Mãi tỏa sáng đạo lý ‘Uống nước nhớ nguồn’

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Với trách nhiệm, lòng biết ơn và phương châm không để bất cứ người có công nào không được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, sự chăm sóc của Nhân dân, những năm qua, Đảng, Nhà nước và Nhân dân hết mực quan tâm, chăm lo đến công tác đền ơn đáp nghĩa.

Tháng 7 hàng năm lại nhớ về tháng 7/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ chọn một ngày trong năm làm “Ngày Thương binh toàn quốc” để đồng bào ta có dịp bày tỏ lòng hiếu nghĩa, yêu mến thương binh. Từ đó, ngày 27/7 trở thành một ngày đặc biệt ý nghĩa, một nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ - người đại diện cho hơn 50.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng trên cả nước, dưới chân núi Cấm, thôn Phú Thạnh, xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Ảnh tư liệu: Thành Cường
Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ - người đại diện cho hơn 50.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng trên cả nước, dưới chân núi Cấm, thôn Phú Thạnh, xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Ảnh tư liệu: Thành Cường

Được tổ chức lần đầu vào ngày 27/7/1947, sau đó, đến năm 1995 đổi tên thành Ngày Thương binh - Liệt sĩ, ngày kỷ niệm này “những người ái quốc Việt Nam càng tưởng nhớ đến anh em thương binh, tưởng nhớ đến các gia đình tử sĩ, tưởng nhớ đến những người vô danh anh hùng, hoặc đã hy sinh tính mệnh, hoặc đã góp một phần xương máu cho cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta...”; và “Công trạng to lớn của các liệt sĩ đã ghi sâu vào lòng toàn dân và non sông đất nước... Máu đào và sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ đã tô thắm lá cờ cách mạng vẻ vang, để đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do” (Chủ tịch Hồ Chí Minh).

Có nơi nào như đất nước chúng ta, viết bằng máu cả ngàn chương sử đỏ? Và cũng có nơi nào như dải đất hình chữ S, đi đến đâu cũng gặp những tượng đài, những nghĩa trang liệt sĩ, những nấm mồ chung? Bao thế hệ cha anh đã ngã xuống cho Tổ quốc đứng lên, máu xương của các anh đã hòa vào lòng đất mẹ, hiến tuổi xuân đẹp nhất cho lý tưởng thiêng liêng mà “lòng vẫn phơi phới dậy tương lai”.

Chăm sóc thương binh nặng tại Trung tâm Chăm sóc thương, bệnh binh Nghệ An. Ảnh tư liệu: Đức Anh

Chăm sóc thương binh nặng tại Trung tâm Chăm sóc thương, bệnh binh Nghệ An. Ảnh tư liệu: Đức Anh

Những người may mắn bước ra từ cuộc chiến, trở về cuộc sống đời thường, nhiều thương, bệnh binh tiếp tục tỏa sáng trong đời sống xã hội và các phong trào phát triển kinh tế. Ở hoàn cảnh nào, những anh Bộ đội Cụ Hồ vẫn phát huy phẩm chất kiên cường, bất khuất, sáng tạo, thực sự là những bông hoa tươi thắm trong vườn hoa của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, là những tấm gương sáng lay động lòng người, động viên, khích lệ, truyền cảm hứng, lan tỏa tinh thần vượt khó vươn lên.

Hiện tại tươi đẹp và tương lai sáng ngời có được là nhờ những cống hiến, hy sinh không gì sánh được của một thế hệ quên mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Tiếp nối và nhân lên truyền thống đạo lý ngàn đời của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”, xuất phát từ tấm lòng tri ân sâu sắc, từ những trăn trở và day dứt của các thế hệ sau đối với anh linh các anh hùng liệt sĩ, với trách nhiệm, lòng biết ơn và phương châm không để bất cứ người có công nào không được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, sự chăm sóc của Nhân dân, những năm qua, Đảng, Nhà nước và Nhân dân hết mực quan tâm, chăm lo đến công tác đền ơn đáp nghĩa. Như lời Bác Hồ đã căn dặn đối với “những người con trung hiếu ấy, Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng”, và Người giải thích: “Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy, mọi người phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt qua tất cả khó khăn, gian khổ hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã để lại”. Ðây vừa là tình cảm nhưng cũng là trách nhiệm thiêng liêng của chúng ta!

Người dân làm lễ dâng hương tại Nghĩa trang Việt - Lào. Ảnh tư liệu: Việt Hùng

Người dân làm lễ dâng hương tại Nghĩa trang Việt - Lào. Ảnh tư liệu: Việt Hùng