Học ngành gì để nhanh giàu?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Làm giàu là một trong những khát vọng mạnh mẽ nhất của nhân loại. Khát vọng ấy thật đáng quý, bởi xã hội càng có nhiều người sở hữu khát vọng làm giàu và có hành động cụ thể biến khát vọng thành hiện thực thì xã hội phát triển càng nhanh.

Nhưng, liệu có tồn tại một (vài) ngành học dạy người ta nhanh giàu thật không? Và nếu có, những giảng viên đứng lớp dạy làm giàu ấy có… giàu không?

Một status gây “bão” trên mạng xã hội trong những ngày gần đây, khi nhà nhà, người người đang thấp thỏm âu lo với kỳ thi tốt nghiệp THPT, băn khoăn trước muôn ngã rẽ của sự lựa chọn cho bước đường tương lai. Status được cho là của một nam sinh lớp 12, cậu viết: “Mọi người cho em hỏi, học ngành gì để nhanh giàu ạ? Bố mẹ em bảo đăng ký ngành quản trị kinh doanh, chị em thì nói học kế toán hoặc ngân hàng gì đó! Theo mọi người thì thế nào ạ?”

Câu hỏi khiến người đọc bật cười, phần bởi sự ngây thơ, thậm chí phải nói là ngô nghê, phần vì nỗi băn khoăn rất… chính đáng và thẳng thắn. Hàng nghìn bình luận khen nam sinh dũng cảm khi dám hỏi điều mà ai cũng muốn biết; phần lớn khác thì nhiệt tình nhắn nhủ khuyên lơn những ngành học cụ thể từ trải nghiệm cá nhân; lọt thỏm giữa cơ man bình luận ấy là lác đác lời khuyên chàng trai nên tự hỏi chính mình giỏi cái gì, thích cái gì rồi từ từ chọn lựa.

nen-hoc-nghe-gi-1200x686.png

Thực tế, có biết bao người sống cả đời vẫn không biết mình thích cái gì, muốn cái gì. Rất nhiều người - như chàng trai kể trên - đưa ra những quyết định lớn cho cuộc đời mình dựa trên việc tham khảo cuộc đời người khác.

Thấy người ta học ngành ngân hàng “ngon ăn”, nghe đâu lương hàng tháng ổn định 15-20 triệu đồng, chưa kể thưởng Tết thưởng quý vài chục, vài trăm triệu đồng, ham quá, vội đăng ký liền tay. Nghe chị gái nhà bên nói xu hướng thời đại là phải học ngành truyền thông, vì thấy nhiều TikToker, Youtuber giàu nhanh chóng mặt, thế là lao vào học truyền thông. Rồi thì anh họ lại bảo, xã hội thời nay nhiều rủi ro bất trắc, mày đi học ngành tài chính bảo hiểm đi, ngành đó dễ sống lắm. Bố mẹ thì cằn nhằn, nghe tên mấy ngành gì mà xa lạ quá, cứ theo học ngành truyền thống như sư phạm, y khoa thôi, thời nào chẳng cần giáo viên, bác sĩ, không làm công thì làm tư, lo gì! Ôi trời, cứ nghe nói, thấy bảo… như thế thì ngành gì chẳng ngon, ngành gì chẳng mau giàu! Nhưng đời nào có như mơ!

Trừ khi ăn may, trừ khi “tốt số hơn cố làm”, còn phần đa nếu muốn dựa vào việc học 1 ngành trong 4 năm, ôm mớ kiến thức lý thuyết nặng trịch ấy hoang mang lao đại vào đời thì khó mà giàu nổi, chứ chưa nói tới giàu nhanh.

