Chính sách thì nhiều!...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Chính sách đối với đồng bào miền núi, dân tộc thiểu số thì nhiều, nhưng không phải “thứ” nào cũng mang lại hiệu quả.

Đọc báo thấy nói, trong 5 năm, từ năm 2017 đến 2022, thông qua 17 chính sách từ Trung ương và 5 chính sách của tỉnh, nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn ở tỉnh ta được hỗ trợ hơn 6.120 tỷ đồng phát triển kinh tế - xã hội.

Bản Huồi Mới 1 (xã Tri Lễ, huyện Quế Phong). Ảnh tư liệu Đào Tuấn

Bản Huồi Mới 1 (xã Tri Lễ, huyện Quế Phong). Ảnh tư liệu Đào Tuấn

6.120 tỷ đồng là bao nhiêu con số nhỉ. Mình lấy điện thoại thử bấm mãi mà không biết là mấy số 0. Cũng theo trên báo, mà báo lại dẫn lời lãnh đạo Sở Tài chính thì 5 năm qua Trung ương ban hành 17 chính sách liên quan hỗ trợ học sinh, sinh viên, phát triển giáo dục - y tế, đào tạo nghề cho lao động nông thôn; chính sách bảo vệ và phát triển rừng, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo… Phía tỉnh có 5 chính sách liên quan đến hỗ trợ giảm nghèo đối với các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 30% trở lên ngoài Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP giai đoạn 2016 - 2020; hỗ trợ các mô hình giống chăn nuôi, chính sách vay tín dụng ưu đãi…

Cách đây vài năm, mình theo dõi trên báo cũng thấy nói tỉnh ta lúc ấy đang có hơn 70 chính sách còn hiệu lực dành cho đồng bào miền núi, dân tộc. Cũng nhờ có các chính sách của Nhà nước mà đời sống bà con vùng sâu, vùng xa đỡ khổ, việc sản xuất, chăn nuôi, đời sống, sinh hoạt của người dân miền núi cũng từng bước được cải thiện. Rồi thì Quốc hội, Chính phủ cũng ban hành thêm các chủ trương, nghị quyết nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Mục tiêu là làm thế nào để kéo miền núi theo sát miền xuôi.

Lãnh đạo huyện Kỳ Sơn và nhà tài trợ khảo sát, thống nhất phương án tài trợ xây dựng Trường THPT Kỳ Sơn. Ảnh tư liệu: H.T
Lãnh đạo huyện Kỳ Sơn và nhà tài trợ khảo sát, thống nhất phương án tài trợ xây dựng Trường THPT Kỳ Sơn. Ảnh tư liệu: H.T

Có điều, chính sách đối với đồng bào miền núi, dân tộc thiểu số thì nhiều nhưng không phải “thứ” nào cũng mang lại hiệu quả. Một trong những lý do là mỗi chính sách lại do một bộ, ngành nào đó phụ trách; tương tự tại địa phương là do các sở, ngành, đơn vị phụ trách. Cũng có khi hơn một đơn vị cùng triển khai một chính sách. Có những dự án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào miền núi “chết ẻo” ngay khi vừa triển khai, lại cũng có dự án “ngủm” luôn sau khi sở, ngành được giao thực hiện rút đi. Thế mới nói có nhiều cây, con giống triển khai ở khu vực miền núi nhằm xóa nghèo nhưng chẳng tạo được sinh kế cho người dân.

Mới đây, một cán bộ của HĐND tỉnh cho hay, một Bộ ở ngoài Trung ương đã đầu tư xây dựng nhà văn hóa cộng đồng trị giá hơn 6 tỷ đồng cho một bản dân cư thuộc dân tộc rất ít người ở Nghệ An. Tốt đấy! Tuy nhiên, nhà văn hóa chỉ có công năng mỗi tháng sinh hoạt một lần, trong khi đó nhà ở của bà con lại rất khó khăn.