Những đứa trẻ 'gánh' ước mơ người lớn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Ước sao đôi vai bé nhỏ của các con không oằn xuống vì ước mơ lớn lao của cha mẹ, mà thật sự thẳng lưng bước tới trên con đường tri thức bằng mong muốn của chính mình, dựa trên sự trợ lực và định hướng đầy yêu thương của đấng sinh thành.

Tuần qua, một trong những video được viral trên Facebook là talk show về giáo dục trẻ em. Talk show mời 3 đôi mẹ con, các con đều 11 tuổi, đang học lớp 5. Câu chuyện được đề cập tới trong talk show thật ra không mới, song năm nào cũng “nóng”, đó là áp lực học tập và thi cử đè nặng lên những đứa trẻ. Talk show được xây dựng dưới hình thức hỏi - đáp trực tiếp giữa mẹ và con. Trong đó, có nhiều đoạn hội thoại ám ảnh:

- Để trở thành người tốt thì con phải làm gì?

- Dạ, con cần học giỏi.

- Để học giỏi con phải làm sao?

- Dạ, học nhiều.

Ở một đôi mẹ con khác, người mẹ nói với đứa con thích đá bóng của mình rằng chơi thể thao rất mất thời gian, và giao hẹn, nếu tất cả bài thi của con đều được điểm 9, 10 thì mẹ mới cho con đá bóng như một món quà. Các bà mẹ có những “triết lý” dạy con nghe rất… vĩ mô: Càng tự giác, con càng tự do; Bố mẹ chỉ làm những điều tốt cho con; Muốn trở thành người thành công thì con phải chịu được áp lực…

Thú thực, người lớn xem talk show này, nghe các bà mẹ dạy con vào khuôn khổ cũng cảm thấy ngột ngạt. 3 đứa trẻ tham gia chương trình, học bạ chưa từng có điểm nào dưới 9, tuổi thơ của chúng xoay quanh triền miên các đề thi và bài kiểm tra dường như làm mãi chẳng bao giờ hết. Học hành trở thành gánh nặng, kiến thức là nỗi ám ảnh, và chúng “cõng” gánh nặng, nỗi ám ảnh ấy nặng nhọc mà mơ hồ tiến về phía trước, hướng đến cái tương lai lấp lánh xa vời mà bố mẹ vẽ ra: con sẽ thành học sinh giỏi, con đại diện cho trường đi thi, con sẽ đạt học bổng du học, con sẽ thành công…

bo-anh-giai-bay-ap-luc-cua-cac-hoc-sinh-cuoi-cap-5.jpg

Người dẫn chương trình hỏi các bà mẹ: Đã bao giờ các chị hỏi con thật sự muốn gì hay chưa? Sau một thoáng im lặng, một bà mẹ trả lời, đại ý: Thật ra con nói vậy thôi chứ tuổi nhỏ còn suy nghĩ phiến diện, chưa biết điều gì là tốt cho mình! - Vậy có nghĩa là kể cả con nói con muốn gì thì mẹ cũng không nghiêm túc lắng nghe phải không? - Người dẫn chương trình hỏi tiếp. Và lần này thì quãng im lặng thật dài…

Có lần, ở đâu đó trên Facebook, trước thực trạng một số trường hợp trẻ vị thành niên trầm cảm vì áp lực học hành dẫn tới những hành động dại dột, một vài người đã thốt lời cảm thán: Chẳng ở đâu mà làm con khó như ở Việt Nam! Tôi thì nghĩ khác. Ở Việt Nam hay ở đâu cũng vậy thôi, cũng đều có những cái khó như nhau. Nói gì thì nói, thước đo học vấn qua bằng cấp vẫn cứ là một chuẩn mực mà dựa vào đó, xã hội nhìn vào, soi vào, rồi tấm tắc ngợi khen, so sánh hơn thua.

Bạn nào là du học sinh hoặc làm việc ở các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài chẳng lạ gì câu hỏi: Bạn tốt nghiệp trường nào?; và cảm giác được tấm tắc ngưỡng mộ nếu câu trả lời là top những trường đại học thuộc nhóm Ivy League (Nhóm các trường đại học hàng đầu nước Mỹ như: Harvard University, Yale University, Princeton University, University of Pennsylvania, Brown University, Columbia University…).

Thế thì, trở lại điều đang nói ở trên, dù muốn dù không, học vấn và bằng cấp cũng được xã hội nói chung đề cao như vậy, mở ra nhiều lựa chọn thuận lợi cho con đường tương lai như vậy, do đó, áp lực học hành và thi cử vô hình trung đè nặng lên mỗi gia đình, mỗi bậc phụ huynh, mỗi đứa trẻ là chuyện dễ hiểu! Đứa trẻ nào cũng là niềm hy vọng của mẹ cha, gia đình, dòng tộc, vậy nên, để niềm hy vọng ấy cháy bùng lên, mọi người đều dồn vào chăm bẵm, lo âu, định hướng cho tương lai của trẻ, nhằm đảm bảo học hành đến nơi đến chốn, mai kia có đủ bằng cấp mà chống chọi với đời. Học hành vì thế như trở thành cuộc đua khốc liệt, mà đứa trẻ - vận động viên trên đường pitch cứ thế cắm đầu chạy mà thậm chí không hiểu đích đến ở đâu, chạm đến đích để làm gì. Những đứa trẻ miệt mài chạy vì cha mẹ bảo có thế mới đảm bảo tương lai hạnh phúc, thế nhưng còn hiện tại - hàng triệu khoảnh khắc vùi đầu vào sách vở mà quên hết vui thú tuổi thơ, liệu chúng có hạnh phúc không?

“Không, con không cảm thấy vui, không cảm thấy hạnh phúc một chút nào!” - đứa trẻ 11 tuổi đã trả lời người dẫn chương trình talk show như vậy. “Con không muốn vào trường chuyên, cái đó là mẹ con muốn thôi”. Người mẹ ngỡ ngàng khi con trả lời như vậy. “Vậy con muốn gì?” - “Con muốn vừa học, vừa chơi. Con biết học cũng cần thiết, nhưng chơi cũng cần như vậy đó mẹ. Có nhiều trò chơi cũng cho mình bài học mà mẹ. Và con muốn mẹ lắng nghe con nhiều hơn nữa”.

h1-8108.png

Lắng nghe nhiều hơn nữa dường như là bí quyết cho mọi mớ bòng bong rắc rối của cuộc đời này. Lắng nghe con cũng không khó như chúng ta nghĩ, nếu thực sự lắng nghe với tâm thế tôn trọng sự khác biệt, từ đó tìm giải pháp hài hoà cho mọi vấn đề. Lắng nghe là nguồn gốc của việc cởi bỏ gánh nặng, để học hành đi liền với niềm vui tiếp nhận tri thức mới mẻ chứ không phải gắn với áp lực sợ hãi. Lắng nghe cũng là bước đầu tiên cho quá trình trao đổi bình đẳng, để không vội phủ nhận mong muốn của con và cũng để cha mẹ nói lên mong muốn của mình. Ước sao sự lắng nghe và thấu hiểu ấy có trong mỗi gia đình, để những đôi vai bé nhỏ của các con không oằn xuống vì ước mơ lớn lao của cha mẹ, mà thật sự thẳng lưng bước tới trên con đường tri thức bằng mong muốn của chính mình, dựa trên sự trợ lực và định hướng đầy yêu thương của đấng sinh thành.