Giàu - hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ là những con số trong tài khoản ngân hàng. Sự khác biệt giữa một người nhiều tiền và một người giàu có là người nhiều tiền luôn chạy theo đồng tiền, luôn đặt tiền làm trung tâm để thu hút sự chú ý của người khác; còn người giàu có thực sự là người ít quan tâm đến tiền bởi họ đủ giỏi để tiền chạy theo họ, không cần chi nhiều tiền để chứng minh cho người khác thấy mình oách đến mức nào. Sự giàu có không đo bằng số tiền mà bằng sự bền vững của giá trị tài sản mà họ sở hữu và năng lực kiếm tiền của họ. Thế thì, làm gì có ngành học nào trên thế giới này bày cho bạn cách giàu nhanh, trong khi giàu có là vừa là loại giá trị, vừa là loại năng lực được xây đắp bằng muôn vàn trải nghiệm bầm dập của cuộc đời?

dbebefc7b51a7844210b.jpg

Đọc báo viết về tỷ phú, về giới siêu giàu trên thế giới, dễ nhận thấy một điểm chung ở họ, đó là sự tự lập và chủ động. Sự tự lập và chủ động này thể hiện ngay từ những điều rất nhỏ bé, thậm chí nhiều người chê bai là tầm thường, như việc họ có thể nấu ăn cho mình khi mẹ, vợ hoặc người giúp việc vắng nhà; có thể tự sửa chữa đồ điện, đường nước, sửa lỗi cơ bản khi xe máy, xe đạp, ô tô hỏng hóc; tự biết kiếm tiền tiêu vặt từ khi còn rất nhỏ…

Không bàn đến những tỷ phú tự thân, mà ngay cả những tỷ phú sinh ra đã “ngậm thìa vàng”, sung sướng sống trong gia tộc giàu có truyền đời, cũng sở hữu và rèn luyện cho mình những tố chất tự lập ưu tú như vậy. Họ xem đó là kỹ năng tiên quyết quan trọng nhất của một con người.

Người tự lập sẽ tự tin, tự chủ, tự trọng. Người không tự chăm sóc được bản thân sẽ khó thấu hiểu được bản thân mình có năng lực gì, thích gì, muốn làm gì, làm gì là giỏi nhất… Nhìn quanh ta mà xem, có biết bao bạn trẻ tuổi 15,18, thậm chí người lớn tuổi 30,35 vẫn nằm dài cả ngày, miệng kêu chán quá nhưng tay chân thì chẳng muốn động đậy tí nào. Nói tập thể thao thì bảo mệt, nói tập thể dục nhẹ nhàng thì kêu lười, nói học cái này cái kia cho đỡ ươn người thì bảo thôi mất thời gian. Sợ mệt, ngại lười, e mất thời gian thì mãi mãi chỉ nằm xem tivi và ngưỡng mộ (hoặc xoi mói bỉ bôi) những người giàu có mà thôi, có học ngành gì ra cũng vậy!

giau1-16473306130702137917628.jpg

Nói thêm một chút, nhiều bạn trẻ cũng đang nhầm lẫn giữa chọn ngành và chọn nghề. Khái niệm ngành rộng hơn, trong ngành có thể có nhiều nghề. Nhiều bạn chọn học ngành Y, nhưng trong ngành Y có nghề bác sĩ, y tá, điều dưỡng…; học ngành kỹ thuật công trình giao thông nhưng không biết là trong ngành chia làm nghề kỹ sư giám sát công trình, kỹ sư thiết kế bản vẽ…

Do sự nhầm lẫn hoặc chưa hiểu biết đúng và đủ giữa ngành và nghề nên một số bạn đưa ra quyết định sai lầm: chọn học một ngành nghe tên thật oách, chung chung mà chưa hiểu sau khi tốt nghiệp thì làm nghề gì, đến khi ra trường rồi mới vỡ mộng trước thực tại khắc nghiệt.

Lời khuyên nhỏ dành cho các bạn, nên xác định mình muốn làm nghề gì chứ đừng mải băn khoăn mình sẽ học ngành gì; xác định càng cụ thể thì khi học xong đi tìm việc càng đỡ sốc. Mấy năm vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Tổ chức lao động quốc tế phối hợp soạn thảo, ban hành Bộ tài liệu hướng nghiệp cho học sinh lứa tuổi 14-19. Tài liệu rất hữu ích, tập trung mô tả, phân tích những tố chất cần có cho từng nghề và đưa ra dự báo về 199 nghề phổ biến và đặc dụng ở Việt Nam, rất chi tiết và thực tế. Chi tiết và thực tế chính là yếu tố cần cân nhắc khi hướng nghiệp, chứ đừng phó thác đời mình vào những câu trả lời vu vơ trên mạng, và cũng đừng mộng mơ giàu xổi, giàu nhanh khi bản thân chưa có cái nền vững chắc: sự tự lập và chủ động!