Nghệ An: Nhiều lao động vùng cao kéo sang Trung Quốc

(Baonghean.vn) - Do cuộc sống mưu sinh cộng với nhận thức thấp để kẻ xấu lợi dụng nên nhiều lao động trên khắp các bản làng miền Tây Nghệ An ồ ạt kéo sang Trung Quốc. Điều này gây ra nhiều hệ lụy không nhỏ cho công tác quản lí lao động trên địa bàn các huyện miền núi.

Những con số đáng báo động

Thông tin từ công an và Phòng LĐTB-XH huyện Tương Dương cho hay, tính từ đầu năm đến nay, toàn huyện có 2006 người đi lao động bất hợp pháp ở nước ngoài trong đó nhiều nhất là Trung Quốc (1549 người), Lào (400 người), Thái Lan (57 người). Số lao động “chui” này tập trung nhiều ở các xã Lưu Kiền (253), Xá Lượng (223), Lượng Minh (200)…Quả thực, đây là con số đáng báo động và biến chuyển liên tục. Theo các nhà chức trách, con số này dao động thường xuyên và khó kiểm soát vì những lao động này đi về thường xuyên và không qua làm thủ tục với chính quyền địa phương.

Theo tìm hiểu của chúng tôi tại 2 địa bàn huyện Tương Dương và Kỳ Sơn, con số lao động bất hợp pháp tại Trung Quốc còn đáng báo động hơn. Tuy nhiên khi chúng tôi liên hệ làm việc thì Phòng LĐTB-XH huyện Kỳ Sơn cho hay, họ không nắm rõ được số liệu cụ thể này, phải sang Công an huyện mới biết được. Khi chúng tôi làm việc với Công an huyện Kỳ Sơn thì bộ phận phụ trách lại cho hay cần lên Phòng LĐTB-XH huyện để nắm vì “người lao động thuộc phòng LĐTB-XH phụ trách”. Qua sơ bộ nắm từ văn phòng UBND huyện thì số người đi lao động ở nước ngoài vào thời điểm tháng 6/2015 là 370 người (không có số liệu cụ thể ở nước nào).

Những bản làng của người Khơ mú là nơi có số người đi lao động chui nhiều nhất.
Những bản làng của người Khơ mú là nơi có số người đi lao động chui nhiều nhất.

Tại bản Xoóng Con (Lưu Kiền), ông Kha Văn Khăm – trưởng bản cho hay, trong bản hiện tại có khoảng 100 người đi lao động tại nước ngoài, trong đó lao động tại Trung Quốc chiếm hơn 2/3. Có nhiều người đem theo cả gia đình sang bên đó làm việc như hộ anh Lương Văn Quản. Còn trường hợp đi cả 2 vợ chồng thì rất nhiều. Con số này cũng biến động liên tục, đặc biệt là thời điểm ăn Tết nguyên Đán xong.

Theo thông tin từ Ủy ban xã Bảo Nam (Kỳ Sơn) thì địa bàn này là 1 trong những điểm phức tạp nhất về việc lao động bỏ đi nước ngoài bất hợp pháp, chủ yếu là nữ. Năm 2016, toàn xã có 141 người rời địa bàn đi lao động nơi khác, trong đó số nữ đi Trung Quốc là 33 người tập trung ở các bản Thảo Đi, Lưu Tân. Đây là địa bàn dân cư 100% người Khơ mú sinh sống trình độ nhận thức thấp và cuộc sống khó khăn nên số người trốn đi lao động chui cũng cao nhất. Tuy nhiên, đây chỉ là con số không cố định. Khi vào bản Hín Pèn tìm hiểu chúng tôi được biết, bản này có số người đi ít nhưng cũng đã có tới 18 phụ nữ rồi, ở 2 bản Thảo Đi và Lưu Tân còn nhiều hơn.

Chỉ cần 5 triệu tiền môi giới có thể sang đến Trung Quốc

Một thực trạng đáng báo động hiện nay là số người đi lao động chui ở Trung Quốc đều vì cuộc sống mưu sinh và do kẻ khác dụ dỗ. Sau khi sang đến Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch họ phải trả cho người môi giới từ 5-7 triệu đồng trừ trong tháng lương đầu tiên.

Từ khoảng thời gian Tết nguyên Đán đến nay là thời điểm người lao động trốn sang nước ngoài nhiều nhất. Theo một nhân chứng có con đi lao động tai Trung Quốc ở bản Xoóng Con (Lưu Kiền) cho hay, thời điểm ăn Tết nguyên Đán xong, con họ được 1 người gọi điện thoại về rủ đi Trung Quốc làm ăn với mức lương hấp dẫn. Nhân chứng cũng cho biết người này tên là Công (không rõ họ) quê ở ngoài Bắc. Thực tế con em họ kể lại rằng những người đi lao động tại Trung Quốc cũng chưa bao giờ được gặp người môi giới này.

1 nhân chứng đang kể cho PV nghe quá trình đi Trung Quốc của con em họ.
1 nhân chứng đang kể cho PV nghe quá trình đi Trung Quốc của con em họ.

Quy trình đi lao động tại Trung Quốc rất đơn giản, chỉ cần 1 cuộc điện thoại của người môi giới thì người có nhu cầu đi sẽ được hướng dẫn cụ thể. Theo anh Chích An Giang, Trưởng công an xã Bảo Nam (Kỳ Sơn) thì những người trong bản khi đi họ lẳng lặng như đi chơi vậy. Lên xe tự họ biết cách để liên lạc với nhau bằng “ám hiệu” chứ cũng không nói chuyện. Đến đâu, đi đường nào đều có sự hướng dẫn, khi đi tuyệt đối không được nói với nhau câu nào.

Sang đến đất Trung Quốc họ sẽ tự tìm vào các công ty để làm việc, coi như người môi giới đã xong nhiệm vụ. Khi đã có việc làm, người môi giới sẽ tự biết để trừ vào tháng lương đầu tiên của họ. Được biết mức giá chung là 5 triệu đồng. Hành trình đơn giản chỉ như vậy. Anh Vi Văn Khăm (Lưu Kiền) – 1 lao động trở về từ Trung Quốc mới đây cho hay, nếu tính ra tiền xe và ăn uống thì cũng chỉ mất khoảng 1,5 triệu nhưng mình không biết đường thì đành chịu. Như vậy có thể thấy rằng, mỗi lần đưa hàng chục người sang Trung Quốc lao động người môi giới sẽ được hưởng 1 số tiền rất lớn.

Đào Hữu

TIN LIÊN QUAN

Tin mới