Hạnh phúc số 0

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Có những người sống cả đời vẫn khó mà ngộ được chữ “có” và “không”. Nhiều khi cái “có” thành cái “không” nhẹ bẫng vô chừng, cái “không” thành cái “có” đến bất thình lình không lường trước được.

Cách đây không lâu, một đoạn video clip lời chia sẻ của diễn viên Trường Giang tại đám cưới của Puka - Gin Tuấn Kiệt viral trên mạng xã hội. Anh nói: Nhiều người nghĩ hạnh phúc là phải có nhà, có xe, có tiền, có danh vọng... Nhưng với tôi hạnh phúc nằm ở chữ không. Đó là không tai hoạ, không ồn ào, không bệnh tật, không cãi vã, không đau đớn. Cái mình có” là để người ta nhìn vào thôi, còn chữ khôngmới thuộc về mình. Trường Giang và nhiều anh chị đã có gia đình ngồi đây, chỉ có 3 điều để giữ gìn hạnh phúc gia đình, đó là lắng nghe, chia sẻ và tha thứ”.

Câu nói của Trường Giang nhận được sự đồng tình của nhiều cư dân mạng. Trong phần bình luận trên các diễn đàn, có những người thể hiện sự tâm đắc với quan niệm về hạnh phúc của nam nghệ sĩ, cho rằng không chỉ riêng Puka - Gin Tuấn Kiệt mà bất cứ ai nghe điều này cũng cảm thấy “thấm” từng câu chữ.

anh-trai-tim-1-2014.jpg

Hạnh phúc nằm ở chữ “không”, nghe nhẹ tựa lông hồng nhưng để giữ cho tâm trí mình tin vào điều đó, thực hành được điều đó đâu phải dễ. Suốt nhiều năm tuổi trẻ, tôi miệt mài làm việc, hết việc chính lại đến việc phụ, để kiếm tiền. Động lực và cũng là đích đến giúp tôi thức xuyên đêm suốt sáng, thậm chí vào bệnh viện truyền dịch cũng một tay cắm kim, một tay gõ bàn phím, là bởi tôi muốn mình trở thành người giàu có. Tôi tin rằng, khi mình có tiền, thật nhiều tiền, thì muốn gì được nấy, sở hữu mọi điều mình thích, sống ung dung tự tại, chẳng lệ thuộc vào ai. Miệt mài như thế gần chục năm, nhưng những con số trong tài khoản, một ngôi nhà và một chiếc xe vẫn chẳng đủ làm tôi an tâm, cứ cảm thấy thế vẫn còn ít, còn thiếu, cần phải thêm nữa, thêm nhiều nữa. Nhưng thêm bao nhiêu là đủ?

Một ngày nọ tôi nhận ra, lòng tham muốn sở hữu là quả bóng vô tận, ta thổi phồng nó lên bởi rất nhiều sân si trong cuộc đời, để rồi nhìn lại, thật ra ta lại là kẻ trắng tay. Ngôi nhà, chiếc xe mang tên người chủ là ta, nhưng chết đi thì lại thành của người khác; tiền bạc cũng chẳng mang theo được trong hành trình đằng đẵng phía bên kia cuộc đời. Ta tưởng ta sở hữu chúng nhưng thực ra không phải, thứ ta sở hữu thực sự chỉ là cảm giác sở hữu chúng, nhưng cảm giác ấy hư vô, hư ảo lắm. Có đấy mà mất đấy, ngẫm cho cùng, điều ta có lại chính là những thứ phi vật chất, không thể sờ lấy nắm lấy nhưng lại ở vững bền trong ta nhất. Đó là trải nghiệm tinh thần trong mỗi phút giây ta sống: yêu, ghét, giận, hờn, bao dung, tha thứ, hạnh phúc, biết ơn…

14-shutterstock-16952707453691742233419jpg-1154.jpg

Trường Giang nói đúng. Hạnh phúc là “không tai hoạ, không ồn ào, không bệnh tật, không cãi vã, không đau đớn. Cái mình “có” là để người ta nhìn vào thôi, còn chữ “không” mới thuộc về mình.” Cái mình “có” là vật ngoài thân, là thứ trưng phô chủ yếu để người ta nhìn vào trầm trồ ngưỡng mộ; nhưng cái “không” mới thực sự cần thiết cho cuộc sống của mình.

Nói như vậy không có nghĩa là sống bất cần tiền, ngược lại, rất cần là đằng khác, nhưng cái sự cần ấy được điều hoà bằng ý niệm biết đủ, sẽ không tham chiếm lấy toàn bộ thân tâm. Ta không phải nô lệ của đồng tiền, mà là chủ nhân của chúng. Khi là chủ nhân, ta không khổ sở chạnh lòng hay tự ti vì so sánh ít tiền hơn người khác; cũng chẳng cuồng lên để kiếm tiền nhét căng nhét tràn, mà biết dùng tiền vừa đủ để sống thong dong, chấp nhận lúc này lúc kia có cái khổ cái thiếu chút ít cũng được, vì biết bao nhiêu là đủ là vừa?

Có những người sống cả đời vẫn khó mà ngộ được chữ “có” và “không”. Nhiều khi cái “có” thành cái “không” nhẹ bẫng vô chừng, cái “không” thành cái “có” đến bất thình lình không lường trước được. Tiền đi liền với bạc, ông bà xưa đã dạy thế rồi. Có tiền đến mấy mà không biết cách điều hoà, rồi tai ách vận hạn ập đến cũng như không. Có tiền, thật nhiều tiền thì thích thật đấy, nhưng nó dễ cuốn ta đi xa lắm, để rồi ta tưởng ta sở hữu chúng nhưng thực ra chúng sở hữu ta, điều khiển ta, ta hoàn toàn lệ thuộc vào nó. Ta vui buồn vì tiền, khốn khổ khốn nạn vì tiền, đánh mất bản thân và gia đình vì tiền. Thế nên, “có” cũng cần, nhưng cần hơn cả là “không” - như quan niệm của Trường Giang, ngẫm kỹ cũng nhiều điều hay.