Trời rét, nông dân lo giữ ấm cho 'đầu cơ nghiệp'

(Baonghean.vn) - Nắm bắt được thông tin dự báo sắp có đợt rét đậm, rét hại, huyện Tương Dương đã chỉ đạo và hướng dẫn nhân dân chủ động giữ ấm và dự trữ nguồn thức ăn cho đàn vật nuôi.

Những năm trước, vào những đợt rét đậm, rét hại, đàn dê của gia đình ông Vi Văn Tân ở bản Côi, xã Lượng Minh  thường bị chết vài con. Rút kinh nghiệm, mùa đông năm nay ông Tân luôn theo dõi, nắm bắt tình hình thời tiết để chủ động che chắn, tìm nguồn thức ăn và chăm sóc đàn dê của gia đình.

Ông Vi Văn Tân, bản Côi, xã Lượng Minh (Tương Dương) chuẩn bị nguồn thức ăn cho đàn dê trong những ngày rét đậm, rét hại. Ảnh: May Huyền
Ông Vi Văn Tân, bản Côi, xã Lượng Minh chuẩn bị nguồn thức ăn cho đàn dê trong những ngày rét đậm, rét hại. Ảnh: May Huyền

Ông Tân cho biết: Năm nay, từ đầu mùa đông tôi đã che chắn chuồng trại, nghe theo lời cán bộ thú y để học cách chăm sóc, sưởi ấm cho đàn dê. Những ngày giá rét và mưa ẩm ướt không thả dê ra ngoài, cho chúng ăn cỏ và lá cây khô ráo để tránh đau bụng. Ngoài ra, còn đốt lửa sưởi ấm, vệ sinh chuồng sạch sẽ.

Gia đình anh Lộc Văn Thuyên ở bản Na Tổng, xã Tam Thái hiện có 5 con bò, số bò này có được nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của Hội Nông dân. Vì thế, việc chăm sóc đàn bò là công việc thường xuyên và được ưu tiên hàng đầu.

Từ đầu mùa rét, anh Thuyên đã che chắn chuồng trại, cất trữ rơm khô, mở rộng diện tích trồng cỏ sữa phòng khi rét đậm, rét hại kéo dài. Nhờ vậy, dù thời tiết khắc nghiệt, đàn bò của gia đình vẫn phát triển tốt, nguồn thức ăn luôn đảm bảo.  

Bà con nông dân huyện vùng cao Tương Dương
Để giữ ấm cho đàn trâu, bò trong các đợt rét đậm, rét hại, nhiều hộ nông dân huyện vùng cao Tương Dương đã chủ động che chắn chuồng trại và vệ sinh sạch sẽ. Ảnh: Công Khang

Được biết, những năm trước, xã Tam Thái là một trong những địa phương có nhiều vật nuôi bị chết do rét đậm, rét hại. Hiện tại, tổng đàn gia súc của xã có 2.580 con, trong đó hơn 400 con trâu, gần 2.200 con bò và hơn 600 con dê.

Năm nay, xã triển khai công tác phòng chống đói, rét cho vật nuôi ngay từ khi thời tiết chuyển giao mùa, nhân dân ở các bản đã chủ động nắm bắt thông tin thời tiết để có cách phòng chống rét như: lùa vật nuôi về chuồng trại để chăm sóc; tiến hành che chắn chuồng trại; tăng cường tích trữ rơm khô và cây ngô; mở rộng diện tích trồng cỏ sữa…

a
Đề phòng rét đậm, rét hại kéo dài, nhiều hộ nông dân đã trồng cỏ sữa để làm nguồn thức ăn dự trữ. Ảnh: Công Khang

Toàn huyện Tương Dương hiện có hơn 40.000 con trâu, bò, chưa kể các loại vật nuôi khác. Tập quán của người dân vùng cao vẫn quen với việc thả rông, đến mùa mới tìm về để cày kéo dẫn đến tình trạng trâu, bò và các loại vật nuôi bị chết đói, chết rét trong mùa đông.

Để hạn chế thiệt hại, nhất là trong đợt rét đậm, rét hại đang diễn ra, huyện đã chỉ đạo các địa phương tăng cường các biện pháp tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức. Đồng thời, cán bộ khuyến nông và thú y đã tích cực phối hợp các địa phương tiến hành hướng dẫn các hộ chăn nuôi tích cực chăm sóc gia súc, gia cầm.

Cán bộ khuyến nông hướng dẫn cách sưởi ấm bằng bóng điện cho đàn gà trong những ngày rét đậm, rét hại. Ảnh: May Huyền
Cán bộ khuyến nông hướng dẫn cách sưởi ấm bằng bóng điện cho đàn gà trong những ngày rét đậm, rét hại. Ảnh: May Huyền

Ông Mai Văn Hoàng – Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Tương Dương cho biết: “Từ đầu mùa đông, chúng tôi đã triển khai tiêm vắc xin cho trâu, bò, đồng thời tuyên truyền, vận động bà con nông dân che chắn chuồng trại, hướng dẫn cách cho vật nuôi ăn đầy đủ chất xơ, đạm, vitamin, muối trong mùa lạnh để tăng nhiệt độ trong cơ thể, tạo độ ấm cho vật nuôi, những ngày giá rét tuyệt đối không thả vật nuôi ra ngoài”.

May Huyền - Công Khang

TIN LIÊN QUAN

Tin mới