lấy cắp và thiếu an toàn, đặc biệt là những ngày mưa gió. Vì thế, phương án đang được dùng khá phổ biến là sử dụng nguồn năng lượng từ bình ắc quy để thắp sáng. Khi bình hết năng lượng đến nhà người quen ở các bản có điện lưới để sạc nhờ.

Tuy vậy, không phải gia đình nào cũng mua được ắc quy và có điều kiện đi sạc thường xuyên, đành phải tìm ra những “sáng kiến” khác để đẩy lùi bóng tối. Ngôi nhà nhỏ của bà Vi Thị Lan nằm ở cuối bản Piêng Cắm, gần với địa bàn xã Châu Thành (Qùy Hợp). Xung quanh được bao bọc bởi những quả đồi, cách khá xa khu dân cư, từ nhà bà Lan đến hộ gần nhất cách khoảng 400m, lại không có điện lưới nên ban đêm gần như chỉ có bóng tối mịt mùng.

Chùm bóng
Chùm bóng được nối với 4 chiếc pin, có công tắc mở - đóng và treo lên mái nhà. Ảnh: Công Kiên.

Nhà nghèo, không có điều kiện mua bình ắc quy, trước đây bà Lan thường dùng đèn dầu hỏa để thắp sáng. Gần đây, một người họ hàng cho bà một chùm bóng được lấy ra từ một chiếc đèn tích điện. Chùm bóng này được nối với 4 chiếc pin kết thành một khối, có công tắc mở - đóng rồi dùng dây treo lên mái nhà. Mở công tắc, chùm bóng phát ra ánh sáng trong phạm vi 3-4 m2.

Bà Lan cho biết, chùm bóng chi được bật lên trong bữa cơm tối và khi có khách đến thăm vào ban đêm. Nguyên nhân do tốn pin, hàng tháng bà phải dành khoảng 60.000 đồng để mua pin thắp sáng, một khoản tiền không lớn nhưng với gia đình bà là cả một mối lo.

Bà
Chùm bóng thắp sáng này chỉ được bà Lan sử dụng lúc ăn bữa tối và có khách đến thăm vào ban đêm. Ảnh: Công Kiên.

Cũng ở bản Piêng Cắm, ban đêm ngôi nhà chị Lang Thị Hà cũng gần như chìm trong bóng tối. Nguồn sáng duy nhất của gia đình chị là chiếc đèn pin nhỏ, nó chỉ được bật lên trong bữa cơm tối và phục vụ việc học tập cho các con. Hằng đêm, cháu Lô Thị Hồng Anh - con gái đầu của chị Hà buộc đèn pin lên trán để soi vào sách vở học bài và làm bài. Hôm sau đến lớp, Hồng Anh mang theo chiếc đèn pin để sạc điện dùng cho việc học buổi tối.

Em
Cháu Lô Thị Hồng Anh- con chị Lang Thị Hà, bản Piêng Cắm (Châu Phong - Qùy Châu) soi đèn pin để học bài.  Ảnh: Công Kiên.

Mong mỏi lớn nhất của bà con 16 bản chưa có điện lưới ở xã Châu Phong là được ngành Điện lực quan tâm, sớm triển khai xây dựng hệ thống truyền tải điện phục vụ đời sống dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội.

Công Kiên

TIN LIÊN QUAN

Tin mới