Cô giáo trẻ trên đỉnh Pu Lon

(Baonghean)- Đỉnh Pun Lon (xã Tây Sơn- Kỳ Sơn) quanh năm phủ kín sương mây. Nơi ấy có người con gái đang hiến dâng sức trẻ và bầu nhiệt huyết cho sự nghiệp "trồng người"

Vượt gian nan vào Đống Trên

 Một ngày đầu Xuân, chúng tôi ngược lên Yên Khê (Con Cuông) để tìm Ka Thị Ly - cô giáo bản Đống Trên, xã Tây Sơn (Kỳ Sơn).  Ly đón khách với nụ cười đầy vẻ ngỡ ngàng, và càng ngỡ ngàng hơn khi được nhắc lại về cuộc gặp thoáng qua ở con đường mòn trên đỉnh Pun Lon mấy tháng trước: “Hóa ra, anh là người vượt dốc vào bản. Hôm ấy, trời sắp mưa, em vội xuống để đường đỡ trơn nên không ở lại được”.

Ka Thị Ly sinh năm 1994, là sản phẩm của hai dòng máu thuộc hai vùng đất khác nhau. Bố Ly là người Ê-đê có gốc gác từ Đắk Lắk, ông nội của Ly là bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc theo Hiệp định Giơ- ne-vơ. Mẹ của Ly là một phụ nữ dân tộc Thái, sinh ra và lớn lên nơi bản làng Yên Khê.

Đường lên đỉnh Pun Lon, xã Tây Sơn (Kỳ Sơn) luôn gian nan, cách trở.
Đường lên đỉnh Pun Lon, xã Tây Sơn (Kỳ Sơn) luôn gian nan, cách trở.

Học xong phổ thông, Ly thi đỗ vào ngành học Mầm non thuộc Trường CĐSP Nghệ An. Năm 2015, tốt nghiệp ra trường nhưng huyện Con Cuông chưa có chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên mầm non, Ly soạn sửa hành trang ngược lên Kỳ Sơn tìm cơ hội. Và cuối cùng cô đã có tên trong danh sách trúng tuyển và được phân công về Trường Mầm non Tây Sơn.

Trên đường vào điểm trường chính ở bản Huồi Giảng 3, Ly thấy lòng mình phơi phới vì lẽ đường có quanh co, dốc cao khúc khuỷu nhưng được trải nhựa phẳng lỳ. Nghĩa nơi đây chưa đến nỗi vất vả, xa xôi. Cô Hiệu trưởng giao cho Ly phục trách điểm trường bản Đống Trên và không quên kể về những gian nan, vất vả để chuẩn bị tinh thần.

Để đến bản Đống Trên, từ trung tâm xã Tây Sơn phải ngược ra Thị trấn Mường Xén, rồi vòng sang xã Tà Cạ, men theo dòng Nậm Mộ, đến bản Cánh theo con đường mòn chạy dọc sườn núi... Con đường như một sợi chỉ ngoằn ngoèo uốn lượn như chạy mãi không cùng, lúc trèo đèo, lúc vượt suối.

Ly phải nhờ thầy Nguyễn Hồ Quang- giáo viên tiểu học phụ trách tại điểm trường bản Đống Dưới dẫn đường. Gặp phải hôm mưa gió, đường trơn, chiếc xe máy ngã dúi dụi... Niềm háo hức dường như tan biến, lòng không khỏi chán nản, nước mắt chợt rơi khi ngước nhìn dãy núi heo hút..

Một góc bản Đống Trên, xã Tây Sơn (Kỳ Sơn)- nơi cô giáo Ka Thị Ly đang
Một góc bản Đống Trên, xã Tây Sơn (Kỳ Sơn)- nơi cô giáo Ka Thị Ly đang "cắm" bản.

 Bản Đống Trên hiện ra trước mắt cô giáo trẻ với những nóc nhà thấp bé và thưa thớt, chìm đắm trong làn sương. Mới chớm Thu nhưng thời tiết đã giá buốt, những cơn gió lạnh thấm vào da thịt. Bản chỉ có 20 hộ đồng bào Mông và vẻn vẹn 12 học sinh mầm non.

Ở Bậc Tiểu học, do số lượng học sinh ít nên phải sáp nhập với điểm trường bản Đống Dưới. Điều ấy đồng nghĩa với việc chỉ có một mình Ka Thị Ly là giáo viên cắm tại bản này. Đêm đầu tiên trong căn nhà tạm, ngọn nến leo lét cháy, ngoài trời lắc rắc những trận mưa, Ly không tài nào chợp mắt.

