Ông lão ở đợ và cuộc sống trong dinh thự quan phủ Tương Dương

(Baonghean.vn) - Vợ và các con gái của quan phủ cũng phải dệt vải, thêu áo. Quan phủ thì làm việc trong một căn phòng gọi là nhà chè. Khi cần người giúp việc thì gõ chuông.

Dòng họ Lang Vi ở bản Phục xã Đôn Phục – con Cuông vẫn còn lưu giữ được nhiều văn tự của triều đình nhà Nguyễn
Dòng họ Lang Vi ở bản Phục xã Đôn Phục – con Cuông vẫn còn lưu giữ được nhiều văn tự của triều đình nhà Nguyễn

Quê gốc Hưng Mỹ, Hưng Nguyên, Nghệ An, lên 5 tuồi, Ngô Quang Tư bị bán cho quan phủ Tương Dương. Ông lão 78 tuổi hiện sống ở bản Phục, xã Đôn Phục (Con Cuông). Tuổi thơ của ông trải qua trong phủ đệ của Tri phủ Lang Vi Năng - vị quan phủ cuối cùng của phủ Tương Dương.

Bị bại liệt từ 13 tuổi do chứng thương hàn, ông Tư phải sống dựa vào người cháu gọi ông bằng chú. Ông cho biết hồi trẻ có tìm về quê nhưng họ hàng thân thích chẳng còn ai, đành chấp nhận sống tha phương nơi đất khách quê người.

Về tuổi thơ gian truân của mình, ông Tư nhớ lại: Cha ông tham gia phong trào Xô Viết – Nghệ Tĩnh bị chính quyền bảo hộ truy đuổi. Trốn sang Lào rồi trở về nước nhưng phải trốn chui, trốn lủi ở miền núi. Túng quẫn quá, buộc lòng người cha phải bán con cho chức sắc phong kiến.

Ông Ngô Quang Tư kể về những ngày sống trong phủ Tương Dương của mình. 
Ông Ngô Quang Tư kể về những ngày sống trong phủ Tương Dương của mình. 

Vào khoảng năm 1942, 1943, lần thứ 3 người cha lại bán ông Tư vào phủ đệ của Lang Vi Năng. Trước đó ông đã bị bán 2 lần nhưng đều trốn về được. Lần này cũng là lần cuối cùng ông được nhìn mặt cha. Từ đó cuộc đời của ông gắn liền với dòng họ Lang Vi một thời danh gia vọng tộc. Ông được Lang Vi Năng nhận làm “con nuôi” nhưng không cho nhập họ và sống tại phủ đệ của vị quan này đến năm 1947 thì theo gia đình chuyển đi một số nơi khác nhau. Năm 1950 về định cư tại quê nhà quan phủ ở bản Phục.

Di ảnh quan phủ Lang Vi Năng. Phủ Năng được thờ tại nhà con trai trưởng là ông Lang Vi Tịnh ở bản Phục xã Đôn Phục, Con Cuông
Di ảnh quan phủ Lang Vi Năng. Phủ Năng được thờ tại nhà con trai trưởng là ông Lang Vi Tịnh ở bản Phục xã Đôn Phục, Con Cuông

Phần lớn cuộc đời chìm đắm trong nghèo khó, nên những tháng năm ngắn ngủi trong nhà phủ (ở xã Xá Lượng - Tương Dương hiện nay) là quãng thời gian đẹp nhất đời ông. Tương Dương là một trong hai phủ do người Thái làm tri phủ từ thời Pháp thuộc đến năm 1945. Hiện tại phủ Tương Dương chỉ còn lại phế tích là chiếc cổng vào. Một tán đa chằng chịt trên vòm cổng. Địa điểm thủ phủ đứng chân đã được xây trường học từ cách đây hơn nửa thế kỷ. “Bây giờ nhắm mắt lại tôi vẫn nhớ rõ từng ngôi nhà trong phủ.” Ông lão cho biết.

Cổng phủ Tương Dương giờ chỉ còn lại một chiếc cổng. Đã hơn nửa thế kỷ nay, nơi đứng chân của tòa phủ trở thành trường học.
Cổng phủ Tương Dương giờ chỉ còn lại một chiếc cổng. Đã hơn nửa thế kỷ nay, nơi đứng chân của tòa phủ trở thành trường học.

Theo mô tả của Ngô Quang Tư thì cổng chính phủ Tương Dương hướng ra sông Nậm Nơn, chi lưu của sông Lam. Có một chiếc cầu mây bắc qua sông dẫn vào cổng phủ. Đi thẳng vào là nhà trung đường, nơi làm việc của các ông thừa phái, thư lại, bảo an, tòa án. Quan phủ làm việc ở nhà chè cạnh trung đường. Khi có việc cần lại gõ vào chiếc chuông đặt cạnh bàn. Lính lệ nghe hiệu lệnh lập tức chạy đến để quan sai việc.

Phía sau là nhà phủ và nhà học. Nhà phủ là nơi ở của gia quyến quan phủ. Vợ và các con của quan phủ thường thêu thùa ở nhà học. Đó là một ngôi nhà sàn rộng rãi. Các con gái của quan phủ cũng được mẹ dạy việc thêu thùa. Hàng tuần, các con của quan còn được thầy học dạy chữ Nho, tiếng Pháp. Vì thế những con gái lớn của ông Lang Vi Năng ai cũng giỏi tiếng Pháp.

Năm 1945, chính quyền về tay cách mạng. Ông Tư nhớ lại: “Giao ấn tín cho Việt Minh xong, gia đình ông Lang Vi Năng vẫn sinh sống tại trong phủ đến năm 1947 mới chuyển đi.”

Bị bại liệt từ nhỏ, không được đào tạo về sư phạm nhưng ông Tư có trên 20 năm tham gia các lớp dạy chữ cho bà con dân bản các xã Đôn Phục, Cam Lâm, huyện Con Cuông. Ông được dân bản quen gọi là “Thầy Tư”.

Hữu Vi

TIN LIÊN QUAN

Tin mới