Những mảnh ký ức

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Tôi ngồi trên bãi cát, đếm những nhịp sóng xô bờ. 1,2,3,4,5,6,7… Trong chớp mắt, tôi tưởng như đang đếm những vui buồn lòng mình, những hoang mang lòng mình, những đổ vỡ lòng mình, và kì diệu thay, nhịp sóng êm đềm ấy xoa dịu chơi vơi tôi trong nỗi lặng thầm của sự hoá thân.

Tôi không thích trời mưa, nhưng đặc biệt thích cảm giác uống cà phê trong căn phòng ấm, nhìn ra nỗi ướt át ngoài kia. Tôi thường cảm thấy thật sâu lắng vào những giây phút ấy. Tách cà phê, với tất cả sức mạnh quyện hoà giữa mùi của đất, da thuộc, gỗ mục, quả chín… bao bọc tôi trong vòng hương dịu dàng, ấm áp, yên lành. Nó vỗ về những xao động trong lòng. Nó ủi an vài điều chộn rộn. Nó gợi lên những mảnh ký ức thẳm xa. Như hôm nay, hương cà phê trong quán ấm này khiến tôi nghĩ về một cốc cà phê khác mà tôi đã ngồi uống chênh vênh trên một mỏm đá nhô ra mặt biển Kê Gà, cùng hai người phụ nữ làng chài mở lòng cho tôi ở trọ suốt hai tuần lang thang.

phan-thiet-4-2003.jpg

Đó là năm 2008. Chuyến bay từ Huế đi TP. Hồ Chí Minh hơn 600.000 đồng/vé. Tôi tính toán sơ bộ các khoản cần chi trong vòng 1 tháng, rồi xách balo lên và đi. Điều tuyệt vời nhất của tuổi trẻ là ta có thể làm mọi điều mình muốn mà không nghĩ gì nhiều. Hậu quả là thứ gì đó thật xa xôi, hoặc kể cả gần gụi, thì nó cũng chẳng đáng sợ mấy. Tôi ở phố thị sôi động chỉ 1 tuần rồi chán, quơ đại tờ rơi quảng cáo ở một đại lý du lịch trên đường, thấy giới thiệu về Kê Gà: ngọn hải đăng trăm tuổi, bãi đá cổ kì thú, làng chài nhỏ… Vậy là đi!

Từ TP. Hồ Chí Minh, tôi bắt tàu đi Phan Thiết, giá vé ngồi ghế gỗ đâu đó chỉ tầm vài chục nghìn đồng. Tàu chợ xình xịch xình xịch, kéo rê chục toa trên tuyến đường sắt cũ kỹ. Được cái cảnh đẹp, ô kính tàu loang lổ không làm vợi đi màu xanh cỏ cây, những triền đồi nhấp nhô, và sắc đỏ của vườn thanh long ngút tầm mắt. Tôi không chụp ảnh, tôi không thích chụp ảnh, tôi tin rằng ánh mắt chăm chú của con người hơn tất thảy mọi thấu kính trên đời. Tôi có ghi chép, đôi dòng vụn vặt mà giờ đã thất lạc đâu đó trong những lần di chuyển. Chẳng có gì quan trọng, dù hàng chục năm sau tôi biết mình không thể hình dung nổi những chi tiết diễn ra trong buổi sáng ngẫu hứng ấy, thì tôi vẫn luôn nhớ rằng một đôi điều đẹp đẽ đã đến và ở lại với tôi, dẫu chỉ trong khoảnh khắc ngắn ngủi, vậy cũng đã đủ rồi.

4-6285.jpg

Xuống tàu, tôi dò tìm mã số xe bus - phương tiện giao thông rẻ nhất trong khả năng chi tiêu của tôi. Chuyến xe số 6 đưa tôi về Kê Gà đã tầm trưa. “Chẳng đẹp như tưởng tượng!” - tôi nghĩ. Làng chài nhỏ chỉ tầm trăm hộ dân, nhà cửa lụp xụp với mái tôn đặc trưng, và cửa gỗ sơn đủ thứ màu. Những con thuyền mắc cạn trên bãi cát. Mùi tanh nồng thường trực. Mặt biển lấp loá như hàng triệu mặt biển trên trái đất này. Sóng liếm vào bãi cát rồi mờ tan vào những nhịp vỗ khác, miên man tự hồi sinh mình trong vòng lặp bất tận. Tôi ngồi trên bãi cát, đếm những nhịp sóng xô bờ. 1,2,3,4,5,6,7… Trong chớp mắt, tôi tưởng như đang đếm những vui buồn lòng mình, những hoang mang lòng mình, những đổ vỡ lòng mình, và kì diệu thay, nhịp sóng êm đềm ấy xoa dịu chơi vơi tôi trong nỗi lặng thầm của sự hoá thân.