Với tay cầm chiếc điện thoại, mong được tâm sự cùng bố mẹ nhưng không có lấy một cánh sóng. Cô gái 21 tuổi chợt thấy nỗi cô đơn đang vây bủa, thấy lạc lõng giữa bóng đêm của đại ngàn. Nước mắt chan chứa nhưng Ly luôn dặn lòng phải vững tin, những khó khăn, bỡ ngỡ rồi sẽ qua đi..

Tin ở ngày mai...

Sáng mai, khi mặt trời đang vén màn sương, Ly bỗng nghe tiếng trẻ con ríu rít, chưa hiểu được lời con trẻ nhưng qua âm điệu cô biết chúng đang náo nức, hân hoan. Cánh cửa mở ra, hơn 10 đứa trẻ ùa vào, đầu tóc, áo quần lấm lem nhưng đôi mắt rất sáng. Những đứa trẻ nhìn Ly bỡ ngỡ, cô nở nụ cười thân thiện, khoảng cách bỗng chốc bị xóa tan.

Niềm vui của cô giáo Ka Thị Ly bên trò nhỏ.
Niềm vui của cô giáo Ka Thị Ly bên trò nhỏ.

Buổi học đầu tiên, cô và trò chưa biết tiếng nhau nhưng qua cử chỉ, ánh mắt, Ly đã đem đến niềm vui cho những trẻ nhỏ trên đỉnh Pun Lon xa tít tắp. Hôm sau, và những ngày tiếp theo, cũng vào giờ ấy, bọn trẻ lại ríu rít kéo nhau đến lớp, những âm thanh ấy dần trở nên quen thuộc và rất đỗi thân thương đối với cô giáo trẻ.

“Chắc hẳn em không thể nào quên kỷ niệm về ngày Nhà giáo đầu tiên trong cuộc đời dạy học. Phụ huynh trong bản đến tặng toàn là các loại quả như bí, dưa, dứa và khoai sọ- những sản vật do bà con sản xuất ăn cả tháng cũng không hết, phải gửi ra biếu đồng nghiệp ở các điểm trường khác”- Ka Thị Ly tâm sự.

Ngày thường, dân bản ghé thăm và biếu cô giáo mấy cân gạo rẫy, bó rau rừng hay ít thịt thú rừng vừa săn được. Trong đợt băng tuyết phủ kín dãy Pun Lon, học sinh được nghỉ học, phụ huynh gùi củi đến lớp để cô giáo nhóm lửa sưởi ấm, mang thức ăn đến biếu để cô giáo chống chọi với cái rét. Phía ngoài, nước đóng băng nhưng trong lòng Ly luôn cảm thấy ấm áp vì được sưởi ấm bởi niềm kính trọng và sự yêu thương.

Điểm trường Mầm non bản Đống Trên (thuộc Trường Mầm non Tây Sơn), nơi cô giáo Ka Thị Ly phụ trách
Điểm trường Mầm non bản Đống Trên (thuộc Trường Mầm non Tây Sơn), nơi cô giáo Ka Thị Ly phụ trách.

Ngày Ly tạm rời xa Pun Lon về ăn Tết, 12 đứa trẻ theo chân tiễn đến con dốc thứ 3. Các phụ huynh chạy theo, người biếu cô giáo cành đào đang hé nụ, người biếu cân nếp, con gà... Ly không thể đem về được hết, chỉ nhận một cành đào gọi là đem sắc Xuân của núi rừng Tây Sơn về với mảnh đất Yên Khê.

Chưa xong kỳ nghỉ Tết, cô giáo Ka Thị Ly đã soạn sửa hành trang trở lại Đống Trên, vì cô biết 12 đứa trẻ đang từng ngày ngóng đợi. Và cô biết, ở nơi ấy sương lạnh đã tan, những mầm Xuân đang hé nụ, đâm chồi, cảnh vật và tình người đang vẫy gọi.

Vừa đặt chân đến Đống Trên, Ly leo lên mỏm đá cao trước bản để dò sóng và gọi cho chúng tôi: “Biết em lên, tất cả bọn trẻ đứng chờ ở đầu dốc, đứa nào cũng mặc quần áo đẹp, ánh mắt rạng ngời. Cảnh vật mùa Xuân trên này đẹp lắm, mời các anh trở lại đỉnh Pun Lon...”.

Công Kiên

TIN LIÊN QUAN

Tin mới