Trở thành chính mình

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Càng lớn, tôi càng nhận ra rằng, việc nhìn vào ai đó rồi noi theo để tạo tác thành một cái tôi giông giống, na ná họ không khó; điều khó nhất trên đời này là thực sự trở thành chính mình.

Lúc còn bé, tôi luôn ao ước và tưởng tượng mình sẽ trở thành một người nào đó, kiểu như chị A. là du học sinh ở Mỹ, như anh B. làm việc trong tập đoàn nước ngoài, như cô C. có khiếu nói chuyện hài hước trời ban, như cô D. luôn ăn mặc thật khí chất mà ai nhìn vào cũng mê… Nhưng càng lớn, tôi càng nhận ra rằng, việc nhìn vào ai đó rồi noi theo để tạo tác thành một cái tôi giông giống, na ná họ không khó; điều khó nhất trên đời này là thực sự trở thành chính mình.

866c2440-b4e7-11e7-9c66-2e995a9a3302.png

Có một khoảng thời gian dài, tôi có dấu hiệu khủng hoảng bởi hội chứng The Missing Tile. Những người quan tâm đến lĩnh vực tâm lý học chắc biết về hội chứng này, biểu hiện rõ nhất là xu hướng tập trung quan tâm vào những điều người khác có mà mình không có.

Ví dụ, khi tôi bước vào quán cà phê, tôi thường nhìn ngắm và nghĩ nhiều về những cô gái có thân hình thon thả, và tự so sánh với body có phần mũm mĩm của mình; hoặc khi trò chuyện với một người có mái tóc dày bóng đẹp, tôi thường vô thức đưa tay vuốt mớ tóc lơ thơ của mình; đôi khi trong một cuộc hội nghị, tôi chăm chú vào diễn giả không phải bởi nội dung hay ho hấp dẫn, mà chỉ vì điều nhỏ nhặt như kiểu “Ôi anh ta nhả chữ cuối thật nhẹ, nghe hay làm sao!”, “Chị này có thói quen nhấc tay duyên dáng quá!”…

Hội chứng này nghe qua tưởng chuyện nhỏ, nhưng không, qua thời gian, nó thực sự mang đến nhiều hệ luỵ. Việc quá tập trung vào điểm mạnh của người khác khiến tôi càng khoét sâu tự ti vào điểm yếu của bản thân, và lâu dần, cảm thấy bản thân dường như chẳng có ưu điểm gì đáng kể. Tôi tự phủ nhận mình, tự ruồng bỏ những điều đẹp đẽ của mình. Tôi trở thành “cỗ máy xã hội” phiên bản photocopy nhợt nhạt. Tôi là tôi mà cũng chẳng phải là tôi. Trong lớp sương mù của sự so sánh, tôi đã không nhận ra rằng, mình cũng có vô vàn những điều đáng mến, đáng yêu, và rất nhiều người cũng dành lời khen cho ánh mắt, nụ cười, lối kể chuyện, bộ óc nhanh nhạy và thông minh của mình.

1614670426_cach-giup-ban-yeu-thuong-ban-than-1.jpg

Càng ngày tôi càng nhận ra, việc so sánh và gồng lên để trông giống với một ai đó không khiến mình trở nên hoàn mỹ hơn, mà trái lại, đẩy cuộc sống của mình vào thế mờ mịt. Tôi học cách nhìn sâu vào bản thể, chấp nhận, ghi nhận và trân trọng những điều đặc biệt của riêng mình.

Những điều đặc biệt, có thể là ưu điểm, cũng có thể là khuyết điểm. Khi ta nhìn khuyết điểm với lòng dịu dàng và bao dung, ta sẽ thấy trong mỗi vết rạn đều có một câu chuyện riêng.Người mũm mĩm biết đâu là bởi quá ám ảnh vì tuổi thơ nghèo đói khốn khó, họ cần ăn uống đủ đầy để mang lại cảm giác thoả mãn và an toàn? Người có mái tóc xác xơ, có thể là do những tháng năm cùng mẹ cha trằn mình trên đê dưới ruộng để mưu sinh qua ngày? Người có đôi tay gầy guộc và xấu xí, nhưng lại có đủ 10 hoa tay để thêu thùa, may vá, cắm hoa thật khéo?

Thế đấy, khi ta học cách chấp nhận bản thân như nó vốn có, ta sẽ thấy ta cũng đủ đầy những điều đẹp đẽ, ta toả sáng theo một cách riêng, và những khuyết điểm dù âm thầm hay lộ rõ vẫn có giá trị của riêng nó.

Trở thành phiên bản sao chép của người khác không khó đâu, nhưng trở thành chính mình thì khó xiết bao. Trên đời này chẳng có ai là hoàn hảo cả, và làm sao có chuẩn mực nào cho sự hoàn hảo. Thế nên, hãy tập trung vào chính mình nhiều hơn, rèn luyện cho những ưu điểm thêm thăng hoa, và cải thiện cho nhẹ đi những khuyết điểm. Cuộc sống là do ta chọn, đường là tự chân ta đi, nên cuộc đời mỗi người tròn vẹn theo một hệ quy chiếu riêng, chẳng cần phải soi chiếu vào ai khác.