Còn nhớ tôi đã ở suốt hai tuần trong một ngôi nhà nhỏ - nơi chỉ có hai người phụ nữ - mẹ chồng và nàng dâu, hai goá phụ. Chồng họ đều thác trên biển. Tôi đã ở với họ những sáng, những chiều, những đêm. Cơ bản là lặng lẽ, và buồn. Cũng có đôi chút niềm vui, như khi cô con dâu xé ba gói cà phê hoà tan đổ vào ba chiếc cốc sứ nhẽ ra dùng để uống trà, rồi rủ tôi ra mỏm đá ngồi hóng gió. Thật tình, gió thì có gì mà hóng. Có lẽ chị hóng cái khác, hóng một người, hóng một đời…

Cái hay ở xóm chài này là người ta đón nhận người đến và đi một cách bình thản. Tôi ở đây hai tuần mà hai người phụ nữ chỉ hỏi tôi đến từ đâu, đang học gì hay làm gì, rồi thôi. Họ chẳng sợ hãi trộm cướp, lừa đảo, dối gian. Họ thật như đếm và nghĩ ai cũng như mình. Họ sống nhờ lộc trời lộc biển và hào phóng sẻ chia cho tất thảy những ai cần. Họ chỉ sống tốt đời mình, không bận mải tò mò, hiếu kì đời người khác. Họ không định kiến, không phán xét. Ở đây, tôi thấy mình là mình. Ánh sáng hay màn đêm cũng không làm tôi khác đi. Màu biển hay màu trời cũng chẳng khiến tôi bận mải. Tôi có thể nghĩ thông suốt nhiều thứ hoặc hoàn toàn không nghĩ gì. Tôi thậm chí còn tự se nhỏ nỗi buồn khủng khiếp của mình lại, tự thấy những khổ sổ trước đó thật kỳ quặc. Hồi đó còn chưa thịnh hành từ khoá “chữa lành”, nhưng giờ nhìn lại, dường như tôi đã ăn may được chữa lành, được vá víu dịu êm trong những ngày ở đó.

hai-dang-ke-ga-1-433.jpg

Ở suốt hai tuần, thói quen lặng lẽ đến nỗi có lúc tôi tưởng mình sinh ra ở đây, lớn lên ở đây. May có hương cà phê níu lại, nhắc nhớ tôi rằng mình thuộc về nơi khác, mình phải quay về nơi khác. Cà phê ở đây cũng là thứ xa xỉ, không mua theo hộp mà mua lẻ từng gói. Trước ngày cuối cùng tôi rời đi, chị nhét vào túi tôi hai gói cà phê, rồi chèo thuyền thúng chở tôi ra hải đăng Kê Gà, “gửi” tôi cho một anh canh mũi tên Dũng. “Anh Dũng đưa em nó leo hải đăng, xem mũi Kê Gà này đẹp thế nào nha!” - chị hét vọng khi quành thúng trở về.

Anh Dũng canh mũi một mình, 1 tuần 1 lần đổi gác với người khác. Sống tạm bợ giản đơn, lục tung cả phòng không tìm được cái ly, đành pha cà phê vào bát. Anh bưng bát, dẫn tôi leo 183 bậc thang, lên tận đỉnh ngọn hải đăng hơn trăm tuổi, phóng tầm mắt nhìn ra xa, nhìn xuống đất, nhìn thẳng vào mặt biển. Khi ở trên cao, tôi không sợ nhìn vào biển nữa, ánh lấp loá không chói thẳng làm nhức mắt, và nỗi sợ hãi những bí ẩn khơi xa cũng vợi đi nhiều. Biển xanh như màu trời, xanh như viên ngọc bích, xanh như những gì xanh nhất mà tôi có thể nghĩ đến. Tôi nhấp một ngụm cà phê, để hương vị quen thuộc ấy lan trong khoang miệng mà xúc động muốn khóc. Một nỗi gì đó oà ra theo nước mắt. Lúc bấy giờ, tôi biết mình đã được giải thoát, hoàn toàn.